Thứ bảy, 14/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp tìm cách tăng xuất khẩu tôm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp tìm cách tăng xuất khẩu tôm

Trung Chánh

Doanh nghiệp tìm cách tăng xuất khẩu tôm
Nhân công chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Trong bối cảnh xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Mỹ giảm mạnh do thuế chống bán phá giá tăng cao, ngoài việc tiếp tục khai thác những sản phẩm đang có lợi thế ở thị trường lớn này thì các doanh nghiệp cũng đang tìm cách tăng xuất khẩu sản phẩm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn số liệu thống kê của Trade Map (cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế) cho biết, tổng nhập khẩu tôm của Mỹ từ các thị trường trên thế giới trong bốn tháng đầu năm 2017 đạt 179.516 tấn với trị giá nhập khẩu đạt trên 1,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,9% về lượng và 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, nhập khẩu tôm từ Việt Nam đạt 14.150 tấn với trị giá 155,6 triệu đô la Mỹ, giảm 23,5% về lượng và 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với TBKTSG Online về tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đến thời điểm hiện nay, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe tuy không tiết lộ con số chính thức, nhưng nói rằng mức độ sụt giảm ở thị trường này là khá lớn.

Theo ông Hòe, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Ecuador là các nguồn cung cấp tôm chính cho thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm nay và hầu hết các nước đều bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Thế nhưng, do mức thuế chống bán phá giá Mỹ áp cho tôm Việt Nam cao nên sức cạnh tranh tôm của Việt Nam ở thị trường Mỹ kém hơn.

Ngoại trừ Công ty thủy sản Minh Phú thoát khỏi cuộc điều tra và được hưởng thuế suất 0% trong lần công bố cuối cùng của kỳ xem xát hành chính lần thứ 10 - POR10 (lần công bố số bộ trước đó của kỳ POR10 Minh Phú chịu mức thuế là 2,86%), thì mức thuế tự nguyện của 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác vào Mỹ trong đợt công bố cuối cùng của kỳ POR10 (được công bố hồi tháng 9-2016) là 4,78%, tăng gần 5 lần so với kỳ POR9 (0,91%).

Theo ông Hòe, giá nguyên liệu tôm trong nước cao hơn so với các nước đối thủ cùng xuất khẩu vào Mỹ và cộng thêm cả thuế chống bán phá giá, thì doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh để vào được thị trường Mỹ.

Dự báo tình hình xuất khẩu sắp tới vào thị trường Mỹ, ông Hòe nhấn mạnh rằng phải cần thêm một đến hai tháng nữa mới có thể có đánh giá chính xác hơn. Bởi, đó là thời điểm các nhà nhập khẩu chuẩn bị kế hoạch nhập khẩu cho dịp tiêu thụ vào cuối năm.

Ở góc độc doanh nghiệp, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cồ phần thủy sản Sóc Trăng nói rằng, nếu giá tôm Việt Nam cao hơn so với Ấn Độ hay Indonesia thì Mỹ mua sẽ nhiều sản phẩm tôm của Ấn Độ và Indonesia. Tôm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ gặp khó do bị mức thuế chống bán phá giá cao.

Đa dạng thị trường xuất khẩu

Để ứng phó với sự sụt giảm ở thị trường Mỹ, theo ông Hòe, thì các doanh nghiệp cần phải khai thác tối đa các thị trường khác và họ cũng đã tập trung vào việc này. Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc khai thác các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh ở thị trường Mỹ là sản phẩm chế biến và nuôi bền vững, thì doanh nghiệp cần tăng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.

Các hoạt động quảng bá cũng được thực hiện ở các thị trường khác. Thông tin từ Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, từ ngày 18 đến 24-6 vừa qua, đơn vị này cũng đã tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có sản phẩm tôm.

Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại kỳ vọng qua chương trình này, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam và Trung Quốc sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp, hợp tác làm ăn lâu dài.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu thủy sản Nghi Sơn, Công ty thủy sản Lenger Việt Nam... đã đạt được những thỏa thuận cụ thể về việc cung cấp hàng với nhà nhập khẩu, phân phối của phía Trung Quốc, theo Cục xúc tiến thương mại.

Ông Phẩm của Công ty cồ phần thủy sản Sóc Trăng nói rằng việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tôm qua EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không dễ dàng, đặc biệt trong năm 2018 khi các khoản phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…, được dự báo tiếp tục tăng lên, nhất là trong bối cảnh giá tôm Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước xuất khẩu khác, sẽ ảnh hưởng đến "sức khỏe" của doanh nghiệp xuất khẩu.

Mời xem thêm:

Tôm Việt Nam vào Mỹ chịu thuế chống bán phá giá thêm năm năm

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới