Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp rất lớn, lớn, vừa và nhỏ

Lê Vĩnh Triển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(TBKTSG) – Thông điệp “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế…” đang được Chính phủ phát đi mạnh mẽ.

Nhận diện lại khu vực kinh tế tư nhân, nhận diện lại nội, ngoại lực, các rào cản hiện nay, cũng như bàn về hướng đi là bước cần thiết trước khi xây dựng, triển khai các giải pháp hiệu quả để phát triển khu vực kinh tế này. TBKTSG xin phác thảo đôi nét về bức tranh kinh tế tư nhân hiện nay…

Khu vực kinh tế tư nhân cần được thúc đẩy phát triển để nền kinh tế cất cánh. Ảnh: Thành Hoa

Trong phiên họp Chính phủ cuối năm 2018, phát triển kinh tế tư nhân được nhấn mạnh để khu vực này trở thành động lực của nền kinh tế. Điều này hoàn toàn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, nơi mà Nhà nước chủ yếu thực hiện vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Bài viết này đề cập đến quy mô của các doanh nghiệp tư nhân, có tham khảo đôi nét kinh nghiệm của hai nền kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan.

Bài viết vì thế cũng có thể được xem như sự mở rộng từ bài Thể chế là điều kiện cần cho giải pháp chaebol (TBKTSG Online 6-7-2015) khi tác giả đánh giá những hệ lụy tiêu cực của việc phát triển các công ty tư nhân quy mô lớn, kiểu chaebol Hàn Quốc, trong hoàn cảnh thể chế kinh tế – chính trị Việt Nam.

Trên bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu nhiều năm qua, bốn nền kinh tế châu Á là Nhật, Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc thường xuyên nằm trong “top” nhóm có năng lực cạnh tranh cao nhất. Trong đó đáng lưu ý là hai nền kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan, vốn có giai đoạn đầu phát triển ít nhiều tương đồng với Việt Nam. Trong khi Hàn Quốc và Đài Loan từng vượt qua những giai đoạn ban đầu của họ để nhanh chóng trở thành những cường quốc kinh tế, Việt Nam dường như vẫn còn tiếp tục loay hoay trong bước đầu chưa “cất cánh”, vẫn chưa cho thấy khả năng vượt qua những trở ngại của chính mình dù đã mở cửa để phát triển kinh tế từ nhiều năm qua.

Thật thú vị là hai nền kinh tế với nhiều bài học cho Việt Nam trong phát triển lại cũng là hai nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong gần 30 năm qua kể từ khi Việt Nam đổi mới kinh tế. Cả Hàn Quốc và Đài Loan đều lấy sự phát triển kinh tế tư nhân làm động lực cho phát triển, nhưng với sự lựa chọn khác nhau về quy mô doanh nghiệp. Có thể nói đây chính là sự khác biệt lớn nhất, trong khi Hàn Quốc phát triển các công ty tư nhân quy mô cực lớn, Đài Loan hùng mạnh với một hệ thống các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, cũng giống như Hàn Quốc, sự phát triển kinh tế Đài Loan gắn liền với vai trò hỗ trợ của nhà nước và việc hoàn thiện thể chế theo hướng minh bạch, giải trình và chịu trách nhiệm của chính bộ máy nhà nước. Các trụ cột thể chế này cùng với các thiết chế khác như tòa án độc lập, sự tham gia của người dân vào hệ thống chính trị đã là nền tảng lành mạnh cho chính quá trình phát triển của hai nền kinh tế này.

Điều đó được khẳng định qua sức mạnh cạnh tranh toàn cầu mà mức độ cảm nhận tham nhũng thấp là một tiêu chí đánh giá. Càng rõ ràng hơn khi Hàn Quốc và Đài Loan liên tục được xếp trong tốp đầu trên thế giới về cả chỉ số cạnh tranh quốc gia và cảm nhận (thấp) tham nhũng.

Việc định hướng doanh nghiệp tư nhân như một động lực phát triển nền kinh tế, có thể nói Việt Nam có các bài học từ kinh nghiệm của cả Hàn Quốc và Đài Loan: Hàn Quốc với các doanh nghiệp tư nhân cực lớn và Đài Loan với hệ thống khổng lồ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Cần lưu ý là tuy sự khác biệt nêu trên là đặc trưng của hai nền kinh tế này, các doanh nghiệp tư nhân với quy mô khác nhau vẫn phát triển tốt ở cả hai nơi này. Đó là các doanh nghiệp lớn ở Đài Loan và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc).

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có lựa chọn loại hình doanh nghiệp để có chiến lược hỗ trợ phát triển hay không, và liệu Việt Nam có nhất thiết phải chọn một trong hai bài học?

Chính phủ Việt Nam dường như mong muốn và chú trọng phát triển tất cả các loại hình kinh tế tư nhân theo tinh thần nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Nghị quyết 10). Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế tư nhân đã xuất hiện và được tạo điều kiện ngày càng phát triển về quy mô. Như vậy vài câu hỏi có thể được đặt ra là:

Thứ nhất, liệu các doanh nghiệp lớn này có thể có những thành công như các chaebol Hàn Quốc?

Thứ hai, liệu các doanh nghiệp “chaebol Việt Nam” này có “làm hỏng” mục tiêu hỗ trợ và phát triển các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Hay ngược lại, thứ ba, sẽ hỗ trợ sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ như bài học thành công từ Đài Loan?

Tác giả đã có những nhận định có thể được tham khảo để trả lời cho câu hỏi thứ nhất qua bài Thể chế là điều kiện cần cho “giải pháp chaebol”. Xin trích lại kết luận của bài báo: “Sự hình thành và phát triển của các chaebol Hàn Quốc xuất phát từ các công ty tư nhân, được nhà nước hỗ trợ để nhằm chinh phục các thị trường nước ngoài chứ không nhắm đến khai thác cạn kiệt và tàn phá tài nguyên quốc nội.

Trong quá trình phát triển, các chaebol Hàn Quốc mau chóng chấp nhận yếu tố thị trường, đặc biệt trong việc tôn trọng các chuẩn mực quốc tế. Trong khi đó, các thể chế chính trị trong nước họ định hướng và chuyển mình theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch. Hệ thống nhà nước càng minh bạch hay bị buộc phải minh bạch càng hạn chế việc gắn bó của các chaebol và quan chức nhà nước theo kiểu lấy tiền/cổ phiếu đổi quan hệ.

Nếu nền kinh tế Việt Nam được định hướng phát triển theo kinh tế thị trường với sự tôn trọng và thực hiện ngày càng mạnh mẽ các nguyên tắc công khai minh bạch, giải trình và trách nhiệm xã hội thì chúng ta có thể hy vọng những doanh nghiệp tư nhân lớn của đất nước có thể trở thành các chaebol đối với nền kinh tế Việt Nam”.

Với câu hỏi thứ hai và thứ ba, lời giải vẫn ở thể chế, đặc biệt từ kinh nghiệm đổi mới thể chế và cách làm của Đài Loan để từ đó chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nền kinh tế này không chỉ sinh sôi phát triển mà còn vươn tầm lớn mạnh ra khỏi phạm vi Đài Loan.

Theo Day Jaw-yang, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc gia Đài Loan, Đơn vị Nghiên cứu III, thì sự lớn mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan có được là nhờ ở sự kết hợp các điều kiện thể chế trong nước và sự phát triển kinh tế hướng ngoại. Hiện tượng đặc biệt của Đài Loan là các doanh nghiệp lớn không cản trở mà hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bài viết nhường câu trả lời cho bạn đọc và xin kết thúc bằng một mẩu trao đổi ngắn của tác giả và một người bạn, chủ doanh nghiệp quy mô nhỏ về thi công xây dựng vốn từng có quy mô lớn hơn rất nhiều lần ở thời điểm khoảng hai mươi năm về trước. (Trao đổi chỉ để gợi ý nghiên cứu, không khẳng định sẽ đúng trong tất cả các trường hợp doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ).

– Tình hình làm ăn sao mà ngày càng thu hẹp so với trước nhiều như vậy?

– Cạnh tranh nhiều hơn, khốc liệt hơn. Làm lớn mà không có quan hệ là chết. Ngày trước mình ra nghề ít người biết, cơ hội nhiều mà nhà nước thì cũng chưa biết gì nhiều để quản lý hay hạch sách (!). Còn càng về sau này thì khác rồi.

– Những năm gần đây luật pháp đầy đủ hơn, nhà nước chủ trương ủng hộ doanh nghiệp thì dễ làm ăn hơn chứ?

– Đúng. Luật pháp nhiều, quy định, quy cách chặt chẽ hơn vì rất nhiều luật và quy định phải phù hợp với quốc tế. Nhưng vấn đề là chính quyền cũng biết cách sử dụng những quy định chặt chẽ này để làm khó doanh nghiệp hơn. Họ sử dụng luật, quy định theo hướng kiểm soát và dùng quyền lực để mặc cả hay bắt bẻ từng li từng tí cho mình nản, chứ không phải tạo điều kiện giúp đỡ mình (!?)”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới