Thứ ba, 22/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đời nuôi ong mật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đời nuôi ong mật

Anh Nguyễn Văn Nghĩa đang chăm sóc đàn ong. Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – Đi giữa rừng điều và thanh long bạt ngàn, đây đó lưa thưa vài chiếc chòi lá của những người canh thanh long ra hoa, nhìn những người nuôi ong treo võng nằm nghe mưa rả rích suốt ngày, thấy thấm thía sự cơ cực của nghề nuôi ong mật trong thùng.  

“Cái nghề nuôi ong mật coi vậy mà cực lắm, suốt ngày phải chui rúc trong rừng cây. Nơi nào có cao su, điều và cà phê ra hoa là cả người và ong lũ lượt tìm đến, bất kể nắng mưa”, anh Nguyễn Văn Nghĩa, một tay nuôi ong mật, quê ở Đồng Nai tâm sự.

Suốt một tháng qua, hơn 300 thùng ong đang giai đoạn dưỡng chờ lấy mật của anh Nghĩa nằm “tạm cư” giữa vườn điều bạt ngàn cạnh chân núi Tà Cú, xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Anh Nghĩa kể, nhà có 6 anh chị em, nhưng hết 5 người theo cha làm nghề nuôi ong mật từ nhỏ, lớn lên có gia đình, mỗi người lại chọn một vùng đất riêng để tiếp tục đeo bám nghề, có kẻ lên tận vùng núi Lâm Đồng xa xôi.

Chăm ong như chăm con trẻ

Theo anh Nghĩa, nghề nuôi ong không quá khó, tuy nhiên để trở thành tay nuôi thuần thục, có kinh nghiệm nhân giống và lấy mật chất lượng tốt thì không phải ai cũng làm được, chỉ có sự kiên trì học hỏi thì mỗi người mới đúc kết được kinh nghiệm riêng cho bản thân.

Dưới cơn mưa dầm dề đầu tháng 8, anh Nghĩa lom khom vừa giở từng thùng ong xem chừng vừa nói: “Đây là nghề bỏ công làm lời nên phải chịu khó, chăm sóc con ong như chăm con mình vậy, phải thường xuyên thăm dò nơi nào có cây ra hoa là di chuyển đàn ong đến”.

Từ tháng 2 đến tháng 11 là thời điểm chọn những khu vực rừng cây yên tĩnh để dưỡng ong và nhân giống, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là thời điểm anh Nghĩa chuyển đàn ong đến những địa điểm có cây cao su, điều và cà phê tận Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng… để lấy mật. Có vụ phải di chuyển đến 4 -5 lần.

Quy trình di dời đàn cũng khá phức tạp. Đêm đến, khi đàn ong đã về tổ, người nuôi phải cẩn thận đóng kín thùng và chở bằng xe tải đến những địa điểm có cây công nghiệp quy mô lớn đã chọn sẵn. Việc khảo sát điểm di chuyển ong đến lấy mật cũng phải được thực hiện trước đó cả tuần.

Có khi đang “ăn mật” trong rừng cao su ở Đồng Nai, chủ rừng cao su đổi ý không cho để thùng ong nữa là phải di chuyển lên tận Lâm Đồng, Đắk Lắk, nơi có những vườn cà phê đang nở hoa để ong lấy mật.

Hiện nay, giá mật anh Nghĩa thu được bán cho các thương lái khoảng 24 ngàn đồng/ki lô gam. Mỗi thùng một vụ cũng cho từ 10 đến 20 kí lô gam mật. Chỉ cần đầu năm nuôi khoảng 300 thùng, nhân giống đến đến cuối năm được khoảng 500 thùng đi lấy mật là cũng thu ít nhất vài trăm triệu đồng mỗi vụ.

Thức ăn cho ong mật trong giai đoạn dưỡng nhân giống chỉ là đường cát vàng. Ong mật là loại côn trùng sống thành một xã hội bầy đàn. Mỗi đàn ong là một gia đình bao gồm từ vài nghìn con đến vài chục nghìn con.

Song, mọi hoạt động của đàn ong đều do ong chúa quyết định và phẩm chất của ong chúa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống đàn ong. Ong chúa tốt thì đàn ong sẽ phát triển, ong chúa kém chất lượng sẽ làm cho đàn ong kiệt quệ và suy tàn.

Người nuôi ong mật trong thùng có kinh nghiệm là người có khả năng đoán được những căn bệnh của ong mà có phương pháp chữa trị hiệu quả, ngoài ra còn có khả năng làm đàn ong nhân giống tốt.

Nuôi ong bây giờ khó hơn trước

Vườn đào này là nơi "tạm cư" của gần 300 thùng ong mật của gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa - ẢNH: Văn Nam

Anh Nghĩa cho biết, việc nuôi ong bây giờ khó khăn hơn thời anh còn nhỏ theo cha đi khắp nơi để 'quay' mật.

Thời đó, mỗi vụ một thùng ong có khi lấy được trên 20 ki lô gam mật, nay thì có vụ lấy không được 10 kg mỗi thùng. Nguyên nhân được anh Nghĩa cho biết có thể do diện tích cây công nghiệp có hoa đang giảm dần.

Ngoài ra, người trồng cây bây giờ sử dụng nhiều loại thuốc cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe con ong ít nhiều, có khi gần nửa đàn ong đang ăn mật ngon trớn liền lăn quay chết do trúng phải thuốc bảo vệ thực vật phun quá liều.

Cũng có khi gặp thời tiết lạnh quá như ở miệt Lâm Đồng, Bảo Lộc thì ấu trùng ong cũng sẽ chết. Một trong những căn bệnh của ong thường gặp thời gian gần đây đó là ong bị chí (rận), chí bám lên con ong nếu không trị vài ngày ong tự suy yếu dần và chết.

Một số bệnh chủ yếu của con ong thường gặp chính là bệnh thối ấu trùng và bệnh ỉa chảy,  khi ấy bụng con ong trướng lên, sã cánh bò ra cửa tổ. Nhẹ thì làm ong giảm năng suất cho mật, nặng thì có thể làm ong chết cả đàn.

Địa điểm nuôi ong cho nhiều mật quan trọng nhất là phải gần nguồn nước sạch. Gia đình anh Nghĩa có lần suýt mất cả đàn ong do dời đàn đến gần một khu công nghiệp, nơi nguồn nước đã bị ô nhiễm.    

Cơn mưa vẫn cứ dầm dề dưới chân núi Tà Cú heo hút, chỉ có tiếng côn trùng rả rích hòa quyện mùi hương hoa thanh long thoảng bay trong cơn gió chiều. Anh Nghĩa nói khi chia tay chúng tôi: “Đời nuôi ong mật chúng tôi như những kẻ du mục, lần này gặp anh ở đây không biết sẽ gặp lại nhau lần sau ở đâu. Sắp tới, tôi sẽ dời đàn đến một chỗ khác, nơi nhiều cây có hoa hơn”.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới