(KTSG Online) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo nhưng vẫn muốn tham gia xuất khẩu ủy thác qua đơn vị trung gian sẽ không thể tiếp tục theo quy định của Nghị định 01/2025/NĐ-CP. Quy định mới này được cho là sẽ khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, thậm chí là có thể "chết".
- Xuất khẩu gạo cuối năm: Kịch bản 2023 có lặp lại?
- Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải báo cáo lượng gạo tồn kho hàng tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 01/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, tại Điều 1 có quy định “thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ được ủy thác xuất khẩu hoặc nhận ủy thác xuất khẩu từ thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo” được cho là gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có giấy phép rồi ủy thác xuất khẩu làm gì?
Trao đổi với KTSG Online, lãnh đạo ngành công thương của một địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL (đề nghị không nêu tên) cho biết, quy định trên có thể mang lại lợi ích nhưng cũng gây cản trở sự phát triển cho ngành hàng lúa gạo khi doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tham gia xuất khẩu.
Theo đó, về lý thuyết quy định nêu trên có thể giúp hạn chế việc lợi dụng ủy thác xuất khẩu để hợp thức hóa hoạt động của những đơn vị không đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý đồng thời, có thể giúp kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm…
Tuy nhiên, quy định này cũng tạo ra một sự mâu thuẫn bởi nếu bên uỷ thác đã đủ điều kiện và được cấp giấy phép xuất khẩu thì không cần phải thuê bên thứ ba thực hiện. “Quy định này khiến cơ chế ủy thác xuất khẩu dư thừa hay nói cách khác mất đi tính hiệu quả của cơ chế ủy thác”, vị này nói.
Điểm quan trọng hơn, quy định của Nghị định 01/2025 sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu gạo nhưng vẫn muốn tham gia xuất khẩu ra nước ngoài qua đơn vị trung gian không thể tiếp tục.
Trao đổi với KTSG Online, ông Lê Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Vũ Phát, đơn vị đang xuất khẩu gạo qua hình thức ủy thác, cho rằng từ 1-3-2025, khi Nghị định 01/2025 có hiệu lực, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ điều kiện để có giấy phép xuất khẩu gạo sẽ “chết”.
Theo ông, mỗi năm đơn vị này xuất khẩu (xuất ủy thác) khoảng 3.000 tấn gạo thơm chất lượng cao sang một số thị trường cao cấp, giúp mang ngoại tệ về cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho công nhân cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm gạo Việt.
“Nếu doanh nghiệp không ủy thác được, hệ lụy đó như thế nào?”, ông Vũ đặt câu hỏi và cho rằng, doanh nghiệp sẽ không còn dòng tiền về bởi khi xuất khẩu, khách hàng đặt cọc 30-50% giá trị lô hàng và 50-70% còn lại được thanh toán khi khách hàng đặt đơn hàng mới.
“Vậy, khi nghị định có hiệu lực, chúng tôi phải giải thích thế nào với khách hàng, rồi tiền hàng còn lại nếu không trả do mình không xuất khẩu nữa thì phải làm sao?”, ông đặt câu hỏi.
Tình huống nêu trên có thể khiến doanh nghiệp “đứt” dòng tiền để trả nợ vay ngân hàng thậm chí khách hàng của doanh nghiệp có thể trở thành khách hàng của bên nhận ủy thác xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Quốc Lập, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hai Nhứt, đơn vị xuất khẩu gạo thông qua ủy thác khi trao đổi với KTSG Online cho rằng, quy định nêu trên của Nghị định 01/2025 là không hợp lý vì hai đơn vị có giấy phép xuất khẩu thì ủy thác hay nhận ủy thác để làm gì?
“Tôi chưa hiểu được nội dung đó là cái gì vì hai người đều có giấy phép hết”, ông Lập cho biết và khẳng định, quy định mới nếu áp dụng vô hình trung khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa như Hai Nhứt không làm được, thậm chí phải phá sản.
Đóng góp không nhỏ, cần xem xét lại
Hiện chưa thấy dữ liệu thống kê nào được công bố về sự đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về xuất khẩu gạo dưới dạng uỷ thác qua một đơn vị trung gian trong tổng thể xuất khẩu của toàn ngành. Tuy nhiên, một số đơn vị đang xuất khẩu ủy thác khẳng định, có đóng góp không hề nhỏ vào sự phát triển chung của toàn ngành lúa gạo Việt Nam.
Ông Vũ của Vũ Phát cho rằng, dù khối lượng xuất khẩu của mỗi đơn vị không quá nhiều so với các doanh nghiệp lớn nhưng doanh nghiệp xuất khẩu ủy thác có đóng góp quan trọng vào bức tranh chung của toàn ngành. “Họ đã góp phần đẩy mạnh xuất khẩu cũng như mang thương hiệu gạo Việt Nam đi rất nhiều quốc gia chứ không phải 1-2 quốc gia mua số lượng nhiều như Philippines, Indonesia”, ông nói và cho biết, nếu mỗi đơn vị xuất khẩu từ 3.000-5.000 tấn thì cả ngàn doanh nghiệp đã góp phần quan trọng cho xuất khẩu toàn ngành.
Ông Lập của Hai Nhứt ước tính, có khoảng 600-700 đơn vị xuất khẩu dạng ủy thác tham gia vào chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Đây là đa phần là những doanh nghiệp tự lực cánh sinh, đi thị trường ngách, số lượng ít nhưng sản phẩm thuộc dạng chất lượng tốt, giá trị cao.
Theo ông, để có nguồn nguyên liệu xuất khẩu, đơn vị này đã tham gia liên kết, cung ứng giống, quản lý chất lượng và mua sản phẩm từ nông dân để chế biến, xuất khẩu.
Câu hỏi được đặt ra, đó là vì sao doanh nghiệp ủy thác không xin giấy phép xuất khẩu trực tiếp?
Ông Vũ cho rằng, vì quy định về điều kiện kho chứa, cơ sở xay xát vượt quá khả năng tài chính của những doanh nghiệp nhỏ, chỉ xuất khẩu vài ngàn tấn mỗi năm. Ngoài kho chứa, quy định phải tạm trữ một số lượng nhất định cũng là một trong những lý do vì để đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp phải chôn vốn nên những công ty nhỏ, dòng tài chính ít không đáp ứng được.
Từ vấn đề nêu trên, doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu, có giải pháp thông thoáng hơn để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chung tay đưa hạt gạo Việt đi xa.
Theo ông Vũ, doanh nghiệp có giấy phép đi thị trường lớn với khối lượng nhiều trong khi doanh nghiệp nhỏ đi khối lượng ít nhưng có thể vào thị trường cao cấp như châu Âu, Úc, Mỹ… giúp đưa gạo Việt ra thế giới thì nên khuyến khích.
“Tôi mong cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa một cơ chế ưu đãi, cấp giấy phép theo khối lượng xuất khẩu”, ông kiến nghị và cho rằng, với đơn vị xuất khẩu 3.000 tấn mỗi năm thì nên cấp phép 3.000 tấn để doanh nghiệp tự tin khi đàm phán với khách hàng.
Trong trường hợp nêu kiến nghị trên không được chấp thuận, cơ quan quản lý nên tiếp tục duy trì cơ chế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ủy thác qua những đơn vị đã có giấy phép xuất khẩu nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hạt gạo đi xa hơn.
Trong khi đó, đại diện ngành công thương của một địa phương ở ĐBSCL kiến nghị, để phù hợp hơn với thực tiễn, cần thiết thay đổi quy định nêu trên của Nghị định 01/2025, tức không yêu cầu bên ủy thác phải “đủ điều kiện xuất khẩu” mà chỉ cần cung cấp thông tin hàng hóa đầy đủ, trung thực để bên nhận ủy thác chịu trách nhiệm thực hiện. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát bên nhận ủy thác xuất khẩu vì đây là đơn vị thực hiện trực tiếp các thủ tục pháp lý liên quan.