Thứ sáu, 21/03/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đổi loại cây trồng, nông dân miền Tây kiếm tiền tốt dù nước nhiễm mặn

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp trước tác động của xâm nhập mặn, giải pháp công trình ngăn mặn thường được lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn còn giải pháp khác giúp nông dân là trữ nước ngọt và thay đổi loại cây trồng phù hợp.

Bà Trần Cẩm Lài, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bên ruộng bầu xanh tốt giữa bốn bề nước nhiễm mặn. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, xâm nhập mặn mùa khô 2024-2025 không nghiêm trọng như các năm 2019-2020, 2015-2016 và 2023-2024 nhưng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Theo đó, ranh mặn 4 gam/lít cao nhất đã xuất hiện tại các cửa sông Cửu Long từ 42-60 km; sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ 52-57 km. Điều này, đã ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của các công trình thủy lợi cách biển 40-60 km trong 3-5 ngày ở các kỳ triều cường lên cao.

Trong khi xâm nhập mặn tác động nhất định cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực của các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì một số nơi, nông dân vẫn có thu nhập tốt dù mặn bao vây…

Chủ động vẫn sống tốt

Đa số nông dân ở xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chọn “phơi khô ruộng” chờ mưa lấy nước ngọt để sản xuất vụ lúa mới, dự kiến từ tháng 5 âm lịch. Tuy nhiên, khu vực đang bị mặn bao vây này vẫn có ruộng xanh tốt vì cây trồng phát triển, trong đó, điển hình là ruộng của bà Trần Cẩm Lài, ngụ ấp Lợi Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Lý giải nguyên nhân ruộng trồng bầu xanh tốt giữa bốn bề nước mặn, theo bà Lài, cần có kế hoạch trữ nước ngọt từ đầu và chọn loại cây trồng phù hợp, tức sử dụng nước ít. “Lúa sạ mùa này không thích hợp vì nhu cầu nước quá lớn nên phải chuyển sang loại ít sử dụng nước hơn nhưng cây bầu lại phù hợp”, bà nói và dẫn chứng, nhu cầu nước tưới của bầu chưa tới 10% so với cây lúa.

Cách làm của người nông dân này, đó là trước khi mùa mưa kết thúc, các mương trong ruộng được trữ đầy nước để sử dụng cho thời điểm hiện tại. “Lắp ống tưới tiết kiệm cũng giúp sử dụng nước hiệu quả hơn”, bà Lài nói.

Với cách làm trên, 2.000 mtrồng cây bầu của bà Lài xanh tốt. Chỉ bốn ngày thu hoạch đầu tiên, năng suất đạt 200 kg/ngày, giá bán 5.000 đồng/kg cho thu nhập 1 triệu đồng/ngày. Với loại cây này, thời gian thu hoạch có thể kéo dài 3 tháng, mang lại hiệu quả kinh tế tốt.

Trước đó, hai công dưa leo nằm cạnh ruộng bầu vừa kết thúc thu hoạch đã giúp gia đình bà Lài thu được một khoản tiền 30 triệu đồng, cao gấp 7 lần nếu so với cây lúa. Đây là mức thu nhập khá, nhất là sản xuất ngay trong thời điểm mặn xâm nhập.

Trong khi đó, tại “thủ phủ” hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nhờ ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, một số nông dân đã tiết kiệm được lượng nước sử dụng khoảng 30% so với phương pháp canh tác truyền thống (nhu cầu sử dụng nước khoảng 220 m3/công/vụ).

Ông Huỳnh Xùi Kháng, ngụ phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, người có 5 công đất trồng hành tím, cho biết chi phí thiết bị lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm khoảng 3 triệu đồng/công, thấp hơn mức thuê nhân công tưới 4 triệu đồng/người/vụ cho cùng diện tích.

Sử dụng nước tiết kiệm ngoài giúp ứng phó với xâm nhập mặn còn hạn chế được dịch bệnh nhờ tưới tập trung vào gốc hành, không tưới lên lá nên mầm bệnh không lây lan.

TS Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL đánh giá cao việc nông dân ứng dụng tưới tiết kiệm vào sản xuất hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, bởi hạn chế được việc khai thác nước ngầm.

Theo ông, trước đây, nông dân chỉ cần đào giếng sâu 4-5 mét là có đủ nước tưới nhưng hiện tại, không chỉ phải đặt đặt ống sâu hơn mà còn phải bơm hơi xuống để nén cho nước dâng lên mới đủ cho nhu cầu sử dụng. Vì vậy, sử dụng nước tưới tiết kiệm là giải pháp đảm bảo canh tác nông nghiệp ở vùng ven biển.

Cần nhân rộng cách thích ứng hiệu quả với xâm nhập mặn. Trong ảnh là ông Huỳnh Xùi Kháng, ngụ phường 1, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bên ruộng hành tím. Ảnh: Trung Chánh

Mở rộng thích ứng hiệu quả

Từ những mô hình nêu trên, việc nhân rộng cách làm chủ động, tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết, nhất là khi không quá tốn kém như việc phải bỏ ra hàng nghìn tỉ đồng để làm công trình lớn nhưng hiệu quả đôi khi không như mong đợi.

Liên quan câu chuyện thích ứng hiệu quả trước xâm nhập mặn, trong một lần trao đổi với KTSG Online, TS Dương Văn Ni, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long, một chuyên gia ở ĐBSCL nhấn mạnh, người dân vốn đã rất linh hoạt trong ứng phó với mặn, tức vùng quá mặn thì lấy nước làm muối, vùng nước lợ nuôi tôm sú, vùng ngọt trồng lúa hoặc nuôi cá nước ngọt. “Sinh kế người dân rất đa dạng theo chất lượng nước”, ông nhấn mạnh.

Thậm chí, nếu có sự tính toán và chuẩn bị như trường hợp của bà Lài, rõ ràng người dân hoàn toàn có thể tạo ra những giá trị sinh kế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Điều này, tránh tốn kém do xây dựng công trình, nhưng nhiều khi không mang lại hiệu quả, thậm chí tác dụng ngược.

Điển hình của câu chuyện nêu trên, đó là chương trình ngọt hóa vùng Bán đảo Cà Mau chẳng những không mang lại hiệu quả “ngọt hóa”, mà còn dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng về hạ tầng giao thông. Bởi lẽ, việc ngăn không cho nước mặn đi vào trong khi bên trong các con sông khô cạn chính là nguyên nhân dẫn sạt lở, sụt lún.

Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường Cà Mau) vào cùng kỳ năm ngoái, cho thấy vùng ngọt hoá bán đảo Cà Mau có 131 tuyến đường bị sạt lở, 569 vị trí với chiều dài 15 km bị sụt lún.

Trong khi đó, vùng ngọt hoá Gò Công (tỉnh Tiền Giang) cũng đã không ít lần rơi vào cảnh “ngọt không xong, mặn không có”, dù không ít tiền đã đổ vào dự án lớn này hay nói cách khác là dự án chưa phát huy được tác dụng như kỳ vọng.

Việc xây dựng các công trình ngăn mặn còn vô tình chia cắt dòng chảy của nhiều con sông. Điều này đã dẫn đến hệ luỵ là nhiều khu vực ở ĐBSCL lục bình phát triển chật kín các con sông, hoá chất từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chảy xuống kênh rạch không được rửa sạch.

Rõ ràng, có những dự án đến thời điểm hiện tại vẫn phát huy được tác dụng nhưng giữa “được, mất” và những trường hợp thích ứng linh hoạt của người dân, cần có những nghiên cứu toàn diện hơn để có cách ứng phó hiệu quả, nhất là khi mặn đã trở thành vấn đề không thể tránh khỏi của vùng châu thổ sông Cửu Long.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới