Doanh thu ICT tăng thêm 7,4 tỉ đô la năm 2018
Vân Ly
(TBKTSG Online) - Tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin viễn thông (ICT) ước đạt 98,9 tỉ đô la Mỹ trong năm 2018, tăng 7,4 tỉ đô la so với năm 2017.
Năm 2018 doanh thu ICT Việt Nam ước đạt 98,9 tỉ đô la. Ảnh minh họa: Vân Ly |
Trong doanh thu ngành công nghiệp ICT Việt Nam năm 2018 thì công nghiệp phần cứng, điện tử, sản xuất thiết bị viễn thông góp doanh thu khoảng 88 tỉ đô la, theo thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 15-1.
Năm 2018, công nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng 13,8% với doanh thu ước đạt 4,3 tỉ đô la. Trong đó xuất khẩu phần mềm ước đạt 3,5 tỉ đô la. Hiện số doanh nghiệp phần mềm cả nước có khoảng 10.000 và thu hút 120.000 nhân lực.
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn cho ngành ICT và có những việc lớn, có tính chất chiến lược lâu dài phải làm trong giai đoạn tới đó là soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật thuộc ngành thông tin và truyền thông, để loại đi sự chồng chéo, mâu thuẫn, bỏ đi cái cản trở sự phát triển. Bởi hệ thống pháp luật đã được xây dựng qua nhiều năm, thiếu thiết kế tổng thể, do các vụ, các cục làm độc lập với nhau, nay có nhiều mâu thuẫn và đã trở thành trở ngại cho sự phát triển của ngành.
Về lĩnh vực viễn thông, cần phải phổ cập điện thoại thông minh bởi đây là nền tảng để đưa các ứng dụng đến mọi người dân. Cấp phép 5G, đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới. Đưa thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 về thứ hạng 30-50. |
Trong 10 năm qua, xếp hạng của ICT của Việt Nam đã tụt xuống xếp thứ trên 100, đứng dưới trung bình thế giới. Những năm tới, chậm nhất là đến 2022, phải đưa thứ hạng của Việt Nam về thứ 30-50. Vì vậy, toàn ngành ICT phải bám vào các chỉ tiêu quốc tế để phấn đấu nâng cao thứ hạng của Việt Nam.
Ông Hùng cũng cho biết ngành ICT sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực lớn trong thời gian tới. Đó là lĩnh vực bưu chính, phát triển mạng lưới chuyển phát, logistics để phát triển thương mại điện tử. Duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 30-40%, để sau 5 năm nữa, doanh thu bưu chính Việt Nam sẽ tăng 3 - 4 lần và đạt 3 - 4 tỉ đô la.
Về lĩnh vực viễn thông, cần phải phổ cập điện thoại thông minh bởi đây là nền tảng để đưa các ứng dụng đến mọi người dân. Cấp phép 5G, đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới. Đưa thứ hạng viễn thông Việt Nam trên thế giới từ vị trí 108 về thứ hạng 30-50. Bộ sẽ thí điểm thanh toán di động, cho phép chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông, giúp thanh toán điện tử đến mọi người dân để kích thích kinh tế tăng trưởng.
Về lĩnh vực công nghiệp ICT, Việt Nam đang có cơ hội trở thành nhà sản xuất thiết bị điện tử viễn thông lớn của thế giới. Thế giới về cơ bản chỉ còn 4 công ty sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông, gồm Ericsson, Nokia, Huawei và ZTE. Trong đó Trung Quốc chiếm tới trên 60% thị phần, nhưng lại đang gặp khó khăn với Mỹ. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, với quyết tâm mức Chính phủ, chúng ta sẽ trở thành nước thứ 4 trên thế giới sản xuất và xuất khẩu được tất cả thiết bị viễn thông.
Đối với công nghiệp nội dung số, đặt mục tiêu phải chiếm 20-30% doanh thu của các nhà mạng, nhưng hiện nay mới chiếm 6-8%, là tỉ lệ quá thấp so với các nước. Cơ hội tăng trưởng của nội dung số còn 3-4 lần, doanh thu có thể đạt 3-4 tỉ đô la. Vấn đề mấu chốt để tăng trưởng ngành công nghiệp nội dung số là chính sách phải tạo sự phát triển cho lĩnh vực này, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam phải cùng một chính sách quản lý, không bảo hộ ngược.
Tỷ lệ ăn chia với nhà mạng phải khích lệ công ty nội dung, hệ thống phân phối, thẻ nạp tiền của nhà mạng phải hỗ trợ thanh toán cho công ty nội dung…