Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp và trường đại học tại Nhật Bản gặp khó vì các hạn chế nhập cảnh

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tokyo và 18 địa phương khác chẩm dứt tình trạng khẩn cấp vào hôm nay 30-9 sau sáu tháng ròng phong tỏa. Tuy nhiên, hiện người nước ngoài chưa có tư cách vĩnh trú vẫn không được phép nhập cảnh, khiến các doanh nghiệp và trường đại học Nhật Bản bị ảnh hưởng tài chính nặng nề.

Tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ tại Tokyo và 18 tỉnh thành khác khắp Nhật Bản trong ngày hôm nay 30-9. Ảnh: Reuters

Nhật Bản trở nên lạ lẫm

Chính phủ dự định sẽ rút ngắn thời gian cách ly y tế đối với công dân và người nước ngoài có thẻ vĩnh trú. Tuy nhiên, lệnh cấm cấp visa nhập cảnh mới vẫn được duy trì.

“Lệnh hạn chế nhập cảnh sẽ được duy trì với một vài ngoại lệ nhất định”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói với Nikkei Asia. Bất cứ quyết định nào trong việc nới lỏng lệnh nhập cảnh sẽ phụ thuộc vào tân Thủ tướng Fumio Kishida, người sẽ chính thức nhậm chức kể từ ngày 4-10 sắp tới.

Nhật Bản kiểm soát chặt biên giới lần đầu vào đầu năm 2020. Việc cấp visa nhập cảnh mới cho người lao động và du học sinh quốc tế được nối lại vào tháng 10-2020, nhưng cánh cửa hẹp nhanh chóng đóng sập lại từ tháng 1-2021. Các trường đại học chịu những tác động cực lớn từ chính sách này.

Matthew Wilson, hiệu trưởng của chi nhánh Nhật Bản của Đại học Temple, nói bốn chương trình học liên kết với nước ngoài với khoảng 500 sinh viên bị hủy bỏ, bởi giáo sư và sinh viên nước ngoài không nhập cảnh được.

“Nếu chúng tôi không có được xác nhận định rõ ràng nào trong tháng 10, chúng tôi buộc phải hủy học kỳ mùa xuân 2022”, Wilson nói. Với học phí và tiền thuê nhà khoảng 12.000 đô la mỗi học kỳ, chi nhánh Đại học Temple mất ít nhất 6 triệu đô la do việc hủy bỏ các chương trình liên kết.

“Việc xin visa cho những sinh viên này ngày càng phức tạp hơn. Họ sẽ đến những nước luôn rộng mở cánh cửa chào đón họ”, vị hiệu trưởng nói.

Sinh viên và doanh nghiệp cũng có các lựa chọn thay thế khác thay cho Nhật Bản, chẳng hạn như Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), với các giới hạn và rào cản khác nhau. Nhưng dù sao vẫn dễ chịu hơn Nhật Bản.

Một hãng dược châu Âu đang xem xét đưa ba quản lý cấp cao, bao gồm giám đốc tài chính, đến Singapore thay vì Nhật Bản. Tương tự, nhiều nhân viên người nước ngoài của hãng dược này đã chọn các vị trí ở Trung Quốc. “Bởi họ e ngại rằng con đường sự nghiệp sẽ chững lại trong khi chờ đợi các thủ tục xin visa nhập cảnh Nhật Bản được cải tiến giữa mùa dịch.

Đôi lúc, chúng tôi thậm chí là không tiến hành quá trình sàng lọc tuyển dụng bởi câu hỏi đầu tiên của người xin việc sẽ là nhập cảnh Nhật Bản có dễ dàng hay không”, giám đốc nhân sự của hãng dược nói.

Trong khi đó, các hãng luật Nhật Bản và quốc tế đang cạnh tranh, giành giật từng luật sư thông thạo hai ngôn ngữ đang có mặt tại Nhật Bản sau khi một số luật sư đã về nước và không thể quay lại xứ hoa đào.

Laurie Lebrun, đối tác hãng tuyển dụng ngành luật Major, Lindsey & Africa, nói rằng bà còn tư vấn với sinh viên mới ra trường rằng: “Bây giờ không phải là thời điểm xin việc ở Nhật Bản. Thị trường việc làm đang sôi động ở Mỹ lúc này. Tốt hơn hết là ở tại chỗ và chờ đợi khi quy định về visa thay đổi”.

“Chúng tôi không biết nói sao với khách hàng”, theo lời Gael Austin chuyên tư vấn về việc thành lập công ty tại Nhật Bản. Ông cho biết một khách hàng của ông đã đưa giám đốc quốc gia thị trường Nhật Bản sang làm việc tại Hàn Quốc. Và từ Seoul, người này phải coi sóc luôn mảng thị trường ở Tokyo trong khi chờ được cấp visa nhập cảnh.

“Nhật Bản đang là một hình ảnh rất lạ lẫm với chúng tôi. Trong khi họ mở cửa cho các hoạt động Olympics, nhưng lại đóng sập hoàn toàn đối với các hoạt động kinh doanh, ngoại thương xuyên biên giới’, Austin nói.

Các hoạt động đi lại hàng không trong nước tại sân bay Haneda vẫn tấp nập. Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ cho phép công dân và người nước ngoài có tư cách vĩnh trú tại Nhật Bản được phép nhập cảnh. Ảnh: Nikkei Asia

Trông chờ vào vị thủ tướng mới

Tiếp tục cấp visa nhập cảnh là một trong những đề nghị mà nhóm vận động hành lang Keidanren rất có uy thế gửi lên vị thủ tướng sắp miễn nhiệm Yoshihide Suga hồi đầu tháng 9 này. Các đề nghị được tổng hợp từ ý kiến của các công ty hội viên Keidanren bao gồm cho phép nhập cảnh vì mục đích thương mại, quản lý dự án hay ký kết hợp đồng tại Nhật Bản mà không cần 14 ngày cách ly bắt buộc.

“Quan điểm của chúng tôi là phải cân bằng giữa việc phòng chống dịch và nối lại các hoạt động kinh tế”, người phát ngôn của Keidanren phát biểu.

Singapore đang là một trong những đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua trở thành trung tâm tài chính châu Á với Nhật Bản. Hòn đảo nhỏ bé này đã mở làn nhập cảnh không cách ly dành cho khách đã tiêm chủng đầy đủ trong tháng 9 này. Với hơn 80% dân số đã tiêm chủng đầy đủ, Singapore đang xem Covid-19 như là bệnh đặc hữu hay cúm thông thường.

“Khó có thể tránh được tình trạng không có ca nhiễm mới. Chúng tôi công nhận cách tiếp cận của Singapore rất thực tế”, đại diện Keidanren nói.

Trong một khảo sát mới đây với trên 300 thành viên của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) và Hội đồng Doanh nghiệp châu Âu (EBC) tại Nhật Bản, 68% nói rằng hạn chế nhập cảnh có tác động nghiêm trọng đối với khách hàng của họ tại Nhật Bản, ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án mới, các cuộc họp quản trị và kiểm toán.

“Các phòng thương mại nước ngoài rất quan ngại nếu khách hàng chúng tôi tìm đối tác khác. Điều này làm giảm vai trò quan trọng của một trung tâm khu vực như Nhật Bản”, Chủ tich EBC tại Nhật Bản Michael Mroczek phát biểu.

Các doanh nghiệp và trường đại học tại Nhật Bản giờ đây trông chờ vào vị thủ tướng mới – ông Fumio Kishida. Họ hy vọng về lịch trình rõ ràng và các yêu cầu đối với xin visa nhập cảnh cho đối tác, nhân viên và sinh viên nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới