Thứ Hai, 30/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt muốn tham gia dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam…

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Hiện đã có một số doanh nghiệp trong nước quan tâm và muốn tham gia đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Để biến mong muốn thành hiện thực, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn về nguồn nhân lực, công nghệ và tài chính, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ không thể có những bước đi tiếp theo”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

KTSG: Thưa ông, mới đây, Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ông bình luận như thế nào về thông tin này? Dự án này nếu đi vào hoạt động sẽ có tác động thúc đẩy nền kinh tế ra sao?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái: Đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trong tương lai, đồng thời đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững các phương thức vận tải, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư, lao động trên hành lang Bắc – Nam, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Mục tiêu của Bộ Chính trị đề ra là phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao, vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc – Nam, các hành lang vận tải chính Đông – Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.

KTSG: Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế – xã hội tổ chức ngày 21-9-2024, sau các ý kiến từ phía doanh nghiệp, vấn đề nghiên cứu, đặt hàng doanh nghiệp trong xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được đề cập. Theo ông, động thái này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển ngành đường sắt và sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam có vai trò ra sao?

– Về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, Chính phủ yêu cầu xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm ưu tiên đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn nhà nước hợp lý cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt để thực hiện các mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, nhất là mục tiêu triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.

Song song đó là kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải như: kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ…

Công nghiệp đường sắt Việt Nam hiện nay đang dừng lại ở một trình độ tương đối khiêm tốn. Với năng lực hiện tại, doanh nghiệp nội địa chưa thể tự chủ được nhiều trong cả ba phần việc liên quan tới hoạt động của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam gồm đầu tư, xây dựng; khai thác, vận hành và duy tu, bảo dưỡng.

Cái khó nằm ở chỗ, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài ở cả ba khâu này thì chúng ta đã đánh mất cơ hội tạo ra công ăn việc làm cho người lao động và cơ hội để phát triển của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với nhu cầu phát triển ngành đường sắt Việt Nam, đặc biệt với sự phát triển dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Trong bối cảnh như vậy, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đã mở cánh cửa chào đón và tạo động lực để các doanh nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tham gia vào đại dự án này. Động thái này cũng khuyến khích các doanh nghiệp đã ấp ủ ý định và quyết tâm tìm hiểu công nghệ, quy trình, gửi người đi đào tạo, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước cùng chí hướng đầu tư… Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, để biến mong muốn thành hiện thực sẽ là cả một quá trình, nhưng nếu doanh nghiệp không bắt đầu, họ sẽ không thể đi tiếp bước thứ 2.

KTSG: Như vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia xây dựng phần nào dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, họ sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Ông nhìn nhận như thế nào về quyết tâm của các doanh nghiệp nội đặt vào đại dự án trên?

– Trong thời đại ngày nay, quá trình tìm hiểu, học hỏi và kế thừa công nghệ diễn ra rất nhanh. Quan trọng là doanh nghiệp có quyết tâm và dám bước những bước đầu tiên. Với đại dự án này, chắc chắn, doanh nghiệp sẽ nhận được sự tạo điều kiện và các cơ chế chính sách ưu đãi từ các cấp quản lý nhà nước.

Điều đáng mừng là hiện đã có một số doanh nghiệp trong nước quan tâm và muốn tham gia đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tại hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp đề cập ở trên, một doanh nghiệp ngành thép khẳng định có thể sản xuất thép làm đường ray đường sắt tốc độ cao, bên cạnh đó một số doanh nghiệp khác muốn được tham gia đầu tư, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Không nói đến vấn đề công nghệ sản xuất và nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế, để tham gia được vào chuỗi cung ứng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là cực kỳ khó khăn. Những động thái đó chứng tỏ doanh nghiệp đã quan tâm và đặt quyết tâm, đòi hỏi doanh nghiệp cần có nguồn lực đầu tư lớn và phải tính toán mức độ khả thi, giá thành, khả năng thu hồi vốn…

KTSG: Theo ông, chúng ta nên cân nhắc về những cơ chế, chính sách như thế nào để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp?

– Để thu hút doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Chính phủ cần thực hiện một loạt chính sách.

Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách đầy đủ, tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư dự án đường sắt nói chung và đường sắt tốc độ cao nói riêng. Một khung pháp lý đầy đủ và minh bạch là điều kiện tiên quyết cho sự thành công và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư tư nhân, đảm bảo dự án đạt hiệu quả, phân chia rủi ro phù hợp và tránh những rủi ro tiềm tàng.

Đồng thời cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến vấn đề nguồn vốn, thuế, bảo lãnh và lựa chọn các tập đoàn tư nhân có năng lực vững mạnh, quyết tâm, trên cơ sở phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng mục tiêu của Chính phủ với quy trình đấu thầu minh bạch và cạnh tranh công bằng.

KTSG: Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế đặc thù để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam. Quan điểm của ông như thế nào?

– Lần đầu tiên chúng ta triển khai một dự án lớn, đòi hỏi tập trung nguồn lực và yêu cầu công nghệ cao như tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, vì vậy, trong quá trình đầu tư, xây dựng, sẽ có vấn đề phát sinh không mong muốn mà không lường trước được cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng.

Do đó, cần có một cơ chế đặc thù để nâng cao khả năng thu hút khu vực tư trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước – doanh nghiệp – xã hội.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới