Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Doanh nhân thời kỳ mới…

Hoàng Hạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Nếu trong môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, bình đẳng, doanh nhân phải thể hiện tính chủ động, mạnh dạn kinh doanh trong khuôn khổ những gì pháp luật không cấm”, chuyên gia Bùi Kiến Thành trao đổi với Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

KTSG: Nghị quyết 41-NQ/TW về Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới (Nghị quyết 41) được ban hành ngày 10-10-2023, chỉ hai ngày trước ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay nên được ví von như “món quà” dành cho giới doanh nhân. Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về “món quà” này?

Ông Bùi Kiến Thành.

Ông Bùi Kiến Thành: Nghị quyết 41 xác định doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ trọng đại của đất nước, trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập – tự chủ.

Quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân, đầu tiên là quan điểm chỉ đạo, sau đó hiện thực hóa các quan điểm chỉ đạo của các cấp thực hiện. Thế nhưng, một phần không thể thiếu chính là sự chủ động của doanh nhân. Cách nhìn về doanh nhân đã rất cập nhật, con đường để phát triển đội ngũ doanh nhân đã đề cập cụ thể tới việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp, vậy thì doanh nhân phải như một con đại bàng biết cách nâng mình lên nhờ các luồng không khí nóng dưới mặt đất và phát triển đội ngũ, doanh nghiệp xứng tầm với những kỳ vọng về mình.

KTSG: Với kinh nghiệm rất nhiều năm tư vấn về việc xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường có định hướng của Việt Nam, thưa ông, để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo về hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, chúng ta nên có cách tiếp cận như thế nào?

– Nguyên tắc căn bản ở đây là các cơ quan có trách nhiệm thiết kế, trình duyệt và ban hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, phổ biến các quy định ấy tới cộng đồng doanh nghiệp, làm rõ doanh nhân bị cấm không được có những hành vi, hoạt động như thế nào. Những gì pháp luật không cấm thì doanh nhân được phép làm.

Tiếp đến mới là việc hoàn thiện chính sách pháp luật. Để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, các quy định hiện có của pháp luật Việt Nam là gì, đã đầy đủ cho mục tiêu nói trên hay chưa? Nếu chưa, chúng ta cần hoàn thiện thêm các quy định như thế nào? Chẳng hạn, việc bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế nghĩa là các hành vi vi phạm về dân sự phải được xử lý bằng pháp luật dân sự. Nếu pháp luật dân sự chưa có các quy định xác định và xử lý vi phạm thì phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật dân sự. Tương tự, các hành vi vi phạm về hình sự trong hoạt động kinh doanh phải được xử lý bằng pháp luật hình sự. Nếu pháp luật hình sự chưa có đủ chế tài thì phải bổ sung, hoàn thiện.

Một vấn đề cần lưu tâm khác là chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Trong một báo cáo gửi tới Quốc hội đầu tháng 10-2023, thực tế có một số văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn đã được thẳng thắn thừa nhận.

Trong việc hoàn thiện các chính sách pháp luật cho hoạt động kinh doanh, phải hạn chế tối đa tình trạng như trên, đồng nghĩa, những người tham gia việc thiết kế xây dựng chính sách phải có chuyên môn về pháp luật, nếu thiếu chuyên môn và kinh nghiệm thì gửi đi tu dưỡng, đào tạo thêm. Quan trọng là phải có những người làm luật vững chuyên môn, có kiến thức thực tiễn về hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải xác định trách nhiệm của các khâu trong việc đưa ra những văn bản quy phạm pháp luật chất lượng kém và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

KTSG: Đối với đội ngũ doanh nhân, quả thật, đội ngũ này sẽ lớn mạnh khi doanh nghiệp được tạo cơ hội khai sinh, trưởng thành và phát triển. Vậy nhưng, muốn bền gốc cần sâu rễ, nghĩa là cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực sẽ trở thành doanh nhân. Quan điểm của ông như thế nào?

– Doanh nhân không tự nhiên mà thành, họ cần phải được đào tạo. Việc đào tạo này cần bắt đầu từ rất sớm, ngay từ các cấp học phổ thông. Trong khoảng thời gian này, phải đưa ra và định hình các cơ sở về vấn đề luân lý, đạo đức, nền tảng trong xây dựng văn hóa, đạo đức trong kinh doanh và trong các hành vi ứng xử thông thường của con người khi trưởng thành. Doanh nhân phải điều hành doanh nghiệp có lãi nhưng không được làm những điều trái với lương tâm, trái với đạo lý, không được chạy theo đồng tiền bằng cách hủy hoại nhân phẩm của bản thân hay làm hại người khác.

Thứ hai, phải có được những trường đào tạo doanh nhân như thế nào, khối trường thương mại đạt được yêu cầu ra sao, khối trường tài chính phải đáp ứng tiêu chuẩn gì? Chúng ta phải kiện toàn các cơ sở đào tạo đó. Cuối cùng là môi trường để các cử nhân học việc, bổ sung kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Dù kết quả học có tốt đến đâu mà không có môi trường trau rèn thì cũng khó đạt được thành tựu.

Đào tạo doanh nhân cũng như trồng cây lúa vậy. Một hạt giống tốt nếu gieo vào bãi cát khô thì không thể nảy mầm chứ đừng nói trở thành một cây lúa. Chúng ta cày bừa, bón phân, dẫn nước… nghĩa là phải tạo môi trường sinh trưởng phù hợp để hạt giống tốt nảy mầm lớn thành cây mạ, rồi làm đòng trổ bông mà bông lúa không phải chỉ toàn hạt lép.

Trong câu chuyện đào tạo đang bàn đến, phải lưu ý đến vai trò của các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp. Đó là nơi doanh nhân đến để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Những người làm tốt chia sẻ bí quyết, bài học của họ với doanh nhân khác. Sức mạnh của hiệp hội có thể hình dung như là sức mạnh của một cánh đồng lúa. Một cây lúa mọc giữa đồng thì chỉ cần một trận gió nhẹ là đổ rạp, cả trăm ngàn cây lúa trên một cánh đồng lớn khó quật ngã được. Nói vậy để thấy, trong hiệp hội, doanh nghiệp có thể dựa vào nhau để đứng vững và phát triển.

Để hiệp hội phát huy vai trò đó, chúng ta phải biết cách tổ chức và quan trọng hơn, các doanh nhân phải có tinh thần tương trợ lẫn nhau. Một doanh nhân thành đạt không chỉ giỏi trong công việc của riêng doanh nghiệp mình mà phải hỗ trợ được đồng nghiệp, phải đóng góp để xây dựng cả cộng đồng doanh nhân nói riêng và cả nền kinh tế nói chung đi lên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới