Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nhân loay hoay chữa lành

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Công việc quá tải: đi tìm khóa tu để chữa lành. Gia đình lục đục, bế tắc: đi tìm khóa chia sẻ của chuyên gia để chữa lành. Nợ nần ngập đầu: đi thiền chữa lành… Từ khóa “chữa lành” được dùng khắp nơi với tần suất chẳng kém các từ “stress” hay “sang chấn”. Và mức độ lạm dụng các từ khóa đó, dưới nhiều hình thức, cũng tương tự nhau.

Thiền – một giải pháp xoa diu những sang chấn, những áp lực trong cuộc sống. Ảnh: N.K

Tấm vé chữa lành nhanh, dễ

Một hôm, bạn nhìn vào mặt tôi và nói rằng: “Anh nên bỏ hết công việc để đi tham gia một khóa thiền V. ở Đồng Nai. Tới đó, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài trong một vài tuần, khi trở về anh sẽ thấy rất khác!”. Bạn nhấn mạnh “sẽ thấy rất khác” là trải nghiệm của chính bạn, và bạn cũng đang cố giải quyết cho xong mớ công việc gây căng thẳng để lại đến với khóa thiền ngắn hạn của pháp môn V… Bạn khuyên tôi hãy đi cùng bạn để được chữa lành.

Một lần khác, một doanh nhân nhìn chằm chằm vào tôi và mách cho có một ngôi bảo tháp của phái mật tông mới được xây trên vùng cao nguyên, thỉnh thoảng có những bậc tu hành đến đó gặp gỡ chúng sinh. Mọi người xếp hàng tham quan, và kỳ lạ lắm, đi về thì trút bỏ được mọi ưu phiền, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, trong trẻo.

Lần khác nữa, tôi gặp lại người bạn cũ. Bạn nói suốt sáu tháng kinh doanh thất bại, bạn phải chống chọi chứng trầm cảm bằng cách đi điều trị tâm lý, đồng thời, học luôn một khóa tâm lý trị liệu ngắn ngày dành cho doanh nhân. Thầy của bạn cũng từng là một doanh nhân kinh doanh thất bại, chuyển sang học khóa tâm lý trị liệu. Và bạn, sau khóa học lần này thì bạn sẽ khởi nghiệp trở lại với việc mở các hội thảo, tọa đàm về tâm lý kết hợp nghỉ dưỡng hướng tới giới doanh nhân.

Hẳn đây là một điều hay, ở chỗ nó không chỉ giúp bạn tìm được lối ra cho những trục trặc tâm lý của bản thân, mà còn cho bạn ý tưởng về một dự án kinh doanh. Khách hàng, không ai khác, đó là những người cùng cảnh ngộ với bạn. Có thể, bạn đã nắm bắt thời cuộc thị trường đang đẩy nhiều doanh nhân vào chỗ bi đát và sang chấn chăng?

“Lại có người tham gia các khóa chia sẻ tâm lý không phải vì họ gặp vấn đề tâm lý, mà là để tìm kiếm mối quan hệ, mạng lưới làm ăn. Một số khác thì nhằm xây dựng hình ảnh, họ muốn gắn bản thân vào các sinh hoạt chuyên sâu với mục đích gia tăng thương hiệu và nhân hiệu. Nhưng vẫn phải thấy rằng đa số đến với các khóa thiền hoặc chia sẻ tâm lý là để được xoa dịu một cách nhanh nhất những sang chấn, những áp lực trong thời kỳ làm ăn khó khăn và nhiều rủi ro…”, chị Ngọc Vũ, một doanh nhân thường xuyên tham gia các khóa thiền, chia sẻ. Theo nữ doanh nhân này, hiện có rất nhiều “gói chữa lành” nhanh và hiệu quả để chọn lựa. Phần nhiều là do các nhóm, hội doanh nhân kết nối các diễn giả tổ chức ra những chuyến dã ngoại kết hợp nói chuyện chuyên đề, hoặc tìm đến các cơ sở tôn giáo có mở các khóa tu và tiếp nhận cư sĩ ngắn hạn.

“Quay cuồng mãi hoài”(*)

Có một khóa “thiền tập” gọi là làm lành với thiên nhiên diễn ra tại khu hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt). Một vị sư dạy cho khách tham gia đi vòng quanh các gốc cây thông và cùng nhau hát một bài hát có ngôn từ đơn sơ đến ngây ngô của chính vị sư. Khách được khuyên cười nói với nhau giữa rừng như những đứa trẻ, xem đó là liệu pháp để xóa bỏ ưu phiền và những vướng mắc tâm trí. Rồi họ ăn chay và ở lại trong khu resort gần đó một vài ngày. Chi phí phải trả cho những buổi thiền hành giống như thế khá cao. Đổi lại, mọi người thấy thanh thản sau đó. Họ trở về thành phố và tiếp tục công việc, đối diện với cuộc sống bằng một nguồn năng lượng mới.

“Áp lực có thể quay lại, nhưng miễn được chữa lành, còn hơn ngồi một chỗ loay hoay không biết phải làm gì”, một người đã tham gia khóa tu tập này cho biết. Cũng có thể hiểu là sự “trồi sụt tâm lý” sẽ còn tiếp diễn và các khóa chữa lành ngắn hạn chỉ như những liều thuốc giảm đau nhất thời. Khi quay lại với công việc, với áp lực thương trường, những khó khăn khiến cho doanh nhân “thấy mình bị khủng hoảng” trước đó vẫn còn ở đó. Họ buộc phải đối diện, phải căng thẳng giải quyết, và những đợt khủng hoảng tâm lý tiếp theo vẫn chực chờ với mức độ không hứa hẹn thuyên giảm.

Câu hỏi đặt ra có vẻ luẩn quẩn là: Tại sao phải bỏ thời gian cho những việc này mà không trị tận căn gốc những biểu hiện của stress trong cuộc sống và công việc?

Ngoài lý do thuộc về tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, các doanh nhân trong cơn khủng hoảng còn được sự lôi kéo của đồng nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh ngành tâm lý đang được đề cao trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, từ quản trị đến tương quan với khách hàng, và tâm lý trị liệu, một mặt được áp dụng vào việc xây dựng giá trị doanh nghiệp theo xu hướng, mặt khác là phương thuốc hữu hiệu dập tắt những cơn khủng hoảng cấp thời.

Ai chữa lành ai?

Điều cần nói là trong bối cảnh nhu cầu chữa lành tâm lý cao như vậy, các liệu pháp và người đưa ra liệu pháp liệu có đủ sức đáp ứng và đảm bảo sự khả tín đến đâu?

Nhìn qua các khóa chữa lành tâm lý hay các đợt thiền tập ngắn ngày của những pháp môn dành cho doanh nhân, có thể thấy nhiều “người trị liệu” không phải là những bậc chân tu hay thực học, mà trong giới KOL (Key Opinion Leader: tư vấn quan điểm có ảnh hưởng đặc biệt trên mạng xã hội) được khoác áo “chuyên gia”. Đa số thông điệp được các KOL trình bày là kinh nghiệm mang tính chia sẻ và tâm tình, đồng cảm, cùng lắm là đưa ra một vài lời khuyên cá nhân. Hiếm thấy những chuyên gia được đào tạo bài bản về tâm lý học, có liệu trình lẫn kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng như có hiểu biết về thời tiết kinh doanh, để mang lại những chìa khóa hướng dẫn.

Bên cạnh đó, các giáo pháp tham gia vào cũng chỉ đưa ra được những phương pháp tu tập chung chung, một số chuyển hướng sang thương mại lộ liễu. Chung quy, các chuyến trải nghiệm này rất dễ sa vào lầm tưởng về tính hiệu quả. Việc tạo ra một môi trường để mọi người tạm thời thoát ly khỏi công việc, tạm thời cắt đứt mọi vướng bận trong một quãng thời gian, bản thân nó đã là một điều kiện để các “cư sĩ” tìm lại sự nhẹ nhàng trong tinh thần. Những bài thuyết pháp, những phương pháp thực hành đơn giản có lẽ chỉ làm cho việc nghỉ ngơi thêm phần dễ chịu nhưng lại được lầm tưởng mang lại hiệu quả lâu dài.

Người ta sẵn lòng chi trả một chi phí rất cao để dự một buổi nói chuyện của một người có triệu chứng tâm lý lẫn vấn đề tinh thần… khá giống mình.

Gần đây còn có nhiều hình thức gọi là chữa lành, tháo gỡ khó khăn tâm lý cho giới làm ăn kinh doanh, trong đó có các bữa trà chiều trò chuyện về nuôi dưỡng cảm xúc, củng cố gia đình, hay thậm chí là làm sao để sống thanh lịch, tao nhã trong một cuộc sống bận rộn… Các KOL trong lĩnh vực này xuất hiện nhiều vô kể. Có người hôm trước mới trong vai người khủng hoảng thì hôm sau đã xuất hiện trong một talkshow riêng trước một cộng đồng đang cần sự chia sẻ. Còn những người tìm đến sự chữa lành thì đơn giản là được tắt điện thoại, được ngồi nghe nói chuyện để thoát khỏi mớ áp lực ngày thường.

Người nọ bảo người kia tham gia vào các nhóm, hội, câu lạc bộ…, và những chương trình chữa lành ngắn lại tiếp tục được lên lịch. “Chữa lành” trở thành xu hướng thoát ly tạm thời trong bối cảnh kinh doanh nhiều rủi ro và áp lực đè nặng lên giới doanh nhân hiện nay.

(*) Cụm từ trong một câu hát trong ca khúc “Đời đá vàng” của nhạc sĩ Vũ Thành An.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tâm bệnh mới là số một. Thân bệnh chỉ là số hai. Vận dụng lý thuyết “Tứ diệu đế” để chữa lành tâm bệnh/ thân bệnh là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Hiểu về khổ/ Chấp nhận khổ/ Thoát ly khổ là những vấn đề cần phải được các doanh nhân thẩm thấu sâu sắc, từ đó tự tìm ra con đường cho riêng mình. Không có Phật/ Trời nào lại đi độ trì cho người tự đánh mất mình. Cuộc đời này chẳng có cái gì là thuận lợi và may mắn, nếu bản thân mình không trải nghiệm được nỗi khổ đau. Khổ đau là phương thức cứu độ tinh thần con người một cách hiệu quả nhất, mang lại bình an cho cuộc sống, với điều kiện bạn phải hội đủ năng lực vượt qua, biết chiến thắng chính bản thân mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới