Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đọc… để làm gì?

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – LTS: Thói quen đọc sách cũng là một chủ đề được khảo sát, nghiên cứu ở Singapore ngõ hầu tìm ra giải pháp ứng phó với những phát sinh khi công nghệ đi vào cuộc sống và làm thay đổi mọi thứ. Tác giả bài viết cũng là một doanh nhân đã chia sẻ suy nghĩ của mình về đề tài nhiều trăn trở này.

Học sinh lớp càng lớn thì càng bớt đọc sách! Đó là một trong những phát hiện từ khảo sát mới đây của Cục Thư viện Quốc gia Singapore (NLB) về thói quen đọc sách của người dân đảo Sư tử trong năm 2021. 59% số học sinh đầu cấp trung học (Secondary 1) đọc sách hàng ngày hoặc hai ba ngày mới đọc một lần, còn với học sinh cuối cấp (Secondary 4) thì tỷ lệ này chỉ là 39,8%.

Một phát hiện đáng lưu ý khác là số lượng người dân đến thư viện cũng giảm rõ rệt. Nếu như trong năm 2019 đã có 26,7 triệu người đến mượn và đọc sách tại các cơ sở của mạng lưới 27 thư viện thuộc NLB và Cục Lưu trữ Quốc gia thì sang năm 2021 chỉ còn 11,5 triệu. Một thông tin có vẻ khả quan là tỷ lệ người trưởng thành đọc báo trên mạng xã hội hoặc trang web hơn một lần một tuần đã tăng lên 76% trong năm 2021, so với mức 59% vào năm 2018 nhưng số người đọc sách nhiều hơn một lần chỉ có một phần ba trong số đó.

Cần nhiều lựa chọn hơn cho người đọc

Có nhiều cách để lý giải nguyên nhân của hiện trạng nói trên trong bối cảnh thời đại kỹ thuật số nhưng bà Loh Chin Ee, Phó giáo sư kiêm Phó trưởng khoa nghiên cứu ngôn ngữ và văn học Anh tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore (NIE), lại quan tâm nhiều đến giải pháp. Trả lời nhật báo The Straits Times, bà Loh cho hay cần có nhiều lựa chọn hơn trong việc đọc để dễ tiếp cận thông tin, kiến thức và thư viện nên lưu trữ nhiều bản sao hơn của những đầu sách mà độc giả quan tâm, bao gồm cả sách điện tử (e-book).

Bà Loh nhấn mạnh trách nhiệm của thư viện và nhà sách trong việc mở rộng khả năng đọc của mọi người. Ví dụ, ngay cả khi truyện tranh manga thịnh hành, thư viện trường học vẫn có thể phải trang bị những bộ sưu tập văn học chất lượng cho học sinh đọc khi cần.

Bà Loh chia sẻ với độc giả TST câu chuyện về chuỗi cửa hàng sách Barnes & Noble tại Mỹ nơi đã thay đổi đáng kể khi Giám đốc điều hành mới James Daunt trao cho các cửa hàng Barnes & Noble địa phương nhiều quyền hơn để đặt mua những gì độc giả trong khu phố của họ muốn. Ông Daunt được ghi nhận là người đã sử dụng một phương pháp mà Phó giáo sư Ryan Raffaelli của Trường Kinh doanh Harvard gọi là mô hình 3C (viết tắt của ba chữ tiếng Anh là Community, Curation và Convening) để đảo ngược tình thế khốn đốn của chuỗi cửa hàng sách Waterstones ở Anh.

Trong khảo luận mang tựa đề “Reinventing Retail: The Novel Resurgence of Independent Bookstores (tạm dịch “Tái tạo ngành bán lẻ: Sự hồi sinh mới lạ của các nhà sách độc lập”), Giáo sư Rafaelli khuyến cáo việc tạo ra một “không gian thứ ba” tại các nhà sách nơi cộng đồng địa phương có thể kết nối, chẳng hạn như tổ chức các buổi nói chuyện, ký tặng sách, kể chuyện và thậm chí là tiệc sinh nhật. Ông cho rằng ngay cả khi xây dựng thành công sự hiện diện hữu hình, các nhà sách cũng phải ngày càng xây dựng một cộng đồng trực tuyến thông qua mạng xã hội (nội dung của mô hình 3Cs của Giáo sư Rafaelli được trình bày trong sơ đồ 1).

Sơ đồ 1: Mô hình 3C để nhà sách tồn tại và thu hút khách hàng

Nguồn: Havard Business School

Tại Singapore, nhiều bậc phụ huynh lo rằng việc sử dụng thiết bị đọc kỹ thuật số sẽ làm cho con em mình mất hứng thú với sách in hoặc cản trở việc học. Tuy nhiên, theo Giáo sư Loh, sự lo lắng đó không có cơ sở. Nói chung, người đọc nên được tiếp cận với nhiều loại tài liệu thông qua các phương thức khác nhau. Từ góc độ học tập, điều quan trọng hơn phương thức là phạm vi văn bản. Người đọc rộng rãi và nhiều thể loại khác nhau sẽ có khả năng và đọc được các loại văn bản mới nhanh hơn với nhiều lợi ích như cải thiện trí nhớ, làm giàu vốn từ vựng, củng cố kỹ năng viết… (xem sơ đồ 2). Giáo sư Loh đánh giá cao sự tiện lợi để độc giả có thể truy cập sách ngay lập tức thông qua các nền tảng ứng dụng, Bà cũng thừa nhận một số tài liệu như truyện tranh Hàn Quốc, webtoons (phiên bản lai của truyện tranh truyền thống và phim hoạt hình) và fanfiction (thể loại truyện gồm một hay nhiều nhân vật có sẵn dựa trên một tác phẩm gốc) chỉ có thể đọc được trên mạng. Bà Loh nói: “Việc không cần bước ra khỏi nhà để lấy một cuốn sách thực sự hữu ích cho việc mở rộng trải nghiệm đọc sách”.

Sơ đồ 2: 4 lợi ích của việc đọc các thể loại sách, văn bản khác nhau

Nguồn: www.doitwriters.com

Vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội

Theo Giáo sư Loh, các bậc phụ huynh không nên cho rằng trẻ em sẽ tự động sử dụng công nghệ để đọc. Bà chia sẻ phát hiện từ một công trình nghiên cứu cùng các cộng sự tại NIE là học sinh tiểu học và thậm chí cả trung học cũng chưa biết cách tìm sách trực tuyến. Một số phương thức đọc kỹ thuật số ít thân thiện với người dùng hơn so với các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, YouTube hoặc các nền tảng truyền thông xã hội. Các nghiên cứu ở Anh và Mỹ chỉ ra rằng khi được đưa iPad để đọc, trẻ em đã học cách sử dụng thiết bị cho mục đích cụ thể đó. Nhưng khi người lớn can thiệp, các en có xu hướng liên kết thiết bị với việc chơi game. Do đó, sự hướng dẫn của gia đình là rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Cả đọc sách in và đọc kỹ thuật số nên được giới thiệu cẩn thận cho trẻ em và duy trì ở các cấp học khác nhau.

Nhưng thách thức đặt ra là trong khi ngay cả những bậc cha mẹ khá giả cũng gặp khó khăn trong việc khuyến khích con cái đọc sách thì các gia đình có thu nhập thấp phải đối mặt với những hạn chế hữu hình (thiếu máy tính xách tay và đường dẫn truy cập Internet) và cả vô hình (không biết cách sử dụng tài nguyên trực tuyến để đọc).

Tại Singpore, chính phủ và các tổ chức xã hội đã có chương trình cung cấp thiết bị cho các gia đình có thu nhập thấp để truy cập vào các tài nguyên kỹ thuật số cho công việc và giáo dục. Một số trường có chương trình đưa học sinh đến thư viện trường và giúp các em chọn những cuốn sách phù hợp. Tuy nhiên, theo bà Loh và các cộng sự, vẫn còn nhiều việc phải làm như hợp tác giữa nhà trường với phụ huynh để dạy trẻ cách truy cập các tài liệu và tài nguyên đọc trực tuyến. Chính phủ có thể xem xét tài trợ cho các thư viện mầm non, để đảm bảo học sinh mầm non có quyền truy cập bình đẳng vào tài liệu đọc. Các trường có thể tổ chức các chương trình đọc sách sau giờ học dành cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp và cũng nên có một giáo viên kiêm thủ thư đủ năng lực ở mỗi trường học.

Đọc… để làm gì?

Có lẽ không cần phải bàn cãi về tầm quan trọng của thói quen đọc bởi bất kỳ hình thức đọc nào mà chúng ta tham gia đều có những lợi ích tích cực của nó, cho dù chỉ đơn giản là để tìm hiểu các sự kiện, thông tin nghiêm túc hay để giải trí nhẹ nhàng. Nghiên cứu khoa học cho thấy càng tiếp thu nhiều thông tin từ cuốn sách thì người đọc càng sử dụng não trái, liên quan đến logic và phân tích. Tuy nhiên, khi đọc tiểu thuyết hay văn học hư cấu, ngôn ngữ và kịch bản mà người viết sử dụng tạo không gian cho người đọc sử dụng trí tưởng tượng và mở rộng tâm trí của mình theo một cách khác – những chức năng vận động não phải. Đây là lý do tại sao đọc văn bản hư cấu có một vai trò khác so với đọc thực dụng hoặc chức năng. Người đọc tương tác với chữ viết và sự tương tác này kích thích sự khám phá và sáng tạo.

Sơ đồ 3: So sánh giữa e-book và sách giấy

Nguồn: www.theprintauthority.com

Thế nhưng, thái độ và nhận thức đối với việc học và cách đọc của nhiều người cũng mang tính thực dụng nếu không muốn nói là có phần lệch lạc, chẳng hạn như những thông điệp kêu gọi đọc một vài quyển sách để làm giàu, thành tỉ phú, nhà thông thái hay người thành đạt. Tại nhiều nước, người ta cổ động sáng tạo và đổi mới nhưng những điều này dường như chỉ dành cho kinh doanh và những thứ thực tế. Chính phủ các nước thường đặt ưu tiên quốc gia cho giáo dục stem (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hay vào những công việc được trả nhiều tiền nhất. Các bậc làm cha làm mẹ khi dạy cho trẻ em cũng tập trung vào việc đọc theo chức năng, nắm vững sách giáo khoa phục vụ thi cử. Nhiều người sau khi lấy bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ cũng chủ yếu đọc những gì liên quan đến công việc…

Thực tiễn hành nghề tư vấn và dạy văn cho học sinh trường quốc tế trong suốt mười lăm năm qua đã giúp tôi cảm nhận cụ thể và sâu sắc về vai trò của việc đọc thực dụng và cả văn học. Khi đọc một tác phẩm văn học, người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng của mình và cố gắng lấp đầy những khoảng trống trong câu chuyện theo cách mà định dạng hình ảnh không thể làm được. Một nhân vật hoặc một ý tưởng, bất kể được tác giả mô tả chặt chẽ đến đâu, luôn được hình thành và tham khảo từ trải nghiệm của chính người đọc, theo một cách nào đó trở thành sản phẩm của cả tác giả và người đọc. Theo nhiều nhà nghiên cứu, hành động đọc về bản chất là một bài tập để xây dựng một thực tế thay thế, sử dụng ngôn từ của tác giả. Người đọc phải sử dụng trí tưởng tượng của mình như một cánh cổng để tưởng tượng ra những thế giới khác. Việc đọc giúp con người có được những hiểu biết và kinh nghiệm mà chúng ta có thể không có được trong cuộc sống hàng ngày và cũng là một hình thức hoạt động giải trí.

Thành thật mà nói, mặc dù đọc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhưng kể từ khi đại dịch chấm dứt tôi cũng không còn xem đó là giải trí đơn thuần vì hầu hết các hoạt động này đều liên quan đến công việc giảng dạy hay yêu cầu viết lách. Tôi cũng nhận ra một sự thật phũ phàng là tôi dành khá nhiều thời gian đọc trên màn hình máy tính hay điện thoại thông minh, tỷ lệ đọc e-book ngày càng cao hơn sách giấy.

Lẽ đương nhiên e-book cũng có những thế mạnh của nó như trình bày trong sơ đồ 3 ở trên nhưng với tôi sách giấy vẫn luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Việc cầm trên tay quyển sách giấy cho dù mới hay cũ, mua từ nhà sách hay mượn của thư viện là khởi đầu của một hành trình khám phá bản năng với các giác quan khi ngửi mùi hương từ giấy sách (khứu giác), những ngón tay lướt trên gáy sách (xúc giác), lắng nghe tiếng sột soạt khi lật từng trang sách (thính giác), ngắm nhìn thiết kế hay màu sắc trên bìa sách (thị giác). Chắc hẳn các bạn thế hệ trẻ hơn sẽ có những cảm nhận khác và đọc vì những lý do khác nhau nhưng tôi tin rằng nếu bạn tìm thấy niềm vui và hứng thú khi đọc bất kỳ thể loại và duy trì thói quen đó suốt đời thì cuộc sống của các bạn rất đáng sống với nhiều ý nghĩa và thú vị.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

1 BÌNH LUẬN

  1. Đọc có nhiều cấp độ khác nhau. Tương ứng với nhiều lứa tuổi sinh học khác nhau. Đọc để vui chơi/ đọc để hiểu biết/ đọc để học hành/ đọc để tỉnh thức. Quy luật này không thay đổi qua mọi thời đại. Chỉ khác nhau là thời gian, mục đích, phương tiện, thời gian và cách tiếp cận. Trong thời đại 4.0, thông tin như vũ bão, tài nguyên tri thức như cuồn cuộn. Con người thực sự rất khó khăn để biết lựa chọn mình nên đọc gì, đọc như thế nào, vì mục tiêu gì ? Bởi vậy, riêng chuyện đọc không thôi đã là nỗi khổ! Rốt cuộc, phải quay lại quy luật từ đầu, nhưng phải luôn biết cách làm mới nó liên tục mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới