(KTSG Online) - Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, nhiều doanh nghiệp đang dần kiệt quệ, hạn chế khả năng thích ứng. Để vượt qua "bão" đào thải, doanh nghiệp cần tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới, tạo nên sản phẩm khác biệt, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa. Cùng với đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.
- Xung lực tương lai 2025 và kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản
- Gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng là lãng phí

Quy luật đào thải không khoan nhượng
Nối tiếp thương hiệu thời trang Casta biến khỏi thị trường sau 13 năm xây dựng, cuối tuần qua, người tiêu dùng TPHCM tiếp tục chứng kiến việc đóng cửa của thương hiệu giày Một, sau 7 năm gắn bó với khách hàng trẻ. Tình trạng này phản ánh rõ nét xu hướng đóng cửa và giải thể doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đi kèm với tình trạng trả mặt bằng văn phòng và mặt bằng kinh doanh đang diễn ra trên diện rộng.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê, riêng tháng 1-2025, đã có 52.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chiếm hơn 25% tổng số doanh nghiệp rời thị trường của cả năm trước, và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lập kỷ lục gần 200.000 vào năm ngoái và vẫn tiếp tục tăng cao đầu năm nay, cho thấy khả năng trụ vững của doanh nghiệp nội địa ngày càng gặp khó khăn. Môi trường kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thủ Đức (TPHCM), nhận định nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình hình ngày càng trở nên khó khăn, đặc biệt trong việc cạnh tranh để giành được các đơn hàng xuất khẩu và trước sự thay đổi nhanh chóng của các phương thức kinh doanh và tiêu dùng thông qua số hóa. Điều này khiến những doanh nghiệp chậm thích ứng khó có thể tồn tại, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), yếu về quản trị và thiếu tài chính để đầu tư vào công nghệ.
TS. Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, các tiêu chuẩn trong sản xuất và xuất khẩu ngày càng khắt khe, gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, lao động, môi trường và xuất xứ. Không đáp ứng được các tiêu chuẩn này đã dẫn đến việc mất đơn hàng. Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động dựa trên các mối quan hệ quen biết cũng không còn hiệu quả như trước.

Thị trường trong nước cũng đang suy giảm, một phần do sự thay đổi của công nghệ số và xu hướng chuyển dịch sang thương mại điện tử (TMĐT), đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng kịp thời. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp còn nhập khẩu hàng lậu để phân phối. Sắp tới, các đơn hàng trên 2 triệu đồng sẽ phải chịu thuế, họ sẽ càng gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí có thể phải đóng cửa.
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, thị trường đang chứng kiến sự thay đổi của nhiều khái niệm thương mại. Rõ ràng nhất là sự chuyển dịch từ mô hình "mua rẻ bán đắt" truyền thống, sang mô hình "mua từ gốc bán tận ngọn".
Điều này đồng nghĩa với việc những người làm trung gian, mua hàng từ nơi này bán sang nơi khác hoặc mua sỉ bán lẻ, đang dần bị loại bỏ, nhường chỗ cho nhà sản xuất bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Đây là một quá trình sàng lọc, thanh lọc doanh nghiệp với quy mô lớn.
Cần tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng
Các chuyên gia dự đoán rằng, làn sóng đóng cửa doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp SME, có thể tiếp tục trong thời gian tới do khó khăn thị trường và nhiều mô hình kinh doanh truyền thống không còn phù hợp.
Trước bối cảnh quốc tế đầy khó khăn và cạnh tranh khốc liệt, cùng với những rào cản kỹ thuật ngày càng gia tăng từ các nước nhập khẩu, việc tìm ra những lối đi mới, mô hình mới và phát huy sức mạnh nội sinh là vô cùng quan trọng để vượt qua những thách thức và rủi ro thương mại.
Để giảm bớt áp lực cạnh tranh và ứng phó với những "sóng gió" đầy biến động trong thời gian tới, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp cần tạo ra những lợi thế cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và phát triển sản phẩm khác biệt, lối đi riêng. Sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường và đối thủ là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nội địa tồn tại và vươn lên.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TPHCM) nhấn mạnh việc khai thác thị trường nội địa với dân số hơn 100 triệu người và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Các doanh nghiệp xuất khẩu nên đồng thời đa dạng hóa thị trường và tăng cường sự hiện diện tại "sân nhà".
Đồng thời, chính sách phát triển kinh tế tư nhân là yếu tố then chốt để tăng cường nội lực cho nền kinh tế. Cần xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rào cản hành chính, và loại bỏ chi phí phi chính thức để giúp các doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.
Cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về thuế, cơ sở hạ tầng, đất đai để phát triển thành các tập đoàn lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Việc này không chỉ tăng cường nội lực của nền kinh tế mà còn giảm sự phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng hóa xuất khẩu. Các chính sách này sẽ điều chỉnh dòng vốn và tạo ra sự phát triển bền vững cho nền kinh tế", ông Huân nói.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, Chính phủ cần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp thông qua các chương trình đầu tư công, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đấu thầu các dự án trọng điểm.
Việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn xanh về môi trường và công nghệ trong kinh doanh là cần thiết. Chính phủ cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới.
Đáng chú ý là cần tăng cường các chương trình liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp doanh nghiệp Việt cung cấp các yếu tố đầu vào. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể khởi động lại chương trình kích cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp SME vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư công nghệ và sản xuất sản phẩm tham gia thị trường quốc tế.
Để doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam vững bước tăng trưởng, TS. Santiago Velasquez (Đại học RMIT) đề xuất áp dụng mô hình động cơ kép, cân bằng giữa thế mạnh xuất khẩu và một thị trường nội địa vững chắc.
Cả doanh nghiệp và Chính phủ đều đóng vai trò then chốt. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện chuỗi cung ứng và triển khai các chương trình giảm giá có mục tiêu. Chính phủ nên ưu tiên giảm thuế, đơn giản hóa quy định và giảm bớt thủ tục hành chính, cùng với đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Theo TS. Velasquez, sự tăng trưởng của GDP sẽ phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc ứng phó với rủi ro thương mại toàn cầu và điều chỉnh các chính sách trong nước một cách linh hoạt và hiệu quả.
Vì vậy, vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp nội địa cần tìm ra những hướng đi mới, mô hình kinh doanh mới trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần thực hiện các giải pháp cân bằng thị trường, phát triển thị trường mới linh hoạt, áp dụng quản trị số và tăng cường đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại.