Thứ Bảy, 27/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay

Văn Nam

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay
Ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM phát biểu tại hội nghị ngày 12-3 – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Hàng loạt khó khăn liên quan đến tiếp cận vốn vay, lãi suất còn quá cao, ngân hàng thiếu niềm tin vào doanh nghiệp đã được đại diện các hiệp hội ngành hàng nêu ra tại hội nghị gặp gỡ đầu năm giữa lãnh đạo TPHCM và doanh nghiệp ngày 12-3.

>>> Vốn vay vẫn ế

Nhiều đơn hàng nhưng…

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cao su Nhựa TPHCM, cho biết hiện các doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu đến tháng 6-2013. Cái khó lớn nhất của các doanh nghiệp ngành nhựa là có đơn hàng nhiều nhưng đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, bởi không doanh nghiệp nào dám đi vay vốn ngân hàng vì họ cho rằng lãi suất hiện còn rất cao so với mặt bằng lãi suất vay tại các nước ở châu Á.

“Nếu so sánh với doanh nghiệp cùng ngành nhựa ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc có mức lãi suất 2-3%/năm thì doanh nghiệp nhựa trong nước còn vay ở mức khá cao, vậy nên các doanh nghiệp trong nước đành gói gọn sản xuất bằng vốn tự có của mình, hoặc chiếm dụng vốn lẫn nhau từ nhà cung cấp để hoạt động dẫn đến sức cạnh tranh rất kém”, ông Anh nêu tại hội nghị.

Ngoài lãi suất vay cao, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện còn khá gian nan khi tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Đây cũng là khó khăn chung không chỉ đối với ngành nhựa mà đối với nhiều ngành nghề khác như dệt may, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, bất động sản…

Ngân hàng thiếu niềm tin vào doanh nghiệp nhỏ

Phát biểu tại hội nghị với tư cách là Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM có gần 200 thành viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho rằng các ngân hàng đang thiếu niềm tin đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu quan tâm đến họ và giữ lãi suất cho vay vẫn còn cao.

“Ngân hàng chỉ đi tìm doanh nghiệp lớn cho vay, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì gần như không được quan tâm. Điều tôi muốn kiến nghị ở đây là cho 198 doanh nghiệp nhỏ và vừa của hội lương thực thực phẩm thành phố, họ còn khó khăn, hiện nay bình quân lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ở mức 13- 14%/năm”, ông Mười nói.

Ông Mười bày tỏ lo ngại rằng đến năm 2015 khi Việt Nam hoàn toàn gia nhập khu vực ASEAN + 1 thì các doanh nghiệp trong nước không đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực.

“Do vậy, tôi vẫn nhắc lại kiến nghị rằng cần một cơ chế kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất thấp xuống, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tái cấu trúc lại nợ để tạo chu kỳ sản xuất mới, tiếp tục giảm, giãn thuế VAT bởi hiện nay nợ đang chồng chất. Đây là những vấn đề bức thiết”, ông Mười nói. 

Vượt lên chính mình

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (và là Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3), cho biết một thực tế trong ngành dệt may hiện nay là các ngân hàng cho vay còn săm soi tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và đưa rất nhiều điều kiện phức tạp. Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành hiện rất ngại đi vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất cho dù đơn hàng đang tương đối tốt, có thể tăng năng lực xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng gần đây.

Thay vì đi vay vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cố gắng sử dụng nguồn vốn tự có để vượt qua những khó khăn hiện tại. “Phần lớn các doanh nghiệp dệt may hiện nay chỉ sử dụng nguồn lực sẵn có để tồn tại, hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn trong tương lai”, ông Hồng cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tại hội nghị, hiện vốn, lãi suất, hàng tồn kho vẫn là ba khó khăn nổi cộm của doanh nghiệp đang hoạt động tại thành phố. Các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay do thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài; mức lãi suất cho vay còn rất cao, đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vay với mức từ 18-21%/năm, chỉ riêng đối với một số doanh nghiệp lớn mới vay được với lãi suất 10-12%/năm.

Ông Trương Phú Cường, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM, cho rằng ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay xuống còn 8-10% là phù hợp, đồng thời cần giảm bớt thủ tục không cần thiết.

Trước những kiến nghị về các khó khăn của doanh nghiệp, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết UBND thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước có lộ trình giảm mặt bằng lãi suất xuống để cho doanh nghiệp có vốn vay thấp, duy trì sản xuất để vượt qua khó khăn trong năm 2013 này.

Ông Hà đề nghị các hiệp hội ngành hàng tại thành phố lập danh sách các doanh nghiệp của từng hiệp hội, liệt kê cụ thể doanh nghiệp nào đang khó khăn để thành phố có biện pháp giải quyết.

Ông Hà cho rằng thời gian qua các chương trình cho vay vốn hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn tản mạn, chưa hiệu quả, ít đến được với doanh nghiệp. Sắp tới sẽ tập hợp các chương trình lại thành một gói hỗ trợ, tập trung hỗ trợ từng doanh nghiệp khó khăn cụ thể.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM được thực hiện đầu năm 2013:

– 84% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn do chi phí, lệ phí và thuế còn khá cao.

– 76% cho rằng chi phí lãi vay ngân hàng quá cao. Nhiều doanh nghiệp nói còn vay với lãi suất 19-21%/năm

– 76% cho rằng khó khăn của doanh nghiệp là do suy thoái kinh tế toàn cầu

– 68% cho rằng hệ thống pháp luật, công chức điều hành còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

– 64% doanh nghiệp nhỏ và vừa nói khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Các điều kiện để ngân hàng đánh giá tín nhiệm để được vay đã sử dụng hết rồi, tài sản thế chấp không còn, tình hình sản xuất ngày càng èo uột lại càng khó vay hơn.

– 92% doanh nghiệp nói muốn có chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, điều chỉnh giá thuê đất.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới