Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng cho ‘nền kinh tế bạc’?

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 khi tỷ lệ người cao niên trên 60 tuổi bắt đầu vượt ngưỡng 10%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng nhanh và đạt 25% vào năm 2050. Tuy vậy, “nền kinh tế bạc” (silver economy) chỉ mới chuyển động thật sự trong một hai năm nay, dù rằng nhiều doanh nghiệp đã nhận ra cơ hội này từ 10 năm trước. Sau hơn mười năm chuyển động, tỷ lệ hàng hóa và sản phẩm dịch vụ đang tăng dần, nhưng tốc độ khá khiêm tốn.

“Hôm rồi, tôi phải đến Bệnh viện Lão khoa Trung ương ở Hà Nội. Đông nghẹt người, bởi đây là bệnh viện chuyên ngành về người già duy nhất ở Hà Nội và của cả đất nước hơn 100 triệu dân”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bắt đầu cuộc trò chuyện với Kinh tế Sài Gòn như thế.

Người phụ nữ hơn 80 tuổi này nói rằng người cao tuổi tại Việt Nam đang “chung sống thầm lặng” với bệnh tật. Trung bình mỗi người trên 60 tuổi có 2-3 bệnh, bà Lan dẫn số liệu của Liên hiệp quốc và nói rằng “lớn tuổi rồi tôi nhớ không chính xác”. Trên thực tế, con số này cao hơn nhiều. Người cao tuổi phải chịu đựng nhiều bệnh cùng một lúc trong 14 năm sau của cuộc đời.

Một buổi tập thể dục buổi sáng ở Hà Nội. Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và chính thức là “xã hội già” từ năm 2036.
Ảnh: VGP

Tại hội nghị lão khoa toàn quốc diễn ra vào tháng 11 năm ngoái tại Hà Nội, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương kiêm Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, nói rằng trung bình mỗi người sau 60 tuổi mắc từ 3-4 bệnh và sau 80 tuổi mắc tới 7 bệnh. Các bệnh thường gặp là mạch vành, huyết áp cao, đột quỵ, tiểu đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ… Những bệnh này cần phải điều trị suốt đời, có khi là chăm sóc đặc biệt.

Người Việt không quan tâm lắm đến sức khỏe khi trẻ, đến lúc về già nhiều bệnh ập đến cùng lúc, có khi bệnh đã diễn biến ngấm ngầm từ 10 năm trước. Bác sĩ Nguyễn Trung Anh nói chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cao gấp 7-10 lần so với người trẻ và chỉ hơn 60% người cao tuổi tại Việt Nam có bảo hiểm y tế.

Nhu cầu nổi bật: nhà dưỡng lão và dịch vụ chăm sóc

Bà Phạm Chi Lan nói rằng thực trạng “sống lâu nhưng không khỏe lắm” là thực tế đáng lo ngại, tỷ lệ người cao tuổi có bệnh ở Việt Nam cao hơn nhiều nước khác. Hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) cũng như nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…). Ngoài bệnh viện chuyên ngành lão khoa duy nhất, chỉ có khoảng 20% bệnh viện các tỉnh thành khắp Việt Nam có khoa hay bộ phận chăm sóc đặc biệt dành cho người già.

Người cao tuổi ở Việt Nam đang sống chung với con cháu, nhưng số người sống độc lập và một mình ngày càng gia tăng. Một khảo sát của hãng bảo hiểm Prudential Vietnam năm 2021 cho thấy 85% số người tham gia khảo sát nói rằng muốn sống độc lập khi về già. Tuy nhiên, chỉ 40% tự tin nói rằng họ đã sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc sống cô độc khi lớn tuổi.

Một khảo sát khác của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BVI) cho thấy đến cuối năm 2021, Việt Nam chỉ có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao niên. BVI nói chỉ 32/63 tỉnh thành có nhà dưỡng lão và hầu hết do khu vực tư nhân đầu tư. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu mỗi tỉnh thành có ít nhất một nhà dưỡng lão vào năm 2025.

TPHCM là đô thị lớn nhất nước, hiện có trên một triệu người trên 60 tuổi. Thành phố hiện có 20 cơ sở trợ giúp và chăm sóc người cao tuổi, trong đó bảy cơ sở là công lập và 13 là ngoài công lập. Trong số 13 đơn vị tư, sáu cơ sở miễn phí do có đóng góp của các nhà hảo tâm, còn lại là thu phí. Đầu tháng 8-2024, Viện dưỡng lão Tâm An là đơn vị ngoài công lập, có thu phí thứ tám được cấp phép tại TPHCM.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết người già tại bảy cơ sở công lập được chăm sóc theo đúng các quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009 như ăn uống, khám chữa bệnh, quần áo… theo diện miễn phí theo chính sách, và còn lại thu từ ba triệu đồng/người/tháng. Tại các cơ sở tư nhân, chi phí có thể vượt quá 10 triệu hoặc hàng chục triệu đồng.

