Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị Chính phủ miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TPHCM đã soạn thảo văn bản lấy chữ ký online kiến nghị Chính phủ ra nhiều biện pháp cứu cộng đồng doanh nghiệp này. Một số biện pháp trong các kiến nghị này đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Quốc hội và Chính phủ hồi giữa tháng 7, đang chờ hồi ấm.

Đề nghị miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất

Tối 29-8, nhóm 11 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp các ngành nghề vận tải, bất động sản, tư vấn chính sách thuế phí, quản trị doanh nghiệp… tại TPHCM đã soạn một văn bản kiến nghị với mong muốn đạt được hơn 5.000 chữ ký online trở lên là gửi kiến nghị đó đến Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nhằm kiến nghị các giải pháp cấp bách cứu cộng đồng doanh nghiệp SME sống sót và phục hồi sản xuất.

Các chính sách dành cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch đã có nhưng chưa đủ mạnh và trúng để doanh nghiệp có thể tồn tại qua đại dịch. Ảnh tư liệu về sản xuất "ba tại chỗ"

Về các chính sách thuế và tài chính, SME kiến nghị miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra: xét nghiệm, chi phí chống dịch và 3 tại chỗ.

Về chính sách tài chính, SME  mong muốn nhận được gói hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1-8-2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch. Đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các oanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Mong muốn được khoanh nợ gốc và giảm lãi suất 2-3% kể từ 1-8-2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Kiến nghị cũng nêu những chính sách liên quan đến người lao động: cho tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch; không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng BHXH trong thời kỳ đại dịch; miễn giảm 100% phí BHXH của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội. Đồng thời có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng BHXH cho đến hiện tại.

Nhóm doanh nghiệp cũng đề nghị các chính sách cụ thể liên quan đến người lao động khác như miễn giảm 100% phí BHXH đối với người lao động trong thời gian dừng hoạt động, giãn cách...

Một lãnh đạo của VCCI cho rằng cộng đồng doanh nghiệp SME gặp khó khăn lớn và lại là lực lượng doanh nghiệp đông đảo nhất trong khối doanh nghiệp. Từ giữa tháng 8 vừa qua, VCCI đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid 19.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng.

Theo báo cáo đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn và chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19.

Vì thế, chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp có doanh thu 2021 không quá 200 tỉ đồng sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này. VCCI cho rằng cần xác định đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là các doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm 2020 không quá 300 tỉ đồng.

Mặt khác, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nhân nặng (BNN) trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước)…

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp thì các chi phí phòng chống dịch bệnh quá lớn, khiến cho doanh nghiệp không thể có hiệu quả kinh doanh, vốn tự có của doanh nghiệp  đang bị ăn mòn. Việc doanh nghiệp cố gắng cầm cự, duy trì sản xuất, đặc biệt là tại các địa phương đang bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là nỗ lực để tạo công ăn việc làm cho người lao động và giữ được khách hàng chứ không thể tìm kiếm lợi nhuận.

Chính vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chi phí về phòng chống dịch bệnh trong quá trình duy trì sản xuất, ít nhất là tại các địa phương và trong thời kỳ giãn cách tại một số nơi theo Chỉ thị 16 thành các khoản được hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau. Các chính sách miễn giảm thuế chỉ khấu trừ cho doanh nghiệp khoản thuế VAT đóng góp vào Quỹ phòng chống Covid của Chính phủ là quá nhỏ.

VCCI đề nghị các chính sách hỗ trợ đến hết tháng 6-2022

Cũng như ý kiến của nhóm SME nói trên, VCCI đánh giá, theo kết quả điều tra gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố mà VCCI tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp, nhưng cần thiết phải kéo dài vì đợt dịch thứ 4 đang gây suy kiệt nguồn lực. Các giải pháp hỗ trợ của doanh nghiệp chỉ ban hành đến hết năm 2020 là chủ yếu. Nhưng VCCI cho rằng, sớm nhất phải đến quí 1-2022, các hoạt động kinh doanh mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp sẽ dần khôi phục được tình hình sản xuất-kinh doanh của mình.

Do đó, để bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và có hiệu lực thực tế của chính sách hỗ trợ, VCCI đề nghị điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ đến hết tháng 6-2022.

Còn theo thông báo của Tổng cục Thống kê về tình hình doanh nghiệp 8 tháng đầu năm thì tháng 8 được xem là tháng đặc biệt khó khăn vì nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid1-9. Theo đó, số doanh nghiệp rút lui còn nhiều hơn cả số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Tính riêng tháng 8, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.441 (giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020). Cả nước cũng có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 19,1%.  Tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

1 BÌNH LUẬN

  1. Nền kinh tế VN – ít nhất về hiệu quả – đang đứng trên hai chân: nhà nước và tư nhân. Nếu không có biện pháp hỗ trợ thì cực kỳ nguy hiểm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới