Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt Nam liên kết yếu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nghiệp Việt Nam liên kết yếu

Minh Tâm

Trong mối liên kết với doanh nghiệp, nhiều lúc nông dân vẫn là người chịu thiệt nên mối quan hệ này chưa bền vững. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế trong việc liên kết để tận dụng lợi thế phát triển; hình thức liên kết đơn giản, mối liên kết không bền vững, chưa nhận thức được giá trị của việc liên kết mang lại…

Đó là những ý kiến được các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp nhận định tại hội thảo “Liên kết để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp” vừa được Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với báo Tuổi trẻ, Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức chiều nay, 14-1.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc hợp tác trong từng phi vụ làm ăn, đàm phán giá trong những giao dịch bình thường. Ở mức độ cao hơn là hợp tác bằng các hợp đồng kinh doanh, chuyển giao công nghệ thì rất hạn chế.

Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, giảng viên trường Đại học Cần Thợ, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho hay đã có các mô hình liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối quan hệ này hiện chưa bền vững do hai bên không bình đẳng, nông dân luôn ở thế yếu.

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp – chủ thể của các quá trình liên kết – những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về giá trị của hoạt động liên kết và chưa có sự hỗ trợ về cơ chế từ phía cơ quan quản lý. “Các doanh nghiệp vẫn còn suy nghĩ mình là mạnh nhất, người ta liên kết với mình là đang lợi dụng mình chứ chưa thấy được lợi thế của từng bên, lợi ích của việc liên kết mang lại”, bà Hoàng Mai, Công ty nước mắm Liên Thành nói.

Chuyên gia Phạm Chi Lan khẳng định: “Khi hiệp định tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực, chắc chắn sẽ tạo ra những sức ép lên nền sản xuất trong nước. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp cần liên kết để lớn hơn, mạnh hơn”.

Tuy nhiên, bà Lan cũng cảnh báo, việc liên kết, nhất là liên kết với nước ngoài chỉ bình đẳng khi tạo nên giá trị gia tăng cao. “Nếu không, doanh nghiệp Việt Nam lại rơi vào tình trạng đi làm thuê, bán sức lao động giá rẻ, bán tài nguyên thô. Còn công nghệ, giá trị gia tăng thì đối tác nước ngoài nắm”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới