Doanh nghiệp Việt trở tay không kịp với nhu cầu container rỗng
Lan Nhi
(TBKTSG Online)- Sản xuất container không quá năng lực của các doanh nghiệp Việt nhưng sự khan hiếm đột ngột nguồn cung container rỗng mấy tháng gần đây khiến doanh nghiệp trong nước “trở tay không kịp” với nhu cầu cấp bách này.
Nguồn cung container thiếu hụt mang tính thời điểm khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay Ảnh:TL |
Trong Báo cáo gửi Chính phủ mới đây về tình trạng thiếu hụt container để xuất khẩu, Bộ Công thương nhìn nhận là năng lực quản lý, tiếp nhận container rỗng của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, lại phân tán và nhỏ lẻ nên không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu.
Nhưng thực tế là Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp kinh doanh đóng mới container mà hầu hết chỉ có vài chục doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo container cũ nên thị trường cung cấp container xuất khẩu dù thiếu thì các doanh nghiệp trong nước cũng không thể phản ứng kịp với vấn đề này.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phân tích thêm rằng, các doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo container ở Việt Nam chưa được gọi là nhà sản xuất đúng nghĩa. Lý do là họ thường mua vỏ container do các hãng tàu và doanh nghiệp vận tải thải ra sau 10-15 năm sửa dụng rồi cải tạo, sửa chữa vào mục đích sử dụng khác như làm container văn phòng, container kho, nhà container...nhưng mục đích không phải dùng để vận chuyển. Số ít container tiếp tục được sử dụng để vận chuyển nhưng chỉ vận chuyển đường bộ, không đủ điều kiện vận chuyển đường biển.
Việc đóng mới container từ vỏ thép cũng không quá khó vì nguồn nguyên liệu vỏ thép tại Việt Nam sẵn có nhưng thị trường container rỗng tại thời điểm không phải dịch bệnh như Covid 19 hiện nay cầu thấp nên các doanh nghiệp Việt chưa thực hiện đầu tư. Ngay cả các doanh nghiệp sẵn có thì quy mô nhỏ, sản xuất thêm các mặt hàng cơ khí để tổn tại và sửa chữa là chính.
Trung Quốc hiện đang chi phối 90% nguồn cung container rỗng và tình hình dịch bệnh khiến nguồn cung này trở nên khó khăn, đội giá, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu, hãng vận chuyển và chưa hề hạ nhiệt.