Tại hội nghị ở Hà Nội, các chuyên gia lão khoa nói cần phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, chung cư, trung tâm y tế dành riêng cho người cao niên. Bên cạnh đó, phát triển nhiều dịch vụ tại nhà, như dọn nhà, đi chợ, cung cấp suất ăn, chăm sóc và phục hồi chức năng tại nhà…

Ngoài các công ty dịch vụ chuyên nghiệp có tính phí, một vài nhóm thiện nguyện tại TPHCM đã bắt đầu đưa thiện nguyện viên đến trò chuyện, dọn nhà và làm việc đơn giản giúp người cao niên đơn thân.

Thị trường muôn vẻ

Mười năm trước, người tiêu dùng đã than phiền là “tìm đỏ mắt” mới thấy các sản phẩm dành cho người cao tuổi, hàng ngoại đánh bạt các sản phẩm nội địa.

“Có lẽ lúc đó vì nhu cầu của người cao tuổi không nhiều, nên các doanh nghiệp không nhắm đến, không đầu tư sản phẩm riêng biệt. Thời điểm đó, mọi người nghĩ người già có thể dùng sản phẩm của người trung niên”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, vị đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhắc lại với Kinh tế Sài Gòn trong cuộc gặp gần đây.

Nhận xét của người đại diện Vitas chỉ trong phạm vi của ngành dệt may lúc đó, nhưng cũng có thể mở rộng ra là tâm thái của phần lớn mọi người thời điểm đó. Các doanh nghiệp nhận ra đây là “thị trường mới nổi, nhu cầu cao, nhưng nguồn cung không nhiều”, đến 90% là hàng nhập từ nước ngoài.

Từ khoảng 2014-2016, doanh nghiệp Việt đã bắt đầu quan tâm đến tệp khách người có tuổi. Vinamilk và Nutifood bắt đầu sản xuất sữa dành cho người cao tuổi, người bị tiểu đường, loãng xương… Saigon Food có các loại cháo dinh dưỡng cho người có tuổi. Nhiều doanh nghiệp cũng mở cửa hàng vật lý và trực tuyến bán các loại thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, các mặt hàng tiêu dùng…

Nhưng có lẽ đến giờ, người cao tuổi vẫn đang bị các nhãn hàng “bỏ quên”.

Ông Phạm Ngọc Hưng, chuyên gia của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nói rằng có thể chia người có tuổi từ 55 trở lên thành ba nhóm tùy theo thái độ sống. Nhóm bệnh tật thì có tâm lý bi quan và sức khỏe bản thân là mối quan tâm lớn nhất. Nhóm “vì con cái” thì chỉ dành thời gian và nỗ lực cho con và cháu. Còn nhóm “thời gian vàng” thì coi tuổi già là khoảng thời gian vàng để sống. Đây là nhóm có sức chi tiêu lớn nhất.

“Họ có tài sản hoặc có nguồn thu nhập thụ động, không vướng bận con cháu. Họ chi tiêu rất nhiều - và thường là quá độ - cho thực phẩm chức năng, chăm sóc y tế, du lịch, thời trang và cho mọi thú vui mà lúc còn trẻ hơn họ không có cơ hội hưởng thụ. Du lịch và thời trang là hai mảng hầu như còn trống. Người cao tuổi đang mặc những thứ không dành cho nhu cầu đặc trưng của họ, đang mua những tour không được thiết kế riêng cho họ”, ông Hưng nói.

Từ năm 2023, Công ty cổ phần dịch vụ du lịch và thương mại Tugo có trụ sở chính tại TPHCM đã thiết kế các tour đặc biệt cho người cao niên muốn trải nghiệm dịch vụ cao cấp. Giám đốc tiếp thị Đinh Hiếu Nghĩa nói rằng các tour này hạn chế việc mua sắm, kéo dài thời gian tại điểm đến, giúp cho khách có thể thư thái và tận hưởng.

Hiện tại, Tugo cung cấp tour cao cấp cho mọi thị trường mà hãng hoạt động. Tuy nhiên, vị giám đốc ở độ tuổi 30 nói với Kinh tế Sài Gòn rằng Tugo định nghĩa “cao tuổi” là những người từ 40 tuổi trở lên. Nhiều người là con cái đã đặt tour cao cấp của Tugo làm quà tặng cho ba mẹ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng các sản phẩm, dịch vụ dành riêng cho khách cao niên với dịch vụ cộng thêm về sức khỏe”, anh Đinh Hiếu Nghĩa nói.

Như vậy, doanh nghiệp Việt đã “trẻ hóa” người cao niên, giảm từ 60 tuổi xuống còn 55 và từ 40, để hòa nhập hai thị trường cao niên và trung niên, tạo sự liền lạc và thông mạch của các dòng sản phẩm và dịch vụ.

Ông Phạm Ngọc Hưng nói rằng khi xã hội đang già đi và khá giả hơn, thị trường hàng hóa và dịch vụ dành cho người cao tuổi sẽ chiếm tỷ lệ rất đáng kể trong nền kinh tế, tạo nhiều cơ hội. Ông kể: “Tôi có tư vấn cho một doanh nghiệp đang kinh doanh bít tất (vớ) chống giãn tĩnh mạch. Họ đang mạnh dạn chuyển sang đồ lót. Tôi còn biết một doanh nghiệp khác đang thiết kế thời trang thể thao cho người cao tuổi”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới