Đợi đến 30 Tết mới mua hoa thì đã sao!
Vương Ngọc Long
(TBKTSG Online) - Mấy hôm nay gần Tết, cũng giống như mấy Tết năm kia năm kìa, lại thấy trên mạng xã hội tiếp tục chia sẻ lời kêu gọi "Đừng đợi đến 30 mới mua hoa".
Chuẩn bị hoa cho Hội hoa xuân Tao Đàn năm Kỷ Hợi. Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Thành Hoa. |
Xin thưa, có nhiều gia đình không chỉ đợi ngày 30 cuối năm mới mua hoa mà thậm chí 30 mới sắm cho có Tết gọi là vì không phải ai cũng giàu. Khi bạn thu nhập 100 triệu đồng hay thưởng Tết và thu nhập cả tỉ đồng thì mua cây mai trăm triệu không tính toán chứ ai tính toán chi chậu cúc, chậu vạn thọ bạc trăm ngàn.
Nhiều nhà kinh doanh cứ đem "hình ảnh" ông nông dân "tay lấm chân bùn" ra làm bình phong cầu cứu, trong khi họ lắm lúc cũng dập ông bạn hàng mình đến nơi tới chốn, giống như "tôi đang giúp nông dân", anh mua hàng tui là anh đang giúp nông dân. Kinh doanh và xem "nông dân" như "được ban phát tình từ thiện" chứ không là "đối tác kinh doanh". Người Việt hay dùng từ "bạn hàng" để chỉ đối tác kinh doanh của mình nghe sao nó hay lạ.
Bông hoa, cây kiểng, trái cây, thịt cá..., từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng phải có tay thương lái góp sức. Nhưng, vai trò đó thương lái cũng được bù đắp bằng "chi phí chênh lệch" và lợi nhuận chứ không ai làm không công bao giờ. Một chậu bông vạn thọ từ nhà vườn Sa Đéc, giá khoảng 50.000 đồng, qua bao công đoạn "bốc vác", vận chuyển, chung chi, mặt bằng, hư hỏng thất thoát, ăn uống, lợi nhuận... đến người thích hoa vạn thọ như tôi thì giá gấp đôi thì có sao đâu.
Năm ngoái, 24 Tết hay 22 không nhớ rõ, tôi lên Nhà Văn hóa quận Thủ Đức, TPHCM, hỏi mua hoa vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc phước lộc thọ, tắc thì vạn thọ nói 120.000 đồng, cúc mâm xôi giá 170.000 đồng, cúc phước lộc thọ 120.000 đồng và cây tắc 1.200.000 đồng. Biết là cao nhưng nghĩ: thôi thêm vài trăm ngàn mà mua được chậu hoa ưng ý, lựa cây đẹp trước người khác nên cũng mua đại cho xong. Chừng đâu sáng 30 tháng Chạp, mấy người hàng xóm chở đầy xe mà nghe đâu vạn thọ còn 150.000 đồng/cặp, an ủi mình thì “đẹp không bằng tui lựa mua trước”.
Tâm lý người buôn bán theo dịp Tết là "năm có một lần à" nên cũng muốn lời nhiều nhiều chút cho đủ "sở hụi", hay kiểu là "mấy ngày đầu bán được giá cao bù cho mấy ngày sau giá thấp". Mặt hàng hoa kiểng cũng không phải chuyện dễ ăn vì vài ngày là chất lượng thay đổi. Nên chuyện xưa nói đi nói lại kiểu như khuyên người bán "ngày đầu nói giá phải chăng" để dễ bán nhanh về sớm hay khuyên người mua "đừng đợi đến 30"... cũng chỉ để nói cho có chuyện, ngàn năm cũng không thay đổi.
Có chơi có chịu, đừng đem kinh doanh gắn chuyện từ thiện thế thôi.