(KTSG Online) – Mô hình “con tôm ôm cây lúa” không chỉ giúp mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân ở vùng đất nhiễm mặn, mà đây còn là hướng đi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, thì cần có cơ chế, chính sách đi cùng sự hỗ trợ để khuyến khích người nông dân mạnh dạn thực hiện cuộc chuyển đổi.
Cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, khi mưa xuất hiện trên những cánh đồng của tỉnh Bạc Liêu nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, thì cũng là lúc người nông dân trong mô hình lúa tôm “tận dụng” nguồn nước mưa rửa mặn để xuống giống lúa. Đến cuối tháng Chạp, khi ruộng lúa đã thu hoạch xong, người nông dân sẽ thả vụ tôm đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch hàng năm nông dân sản xuất 2 vụ tôm).
Mô hình bền vững, giúp nông dân làm giàu
Trao đổi với KTSG Online, ông Nông Văn Thạch, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Ba Đình, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu cho biết, lúa tôm là mô hình rất thích hợp để sản xuất ở vùng đất nhiễm mặn như tỉnh Bạc Liêu. “Đây là mô hình bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông nói.
Mô hình lúa tôm xen canh giúp cho môi trường ao tôm nước lợ được "cắt đứt" mầm bệnh nhờ chuyển sang 4 tháng nước ngọt làm lúa. Trong khi đó, lúa sản xuất trên nền đất nuôi tôm, thì cây lúa “tận dụng” được lượng dinh dưỡng bùn thải từ hoạt động nuôi tôm để lại, không chỉ giúp phân hủy chất dơ của nền đáy ao tôm, mà nhờ vậy nên lượng phân bón sử dụng cũng rất ít. Điều này, khiến ruộng lúa trong mô hình lúa tôm rất ít sâu, bệnh hại nên chi phí đầu tư cũng giảm đáng kể so với những ruộng chuyên canh lúa.
Do nông dân sản xuất lúa để cung cấp nguồn rơm rạ phục vụ nuôi tôm ở vụ tiếp theo, cho nên, họ hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc hoá học lưu dẫn để tránh ảnh hưởng đến vụ tôm. “Vì vậy, mô hình này rất tốt cho môi trường, phù hợp định hướng sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ”, ông Thạch giải thích.
Theo tính toán của vị giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Ba Đình, với mô hình lúa tôm (1 lúa-2 tôm mỗi năm), tổng lợi nhuận người nông dân thu được khoảng 120-150 triệu đồng/héc ta, trong đó, vụ lúa cho lợi nhuận khoảng 20-25 triệu đồng/héc ta và tôm nuôi cho lợi nhuận khoảng 50-60 triệu đồng/vụ nuôi, tức đạt khoảng 100-120 triệu đồng/héc ta/năm (2 vụ nuôi).
Ông Nguyễn Mắc Len, ngụ ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - một nông dân có 5 mẫu đất tầm lớn (13.000 m2) tham gia mô hình lúa tôm cho biết, trong thời gian khoảng 4 tháng sản xuất lúa (giống ST24), ông thả thêm tôm sú và cá đồng vào ruộng. “Khi lúa thu hoạch cũng là lúc tôi thu hoạch tôm và cá đồng”, ông nói và cho biết, tuy sản lượng tôm không bằng vụ tôm chính, nhưng cũng giúp tăng thêm thu nhập đáng kể trên cùng diện tích.
Cụ thể, bằng cách sản xuất như trên, riêng vụ lúa ông Len đạt lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng/công tầm lớn (1.300 m2), trong đó, lúa đạt lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng và khoảng 8 triệu đồng từ cá, tôm. “Sau khi kết thúc vụ lúa, hai vụ tôm nuôi tiếp theo (vụ tôm chính), cho lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng/công nữa. Như vậy, tổng lợi nhuận thu được mỗi năm là khoảng 25 triệu đồng/công tầm lớn, tức khoảng 250 triệu đồng/mẫu tầm lớn, bao gồm cả lúa, tôm và cá”, ông Len tính toán.
Trên thực tế, mô hình sản xuất lúa tôm mang lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với các vùng độc canh 3 vụ lúa/năm. Bởi, độc canh lúa mỗi năm đạt lợi nhuận chỉ khoảng 70 triệu đồng/mẫu tầm lớn, trong đó, vụ đồng xuân lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng và hai vụ tiếp theo lợi nhuận chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/vụ. "Đó là chưa tính đến yếu tố bền vững về môi trường của mô hình lúa tôm", ông Len chia sẻ.
Để “tôm ôm lúa” ngày càng lan rộng
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với ngành thuỷ sản, địa phương xác định đây là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, ngoài mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là điểm nhấn, tạo bước đột phát trong nghề nuôi trồng thuỷ sản của địa phương, thì mô hình lúa tôm cũng được xác định là hướng đi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bạc Liêu.
Năm 2021, riêng tỉnh Bạc Liêu có khoảng 39.000 héc ta diện tích sản xuất mô hình lúa tôm, tăng 10.000 héc ta so với năm 2015 và cao hơn khá nhiều so với con số 25.351 héc ta diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh. Từ đó, tỉnh Bạc Liêu cũng đã quy hoạch vùng sản xuất lúa tôm theo hướng "lúa thơm- tôm sạch" và hướng đến sản xuất tôm lúa hữu cơ đạt trên 43.000 héc ta vào năm 2025.
Để đạt được những kết quả đề ra, ông Ly cho biết, địa phương sẽ thực hiện rà soát lại diện tích nuôi trồng thủy sản, bảo đảm các điều kiện duy trì ổn định, phát triển bền vững các hình thức canh tác thân thiện với môi trường như: mô hình tôm lúa, tôm rừng. “Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu “lúa thơm, tôm sạch”, ông nói.
Trong khi đó, ông Lê Tấn Cận, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, giai đoạn 2 của dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn- Cái Bé hoàn thành cùng với một số hệ thống cống ngăn mặn phía Bắc Quản Lộ- Phụng Hiệp hoàn chỉnh, thì diện tích lúa tôm sẽ có khả năng mở rộng.
Theo ông, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục hỗ trợ 50% vật tư, bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để mở rộng khoảng 8.000 héc ta diện tích sản xuất các giống ST24, ST25 từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách và bảo vệ, phát triển đất trồng lúa năm 2021 để phát triển mô hình lúa tôm. “Để đảm bảo cho sản xuất lúa tôm hoàn thành kế hoạch và đạt hiệu quả tốt, thì nhiệm vụ trọng tâm là giúp nông dân an tâm sản xuất, đảm bảo đời sống của họ”, ông nói.
Nói về việc mở rộng mô hình lúa tôm, mới đây ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Miền Trung, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giao cơ quan đầu mối có khảo sát và thông qua các đầu mối thị trường tiêu thụ thống kê nhu cầu, giá trị của dòng sản phẩm này. Đặc biệt, phải có thông tin cung cấp cho các địa phương và cần quy hoạch, phân vùng cũng như định vị toạ độ có định danh cho từng khu vực sản xuất mô hình lúa tôm.
Ông Hoàng Anh cũng gợi ý, phải có lịch thời vụ sản xuất cụ thể cũng như quản lý chặt các hộ sản xuất không đồng bộ, ảnh hưởng sản xuất trong vùng. “Mặt khác, cần căn cứ thực tiễn mô hình thành công của từng địa phương để xây dựng quy trình canh tác, sản xuất phù hợp nhằm hướng dẫn bà con trong vùng”, ông Hoàng Anh nói.
Trong khi đó, ở góc nhìn của ông Dương Thành Trung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cần phải có mô hình vì người nông dân phải “mắt thấy, tai nghe” mới làm theo. “Năm đầu chọn hộ nông dân giỏi, có đam mê xây dựng 1-2 mô hình, sau đó tăng lên dần để tạo sức lan toả”, ông nói.
Ngoài ra, cần phải tổ chức cho người nông dân, bởi để họ tự làm, không đồng bộ, không có hệ thống sẽ gây rối loạn. “Tổ chức tức là hợp tác xã, tổ hợp tác hay là những hội quán nông dân”, ông gợi ý và cho rằng, cần phải có chính sách hỗ trợ người nông dân, kể cả quản lý môi trường phục vụ phát triển mô hình lúa tôm cũng phải do Nhà nước hỗ trợ quản lý, chứ người nông dân, hợp tác xã không thể quản lý được.