Thứ Tư, 26/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đối diện với cái mới

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gần cuối năm ngoái, báo chí đưa tin TPHCM giao cho Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các vị trí làm việc không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà với tỷ lệ phù hợp. Đây là một bước đi cần thiết mỗi khi chúng ta đối diện với cái mới: thế giới bước vào xu hướng làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19 và sau những đột phá trong công nghệ, chúng ta cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu cái lợi cái hại của xu hướng này để có thể áp dụng khi cần thiết.

Trên bình diện quốc gia, hiện nay cả thế giới đang trải qua những thay đổi to lớn, đòi hỏi các nước phải chủ động tìm câu trả lời cho những vấn đề mới phát sinh. Chẳng hạn, hiện đã có một bước ngoặt rất rõ khi một số nước phát triển không còn cổ xúy cho thương mại tự do nữa, họ quay sang xây dựng những chính sách mang tính bảo hộ cho sản xuất trong nước, đặc biệt là các ngành then chốt hay liên quan đến phát triển năng lượng sạch.

Trong bối cảnh đó, chúng ta phải có những nghiên cứu sâu rộng về xu hướng này, liệu nó chỉ là chính sách nhất thời hay một trào lưu lâu dài; là một nước có nền kinh tế mở, chúng ta phải làm gì để thích ứng; làm gì để tham gia các chuỗi cung ứng mới.

Với từng ngành, từng lĩnh vực, những vấn đề mới cần được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng như thế cũng không phải là ít. Ngành giáo dục phải trả lời cho được câu hỏi, nên có thái độ như thế nào với việc học sinh hay giáo viên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh trong học tập hay giảng dạy; có nên cấm học sinh sử dụng điện thoại như một số nước đã làm. Ngành quản lý phòng cháy chữa cháy nên có quy định như thế nào với việc sạc xe điện tại các khu nhà đông người ở. Ngành tài chính làm gì trước xu hướng lãi suất tăng, lạm phát dai dẳng; làm sao để kéo giá vàng trong nước ngang bằng giá vàng thế giới…

Cái mới, chưa có tiền lệ cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới việc cán bộ sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán, làm chậm trễ công việc hành chính chung của cả xã hội. Thiết nghĩ ngoài việc giao cho các bộ phận liên quan nghiên cứu các vấn đề mới, thậm chí Quốc hội tổ chức các buổi điều trần đối với các vấn đề liên quan đến người dân, cần nhanh chóng có kết luận ban đầu làm cơ sở để biên soạn các quy trình, thủ tục mới.

Lấy ví dụ, chúng ta nói nhiều về việc chuyển đổi số nhưng làm gì để không người dân nào bị bỏ lại đằng sau khi họ không có điều kiện tiếp cận công nghệ lại ít được nhắc đến. Tương tự, chuyển đổi số mà không chú ý đến các lỗ hổng bảo mật bị lợi dụng để kẻ xấu lừa đảo trực tuyến cũng là một thiếu sót cần khắc phục.

Bộ máy hành chính các nước, ngay cả bộ máy điều hành một tập đoàn, một công ty sở dĩ có thể hoạt động trôi chảy, không chờ hỏi ý kiến cấp trên mọi chuyện là nhờ đã biên soạn các quy trình, các thủ tục rất chi tiết, rất cặn kẽ như cẩm nang hành động cho mọi người. Một cách khắc phục tình trạng đùn đẩy sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ hiện nay là rà soát các quy trình, giúp họ có đủ chỉ dẫn để tuân thủ và tiến hành chức trách. Liên tục nghiên cứu, bàn thảo, rà soát và đi đến quyết định sau cùng để cập nhật các quy trình, các thủ tục là bước đi cần thiết để bộ máy hoạt động thông suốt.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cái mới. Là cái chưa từng thấy. Hoặc là cái cũ nay được re-fresh ? Tất cả tùy thuộc vào sự nhận thức/ đánh giá theo bối cảnh cụ thể. Mọi thứ, về bản chất, luôn có sự kế thừa và phát triển. Có nhân và có quả. Không thứ gì tự “trên trời rơi xuống” cả. Vậy nên, bất luận vấn đề cũ hay mới, vì lý do gì, thì con người vẫn là chủ thể. Không ai khác, những người trong cuộc, phải tự đi tìm câu trả lời, xử lý và hóa giải những mâu thuẫn phát sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới