(KTSG Online) – Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) có những chia sẻ với KTSG Online về những thách thức của các doanh nghiệp trong thời gian qua cũng như những chính sách hỗ trợ để họ có thể khôi phục sản xuất hiệu quả khi Đà Nẵng bắt đầu nới lỏng các hoạt động.
KTSG Online: Đến nay, dịch đã tạm được kiểm soát tại Đà Nẵng. Ông có thể đưa ra những đánh giá sơ bộ về những thách thức mà các doanh nghiệp (cả trong nước lẫn FDI) tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao gặp phải trong thời gian qua?
- Ông Phạm Trường Sơn: Thời gian qua, tình hình bùng phát dịch đợt 4 diễn biến hết sức phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu công nghệ cao (KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) bị ảnh hưởng ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.
Phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các vấn đề tiêu biểu như thiếu vốn kinh doanh, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp, phải cắt giảm lao động, bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng chống dịch.
Mặc dù một số doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu, điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhưng họ đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên nhanh chóng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.
Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số, đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang thiếu hụt nguồn vốn.
Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đối với doanh nghiệp tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Một số bộ phận người lao động phải nghỉ việc, không có thu nhập, hoàn cảnh khó khăn nên ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều, đặc biệt là các đối tượng lao động ngắn hạn, thời vụ.
Hiện nay có khoảng hơn 10.776 lao động mất việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động nghỉ không lương do ảnh hưởng dịch Covid-19 (chiếm 13,6% số lao động so với đầu năm 2020).
KTSG Online: Một số doanh nghiệp trong thời gian qua tuy khó khăn vẫn duy trì sản xuất. Theo quan sát của ông, họ đã “sống” như thế nào?
- Tôi lấy ví dụ các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Foster (KCN Hòa Cầm), Công ty TNHH PI Vina (KCN Hòa Khánh) triển khai có hiệu quả hoạt động từ xa thông qua các công cụ phần mềm như Honeywell Forge cho phép các công ty vận hành nhà máy từ xa.
Đầu tiên, dữ liệu được thu thập trên thiết bị và phần cứng. Sau đó, dữ liệu hoạt động đó được hợp nhất với dữ liệu kinh doanh và được lưu trữ trên đám mây. Tiếp theo, các nhà lãnh đạo có thể chạy các công cụ phân tích để giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt hơn về cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình quan trọng. Cuối cùng, mục tiêu là làm cho các hoạt động từ xa trở nên liền mạch như ở cơ sở.
Bên cạnh đó, lao động tri thức được trang bị văn hóa an toàn, đặc biệt tại những công ty có số lượng lao động lớn như Công ty TNHH Fujikura (KCN Hòa Cầm), Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh)…
Giữa các quy định mới về sức khỏe COVID-19 và mối quan ngại ngày càng tăng của nhân viên, người lao động được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa an toàn song song với nỗ lực trở lại làm việc của mình. Hướng dẫn về giãn cách xã hội yêu cầu các doanh nghiệp phải hiểu sâu sắc về cách các tòa nhà của họ đang được sử dụng, cách mọi người di chuyển trong không gian và cách các hệ thống trong tòa nhà giữ cho họ thoải mái và khỏe mạnh.
KTSG Online: Cụ thể, đến lúc này lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, công nghệ cao có sự biến động như thế nào?
- Hiện nay, các kịch bản phục hồi của thị trường lao động đã được đưa ra trên cơ sở kiểm soát dịch bệnh, đà phục hồi của nền kinh tế không chỉ trong nước mà còn phụ thuộc vào cả nhiều thị trường trên thế giới.
Mặc dù chưa thể đưa ra những nhận định cụ thể về thị trường lao động thời gian tới nhưng vẫn có một số lĩnh vực gia tăng tuyển dụng. đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, phân phối bán lẻ, tập trung vào các vị trí cấp cao liên quan đến hỗ trợ công nghệ và vận hành thương mại điện tử.
Việc nhân viên phải làm việc từ xa qua Internet trong thời gian qua khiến các công ty phải tăng cường nhân sự cho bộ phận quản trị mạng và cơ sở dữ liệu. Thêm vào đó, lưu trữ đám mây đang thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp nhanh hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến nhu cầu về kỹ sư công nghệ thông tin sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra các vị trí khác cũng đang được xem xét tuyển dụng mới như kinh doanh, bán hàng, công nghệ thông tin, marketing, chăm sóc khách hàng, tài chính kế toán.
KTSG Online: Bên cạnh vấn đề lao động, các doanh nghiệp sẽ phải quan tâm đến những vấn đề gì để khôi phục từng bước hiệu quả?
- Đầu tiên, về sức khỏe và an toàn, họ phải đảm bảo tuân thủ chỉ thị của Chính phủ và những quy định về sức khỏe, an toàn và môi trường. Đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh và thiết lập các quy định về sử dụng chung các thiết bị và không gian làm việc. Xem xét các phương thức y tế phù hợp như một phần của quá trình trở lại hoạt động, ví dụ như kiểm tra thân nhiệt.
Về loại hình công việc, họ phải xác định các dịch vụ chính/ bắt buộc theo hợp đồng và những vai trò liên quan; hiểu rõ những công việc dễ xảy ra rủi ro và các vấn đề cần tuân thủ nếu công việc không được thực hiện tại nơi làm việc và đánh giá những công việc có thể giảm năng suất đáng kể nếu làm việc bên ngoài.
Về doanh thu, các doanh nghiệp cần hiểu rõ các chi phí phát sinh và các khoản tiết kiệm được khi người lao động trở lại làm việc như chi phí an ninh, vệ sinh, bảo hộ lao động.
Và các doanh nghiệp cần xác định và duy trì các luồng doanh thu mới hoặc mở rộng các dịch vụ sẵn có như các sản phẩm, dịch vụ mới bên cạnh lập kế hoạch cho sự thay đổi nhu cầu kinh doanh đặc thù trong giai đoạn phục hồi.
KTSG Online: Về phần mình, DHPIZA sẽ có những chính sách cụ thể gì sắp tới để hỗ trợ doanh nghiệp?
- Nhằm thực hiện mục tiêu vừa đảm bảo an toàn sản xuất vừa hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, DHPIZA chủ trì kiểm tra công tác phòng chống tại toàn bộ các doanh nghiệp đang hoạt động và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Chúng tôi thường xuyên quán triệt đến các chủ đầu tư hạ tầng KCNC và các KCN chủ động các phương án, kịch bản kịp thời ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng và tăng cường giám sát chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả không để phát sinh ca mắc Covid-19 trong doanh nghiệp và yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp thực hiện nghiêm các chỉ đạo phòng chống dịch của các cấp là các hoạt động quan trọng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không bị ngưng trệ, chúng tôi đã tham mưu UBND thành phố thực hiện các biện pháp đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, giao thông ra vào KCNC và các KCN, đảm bảo chủ động, tích cực, thủ tục nhanh gọn, hiệu quả. Chúng tôi tích cực phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ đưa chuyên gia, lao động nước ngoài tay nghề cao nhập cảnh, phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo các quy định về cách ly y tế đối với những trường hợp này.
DHPIZA cũng đã báo cáo và đề xuất chính sách miễn giảm cho 418 doanh nghiệp đang thuê đất, thuê lại đất trong các KCNC và các KCN với thời gian hưởng miễn giảm là 1 năm, tổng số tiền ngân sách hỗ trợ để miễn giảm là 25,659 tỉ đồng.
Cảm ơn ông.