Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp với kinh doanh thể thao

Nguyễn Đức Hoàng (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thể thao cũng là một hoạt động kinh tế khi phải tự thu, tự chi, nên rất cần vai trò của doanh nghiệp để chuyên nghiệp hóa việc kinh doanh và tiếp thị.

Đằng sau những trận bóng đá đỉnh cao cũng là những cấu trúc tài chính siêu phức tạp được dàn xếp bởi giới siêu giàu và các ngân hàng đầu tư hàng đầu.

Đối với các tổ chức quốc tế như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) hay Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), các sự kiện của họ thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với việc bán vé rộng khắp là việc kinh doanh bản quyền truyền hình và thu hút tài trợ từ doanh nghiệp. Về bản chất, đó thực sự là kinh doanh và IOC hay FIFA không trực tiếp làm các công việc này mà ủy thác cho các doanh nghiệp làm nhà thầu cho các sự kiện.

Như việc FIFA ủy thác cho một doanh nghiệp bán bản quyền truyền hình World Cup trên phạm vi toàn cầu. Sau đó, doanh nghiệp này có thể cho phép một số đơn vị khác làm đại lý trong phạm vi khu vực. Việc kinh doanh bản quyền World Cup đã rất thành công và phí bản quyền ngày càng đắt đỏ. Như đối với Việt Nam, phí bản quyền đã đi từ mức 100.000 đô la Mỹ hồi World Cup 1994 lên tới 15 triệu đô la tại kỳ World Cup 2022.

Không chỉ với các sự kiện quốc tế, nhiều hoạt động thể thao và giải đấu ở các nước phát triển đều có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tổ chức sự kiện và kinh doanh tất cả những gì có thể.

Tại Việt Nam chúng ta, về cơ bản, các liên đoàn thể thao chủ trì tổ chức các sự kiện thể thao. Nhưng do nguồn lực về con người và vật chất có hạn nên tự thân các liên đoàn không phải lúc nào cũng thực sự chủ động trong các công việc cần làm. Ngay cả với bóng đá được cho là lĩnh vực có nguồn lực lớn nhưng vẫn còn nhiều sự bất cập trong tổ chức, điều hành Giải vô địch quốc gia V-League. Chính vì thế, kể từ năm 2011, thay vì tự tổ chức điều hành V-League, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để thực hiện việc này, và VFF chỉ tập trung lo chuyên môn, nhờ đó mà hiệu quả của giải đấu này đã khác hẳn trước đó.

Với lĩnh vực thể thao điện tử, ngay từ khi thành lập thì Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (VIRESA) cũng không “ôm” trách nhiệm tổ chức, điều hành các giải thi đấu mà do các doanh nghiệp hội viên chủ động thực hiện. Nhờ vậy, thể thao điện tử ở Việt Nam được tổ chức một cách chuyên nghiệp, không chỉ đem lại giá trị cho riêng lĩnh vực này mà còn thể hiện là một lĩnh vực kinh tế số trong tổng thể nền kinh tế nước nhà.

Với trên 30 liên đoàn, hiệp hội thể thao chuyên ngành tại Việt Nam, nếu thực sự được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản, có sự hợp tác với các doanh nghiệp, chắc chắn hoạt động thể thao sẽ đem lại những giá trị chuyên môn và kinh tế vượt trội so với hiện nay. Đây cũng chính là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác và thu lợi.

Còn một vấn đề là về nguồn nhân lực. Cho tới nay, tuy đã có một số đại học trong nước chủ động mở mã ngành về kinh tế thể thao nhưng kết quả đạt được chưa bao nhiêu. Nên chăng, các liên đoàn, hiệp hội thể thao và cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cần “đặt hàng” đào tạo chuyên gia về kinh tế thể thao nhằm chủ động nguồn nhân lực trong kinh doanh và tiếp thị thể thao?

(*) Tổng thư ký Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới