(KTSG) - Những câu chuyện doanh nghiệp khai phá thị trường, tìm kiếm lợi nhuận đang diễn ra hoặc là rất êm ả hoặc rất mãnh liệt, hay âm thầm hoặc công khai ở Việt Nam. Khi các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang trở thành kim chỉ nam và cũng là áp lực cho mọi hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có đủ sức tạo ra lợi nhuận, đồng thời tạo tác động xã hội tích cực? Đó là những thách thức lớn và là câu hỏi khó cho tất cả các bên liên quan.
- Vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam giảm hơn 60%
- Thị trường nông sản Ấn Độ đang chờ doanh nghiệp Việt Nam
Bức tranh lợi nhuận của 500 doanh nghiệp có mức lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024 cho thấy đà lợi nhuận đang suy giảm. Điều này có nghĩa rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, sẽ còn chật vật hơn.
Khi lợi nhuận là “mục tiêu sống còn”
Những câu chuyện doanh nghiệp khai phá thị trường, tìm kiếm lợi nhuận đang diễn ra hoặc là rất êm ả hoặc rất mãnh liệt, hay âm thầm hoặc công khai ở Việt Nam.
Một nữ chủ tịch hội đồng quản trị cho hay đã rất sốc vì vị CEO mà bà tin cậy quyết định sa thải những thợ cả, điều chuyển các vị trí cấp cao mà bà từng sắp xếp - những người làm việc lâu năm, góp phần làm nên tên tuổi thương hiệu nữ trang hàng đầu tại Việt Nam. Lý do sa thải, theo vị CEO, những nhân sự này đã trở nên chậm chân trong thời đại tiêu dùng và công nghệ số hiện nay. Dù phiền muộn khi gọi đó là “cuộc lật đổ” nhưng bản thân vị nữ chủ tịch và ban lãnh đạo công ty lại tỏ ra hài lòng với thành tích mà vị CEO trẻ đem lại. Mạng lưới cửa hàng mở rộng, doanh số và lợi nhuận tăng mạnh, bất chấp những năm dịch Covid-19 và sức mua đang chững lại hiện nay.
Tại một tập đoàn sữa hàng đầu, vị CEO cũng đang đau đầu khi muốn đưa con gái bà lên làm người kế nhiệm. Nhưng hội đồng quản trị có vẻ đang phản đối bởi chưa đạt được sự đồng thuận với bà, bởi họ cũng có ứng viên khác và đang ướm thử xem ai sẽ là người quản lý tốt nhất, đem lại lợi ích nhất cho hãng sữa.
Cân bằng giữa đam mê và động lực kiếm tiền và các chương trình tạo tác động xã hội là con đường mà CEO của các doanh nghiệp Việt Nam phải đi, trong đó các quy chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là kim chỉ nam.
Tuần rồi, trong một buổi trà dư tửu hậu, một nhóm doanh nhân đã nhắc lại chuyện của “lão tướng” Đỗ Cao Bảo của FPT. Số là khi ông còn làm sếp lớn, một vị quản lý cấp cao đòi sa thải một kỹ sư suốt ngày chơi game. Nhưng anh kỹ sư chơi game suốt ngày này lại mang doanh số 1 triệu đô la về cho công ty, trong khi các kỹ sư khác rất chăm chỉ trong giờ làm việc thì chỉ đạt 400.000 đô la. Lúc đó, ông Bảo nói rằng, khi làm ăn, các con số doanh thu và lợi nhuận là quan trọng nhất. Tương tự là năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đánh giá mỗi nhân viên, hãy nhìn vào những con số đó.
“Đừng nhìn vào tính tình, sở thích, thói quen cá nhân. Đừng vì yêu hay ghét, hợp hay không hợp với mình. Đừng vì họ nói lọt lỗ tai hay nghịch lỗ tai mình”, mọi người nhắc lại lời ông Bảo.
Từ những doanh nghiệp kiếm được nhiều lợi nhuận nhất của nền kinh tế theo bảng xếp hạng của Vietnam Report, đến những doanh nghiệp gia đình nhỏ và vừa hay công ty tư nhân nhỏ li ti với một vài nhân viên. Tất cả đều đang đeo đuổi lợi nhuận, và lợi nhuận được xem là mục tiêu cuối cùng phải đạt được.
Nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1976, đã nói rằng lợi nhuận là tín hiệu quan trọng mà thị trường gửi cho doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, có nghĩa là họ đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáp ứng đúng gu nhu cầu của khách hàng và thị trường, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Theo chiều ngược lại, thua lỗ là tín hiệu báo trước doanh nghiệp phải thay đổi để sống còn.
Friedman tin rằng lợi nhuận là động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư và đổi mới sáng tạo, mở rộng quy mô. Doanh nghiệp có lãi thì khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cao hơn, có cơ hội mở rộng thị phần lớn hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn.
Dự báo lợi nhuận doanh nghiệp Việt trong năm 2024
Đầu tháng 9 này, Vietnam Report đã công bố báo cáo PROFIT500 xếp hạng Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2024(1). Petro Vietnam, Viettel và Samsung đứng đầu trong Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, kế tiếp là sáu ngân hàng thương mại và một công ty của Petro Vietnam. Như vậy, ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên và công nghệ đạt lợi nhuận cao nhất, sau đó đến ngân hàng.
Tương tự, Top 10 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất có bảy ngân hàng, một tập đoàn đa ngành, một tập đoàn sữa và một tập đoàn công nghệ thông tin.
Về tổng thể, bức tranh lợi nhuận khá đa sắc. Nhìn chung trong giai đoạn 2019-2024, cả ba khu vực đầu tư nước ngoài (FDI), nhà nước và tư nhân đều giảm lợi nhuận trong các năm dịch Covid-19 và hồi phục trở lại trong các năm hậu Covid-19.
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) là chỉ số tài chính quan trọng dùng để đo lường hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Báo cáo PROFIT500 nói khu vực FDI tiếp tục dẫn đầu trong việc tận dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận tốt nhất trong năm 2024, với tỷ lệ là 14,5%, tăng 0,8% so với năm ngoái. Khu vực tư nhân đạt ROA 10,1% trong khi khu vực nhà nước chỉ đạt 10,1% trong năm nay, lần lượt giảm 1,1% và 1,5%.
Về khả năng sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), cả ba khu vực kinh tế đều sụt giảm. Tỷ lệ ROE của khu vực FDI giảm nhẹ xuống còn 30,7%, nhưng vượt trội so với hai khu vực kia. Giảm mạnh nhất là ở khu vực tư nhân, từ 27,4% trong năm 2023 xuống còn 23,8% trong năm nay. Trong khi, khu vực quốc doanh đạt ROE trung bình 15,7%, cho thấy “cần phải cải cách để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn trong tương lai”, báo cáo viết.
Việt Nam có hơn một triệu doanh nghiệp đủ các quy mô, chỉ 2% được xem là có quy mô lớn (trên 500 nhân viên), tức khoảng 20.000 công ty. Như vậy, báo cáo PROFIT500 chỉ chạm đến hay bóc tách 2,5% của phần nổi tảng băng.
Nữ Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại Hà Nội, nói rằng trên 168.000 doanh nghiệp đăng ký mới hoặc tái gia nhập thị trường trong tám tháng đầu năm, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số đóng cửa hoặc rút lui là 135.300 công ty. Hiệu số của hai con số trên chia cho từng tháng là số ròng các doanh nghiệp lập mới, chỉ khoảng 4.100 công ty mỗi tháng. Bà Thảo nói: “Thông thường trước Covid-19, số doanh nghiệp gia nhập thị trường thường cao hơn rất nhiều so với số rút lui, có khi chênh lệch 2-3 lần”.
Trong bối cảnh sức mua yếu và thị trường toàn cầu đình trệ, bức tranh lợi nhuận của số doanh nghiệp vừa, nhỏ và nhỏ li ti - theo cách gọi của chuyên gia Phạm Chi Lan - khó có thể là bức tranh tươi sáng. Bởi các công ty non trẻ thường phải lỗ vài năm trước khi có được lợi nhuận.
Tác động xã hội có là “loại thuế mới”?
Ông Milton Friedman cho rằng lợi nhuận đóng một vai trò quan trọng trong phân bố hiệu quả các nguồn lực kinh tế. Doanh nghiệp có lời sẽ thu hút thêm vốn và các nguồn lực. Công ty thua lỗ sẽ đóng cửa và rời khỏi thị trường. Nhà kinh tế đạt giải Nobel cũng nhận thức được rằng lợi nhuận không chỉ đơn thuần là con số, bởi ngoài chuyện săn tìm lợi nhuận, doanh nghiệp còn phải có đạo đức kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội, và chăm sóc lợi ích của các bên liên quan.
Tuy nhiên vào lúc đó, ông chỉ nhìn nhận rằng: “Doanh nghiệp chỉ có một và chỉ một trách nhiệm xã hội duy nhất. Đó là sử dụng các nguồn lực của mình và tham gia vào các hoạt động được thiết kế để cải thiện lợi nhuận, miễn là doanh nghiệp tuân thủ các quy tắc của trò chơi, tức là tham gia vào cuộc cạnh tranh công khai và tự do, không lừa dối và gian lận”, Friedman viết trong Chủ nghĩa tư bản và tự do, xuất bản năm 1962.
Tại một cuộc hội thảo tổ chức tại TPHCM(2) tuần vừa rồi, quan điểm của Friedman được nhắc lại. Là người ủng hộ nhiệt thành cho mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp, Tiến sĩ Santiago Velasquez thuộc RMIT giải thích Friedman đã xem “tác động xã hội là một loại thuế đối với doanh nghiệp”.
Thời điểm đó, quan niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đã hình thành, nhưng đó chỉ là sự tự giác, không là bắt buộc, là chuyện của nhà nước và những ai làm công việc thiện nguyện. “Nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác. Ngày nay, các bên liên quan mong đợi doanh nghiệp và các nhà quản lý nỗ lực đưa ra các sáng kiến, hướng đến các giá trị cổ đông dài hạn”, ông Velasquez nói.
Sự cân bằng cần thiết
Cân bằng giữa đam mê và động lực kiếm tiền và các chương trình tạo tác động xã hội là con đường mà CEO của các doanh nghiệp Việt Nam phải đi, trong đó các quy chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là kim chỉ nam.
Ông Đồng Mai Lâm, Chủ tịch thị trường Việt Nam và Campuchia của Tập đoàn Schneider Electric, nói rằng 80% doanh thu của tập đoàn đến từ các sản phẩm thân thiện môi trường. Là tập đoàn công nghiệp Pháp chuyên cung cấp các giải pháp và sản phẩm để quản lý và tự động hóa ngành năng lượng, Schneider đã giúp 1.000 nhà cung ứng lớn của tập đoàn giảm 50% lượng phát thải, tăng hàm lượng vật liệu xanh trong các sản phẩm lên đến 50%, 100% bao bì nhựa có thể tái sử dụng… Ông đề cập nguyên tắc 3P: “Đó là tạo tác động trực tiếp đến hành tinh (planet) và con người (people) để tạo ra lợi nhuận (profit). Để đạt được điều này, chúng tôi chú trọng đến điện hóa, tự động hóa và số hóa”, ông nói.
Bà Rita Mokbel, CEO Ericsson Vietnam, nhắc đến vai trò của công nghệ tạo tác động trong giáo dục. Ông Bruce Delteil, đối tác quản lý từ McKinsey Vietnam, nói đến sự kết hợp hài hòa giữa phát triển bền vững và chiến lược thành công của doanh nghiệp. Ông nói phát triển bền vững tạo ra nền tài chính vô cùng lớn.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần khoảng 368 tỉ đô la đến năm 2040, tương đương 20 tỉ đô la mỗi năm. Tuy nhiên, theo ông Delteil, nền tài chính xanh tại Việt Nam hiện chỉ đạt quy mô khoảng 1,5 tỉ đô la.
Nhưng liệu cơ hội cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) của Việt Nam sẽ có thể khẳng định sự có mặt của thị trường trong một thị trường mới và mênh mông mà hội thảo đề cập?
(2) Hội thảo “Lợi nhuận và mục tiêu xã hội - tái định nghĩa thành công của doanh nghiệp trong tương lai” do Đại học RMIT tổ chức ngày 13-9 tại TPHCM.