Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nhân Trung Quốc và Ấn Độ lạc quan về tương lai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Doanh nhân Trung Quốc và Ấn Độ lạc quan về tương lai

Phúc Minh

Một hàng bán xoài trên đường phố Ấn Độ. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Công ty nghiên cứu YouGov (Anh) đã tiến hành một cuộc khảo sát với hơn 4.000 doanh nhân, nhà quản lý doanh nghiệp và những người mơ ước trở thành doanh nhân tại Trung Quốc và Ấn Độ. Kết quả khảo vừa được đăng trên tờ The Wall Street Journal ngày 16-8.

Kết quả khảo sát cho thấy doanh nhân cả hai nước đều lạc quan về tương lai. Gần một nửa số người được hỏi tin rằng xã hội của họ chào đón hoạt động kinh doanh nhiều hơn 10 năm trước, 25% số người nhận định như trên tại Ấn Độ và 33% tại Trung Quốc. Dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua tác động nghiêm trọng đến triển vọng kinh doanh của các doanh nhân mới nhưng đa số đều tin rằng trong 5 năm tới, cuộc sống của họ sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, ngoài điểm chung là sự lạc quan về tương lai của nền kinh tế, tinh thần của doanh nhân hai nước không giống nhau, bắt đầu từ động cơ thành lập doanh nghiệp.

Khi được hỏi về động lực chính để thành lập doanh nghiệp, đa số doanh nhân Ấn Độ đều nói “muốn làm chủ bản thân”, còn hầu hết doanh nhân Trung Quốc trả lời “muốn kiếm tiền nhiều hơn”. Về điểm này, doanh nhân Ấn Độ giống doanh nhân phương Tây. Nghiên cứu năm 2009 của Kauffman Foundation cho thấy nguyên nhân chính khi một người Mỹ thành lập doanh nghiệp là “muốn có công ty riêng” mà không phải “muốn giàu có hơn”.

Khi được hỏi về nguồn động viên, khuyến khích họ quyết định thành lập doanh nghiệp, gần một nửa số doanh nhân Trung Quốc trả lời có liên quan đến sự hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của nhà nước, trong khi tại Ấn Độ chỉ có 9% người được hỏi trả lời như vậy.

Khoảng 23% doanh nhân Trung Quốc cho biết những gì họ học ở trường thúc đẩy họ quyết định thành lập doanh nghiệp, đây là kết quả của việc chính quyền dùng đại học để thúc đẩy tinh thần kinh doanh. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đăng tải thông điệp nhà nước ủng hộ doanh nghiệp cũng gấp 3 lần Ấn Độ.

Trong khi đó, doanh nhân Ấn Độ được hỗ trợ bởi thành viên gia đình và người xung quanh nhiều hơn. Khoảng 21% người Ấn Độ được hỏi cho biết kỳ vọng của gia đình là nguồn gốc tinh thần của họ, trong khi chỉ 9% người Trung Quốc nói như vậy. Ngoài ra, khoảng 27% người Ấn Độ được hỏi cho biết họ nhận được sự khuyến khích từ các doanh nhân khác, tỷ lệ này tại Trung Quốc chỉ có 18%.

Sự khác biệt về động cơ và nguồn động viên của doanh nhân Trung Quốc và Ấn Độ được phản ánh trên nhiều phương diện khác nhau. Người Ấn Độ dựa vào quan hệ thân thuộc để sáng lập nên các doanh nghiệp cổ phần, 49% chủ doanh nghiệp Ấn Độ dựa vào nguồn lực tài chính của gia đình, trong khi chỉ 25% doanh nhân Trung Quốc làm như vậy.

Doanh nhân Trung Quốc dựa vào ngân hàng nhiều hơn, 49% doanh nhân Trung Quốc vay ngân hàng, so với 27% tại Ấn Độ. Cách tiếp cận nguồn vốn làm cho tỷ lệ sử dụng vốn của doanh nhân Ấn Độ chỉ bằng một nửa doanh nhân Trung Quốc.

Hiện tượng này đặt ra một số vấn đề để nghiên cứu thêm. Ví dụ, doanh nhân Ấn Độ vì biết rằng một khi họ thất bại sẽ làm ảnh hưởng đến gia đình và bạn bè nên sẽ nghiên cứu cẩn thận hơn trước khi thanh lập doanh nghiệp? Ngân hàng Trung Quốc trước khi cho vay có đánh giá cẩn thận giá trị doanh nghiệp không?

Trong danh sách các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thành lập doanh nghiệp, các doanh nhân Ấn Độ cho rằng tiếp cận với nguồn tài chính cũng quan trọng như các phẩm chất cá nhân khác như khả năng sáng tạo và chấp nhận rủi ro.

Còn với các doanh nhân Trung Quốc, thông tin và kiến thức quan trọng hơn sự sáng tạo. Điều này có nghĩa là các doanh nhân Trung Quốc nghĩ rằng thành công trong kinh doanh phụ thuộc vào sự hiểu biết và sử dụng hoàn cảnh thị trường, còn các doanh nhân Ấn Độ cho rằng thành công nhờ vào năng lực nội tại thích ứng với môi trường không ngừng thay đổi.

Sau cùng, doanh nhân Trung Quốc và Ấn Độ xem xét mối quan hệ của họ với môi trường chính sách cũng rất khác nhau. 81% chủ doanh nghiệp Ấn Độ cho rằng để đạt được thành công trong kinh doanh, quan trọng là phải có năng lực tìm thấy và cải thiện các hạn chế của quy định và cơ chế mang lại.

Trong khi đó, 93% chủ doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng mối quan hệ (chủ yếu là mối quan hệ với chính phủ) có tác dụng quan trọng đến thành công trong kinh doanh.

Tóm lại, những người muốn làm kinh doanh tại Ấn Độ tin rằng ngay cả khi không có sự hỗ trợ của nhà nước, họ vẫn có thể thành công, trong khi người Trung Quốc tin rằng sự thành công có quan hệ trực tiếp với chính phủ.

Khảo sát cho thấy tinh thần của doanh nhân Ấn Độ mang tính bền vững, trong khi điều này không rõ ràng tại Trung Quốc. Do các doanh nhân Ấn Độ luôn đạt được thành công khi chính phủ và các tổ chức tài chính chuyển hướng không tốt, vì vậy họ hình thành một cá tính độc lập và can đảm để vượt qua mạo hiểm.

(theo WSJ)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới