Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đổi rừng lấy sân golf

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đổi rừng lấy sân golf

Nguyễn Khắc Giang

(KTSG) - Trả lời báo chí, đại diện tỉnh Gia Lai cho rằng rừng thông sẽ không biến mất mà chỉ “di thực” - một uyển ngữ khác thay cho cụm từ dễ hiểu hơn, là bứng cây. Chọn kinh tế và bỏ qua môi sinh về dài hạn sẽ khiến chúng ta mất cả hai.

Đổi rừng lấy sân golf
Rừng thông Đắk Đoa. Ảnh: Báo Gia Lai

Qua những đợt thiên tai thảm khốc vừa qua, bảo vệ môi trường trở thành vấn đề được người dân quan tâm hơn. Từ năm ngoái, nhiều dự án xã hội nhằm “trả nợ rừng” bắt đầu đi vào hoạt động. Người dân ý thức hơn về du lịch sinh thái, lựa chọn những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, và “xét nét” hơn về hệ quả môi trường của các dự án kinh tế. Đây là thay đổi nhận thức rất lớn từ quan điểm chấp nhận đánh đổi môi sinh để tăng trưởng kinh tế vốn thịnh hành từ chục năm đổ về trước.

Nhưng song song với thay đổi tích cực đó, câu chuyện chính sách bảo vệ rừng mới chỉ sôi động trên bàn giấy. Cùng với tăng trưởng kinh tế, cam kết về diện tích rừng trên thực tế giảm dần trong thập kỷ qua. Trong văn kiện đại hội Đảng lần 11 vào năm 2011, mục tiêu che phủ rừng đề ra đến năm 2020 phải đạt 45%. Mục tiêu giảm xuống 42% vào đại hội 12 năm 2016.

Con số này được giữ nguyên cho mục tiêu tới năm 2030 vào đại hội 13. Đáng lo ngại hơn, như nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu, chất lượng rừng trồng “chủ yếu là keo, sinh khối nhanh nhưng độ bền vững, chống chịu thiên tai kém”(1). Ông đề xuất trồng những loại cây bản địa có sức chống chịu tốt hơn.

Khi chúng ta zoom cận cảnh vào Tây Nguyên, có thể thấy rõ rừng bị hủy diệt với tốc độ và quy mô kinh khủng như thế nào sau bốn thập kỷ. Tôi chỉ mong những nhà làm chính sách nhìn qua bức tranh toàn cảnh đó, dù chỉ một lần, khi phê duyệt các dự án đầu tư.

Nhưng đề xuất mang tính chuyên môn và thực tế chính sách nhiều khi có độ vênh lớn. Giống cây chống chịu với thời tiết tốt đến đâu cũng không cưỡng lại nổi cơn khát lợi nhuận. Mới đây dự án sân golf ở Đắk Đoa, Gia Lai.

Đáng nói là để thực hiện, dự án sẽ “chuyển mục đích sử dụng 155,93 héc ta rừng thông cổ thụ sang mục đích khác”. Đây là uyển ngữ của việc biến 156 héc ta rừng thành sân golf.

Trả lời báo chí, đại diện tỉnh Gia Lai cho rằng rừng thông sẽ không biến mất mà chỉ “di thực” - một uyển ngữ khác thay cho cụm từ dễ hiểu hơn, là bứng cây. Chủ đầu tư, tập đoàn FLC, cam kết sẽ trả tiền để trồng bù. Tỉnh cho rằng với cách làm này, địa phương không chỉ hưởng lợi ích kinh tế mà có gấp đôi số rừng hiện tại. Lý lẽ của tỉnh nghe có vẻ thuyết phục nhưng không mấy giá trị trên thực tế.

Thứ nhất, việc giám sát thực hiện nghiêm túc quá trình bứng cây và trồng rừng thay thế hoàn toàn không đơn giản. Ai đảm bảo được những cây thông cổ thụ bứng đi sẽ thích hợp với môi trường mới, và ai chịu trách nhiệm khu rừng thay thế thực sự “thay thế” được giá trị của rừng thông đã mất?

Liệu có lãnh đạo nào dám lấy uy tín chính trị của mình tuyên bố rằng “tôi cam đoan quy trình trên sẽ thực hiện nghiêm túc”? Ngay cả ở thủ đô Hà Nội, nơi hoạt động giám sát của người dân dường như chặt chẽ hơn, những hàng cây bị bứng đi khi làm đường sắt đô thị cũng chết héo trước khi làm quen với cuộc sống mới(2). Xin nói thẳng, khu rừng một khi đã mất đi thì không thể thay thế.

Thứ hai, như lời của nguyên Bộ trưởng Cường, chất lượng của rừng mới và rừng cũ là rất khác nhau. Khu rừng Đắk Đoa tồn tại cả nửa thế kỷ, kinh qua biết bao biến cố từ mưa lũ, và thay đổi địa giới hành chính. Trồng rừng không chỉ lấp liếm màu xanh trên bản đồ là xong. Rừng cần đầu tư lớn không chỉ về công sức và tiền của, mà còn là cam kết dài hạn.

Thứ ba, một dự án gây tranh cãi như vậy đáng lẽ phải tham vấn người dân và chuyên gia cẩn trọng trước khi thực hiện, chứ không phải sau khi được phê duyệt. Có nhiều ý kiến cho rằng xây sân golf sẽ gây xung đột nguồn nước và làm cho vấn đề hạn hán ở Tây Nguyên căng thẳng hơn, chưa kể đến những tổn thất không thể bù đắp về môi sinh.

Tôi không phải là chuyên gia nông nghiệp để đánh giá nhận định đó. Nhưng địa phương, khi có những lo ngại như trên, cần phải đứng ra tổ chức tham vấn và cân nhắc vấn đề kỹ lưỡng với trách nhiệm của mình. Ngược lại, tỉnh Gia Lai thậm chí không gửi hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án cho cơ quan có thẩm quyền là Tổng cục Lâm nghiệp khi xin thẩm định(3).

Địa phương và doanh nghiệp có những lý lẽ về kinh tế cho lựa chọn của mình. Nhưng lựa chọn đó phải phù hợp với lợi ích chung, không chỉ của người dân ở địa phương đó mà còn những nơi chịu ảnh hưởng. Nguồn nước ở đồng bằng sông Cửu Long - nơi chịu hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề trong những năm qua - có một phần lớn đến từ thượng nguồn các nhánh sông ở Tây Nguyên chảy xuống Nam Lào. Ủy hội Mekong (MRC) cho rằng mức đóng góp này là 23%.

Để có nước, cần có cây và rừng. Trong khi đó, Tây Nguyên lại là nơi có tốc độ suy giảm rừng nhanh và nghiêm trọng nhất cả nước trong thời gian qua. Kéo theo đó, theo Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), mực nước ngầm ở Tây Nguyên mỗi năm tụt xuống từ 3-5 mét, trữ lượng nước đã giảm từ 30-35% so với trước. Chọn kinh tế và bỏ qua môi sinh về dài hạn sẽ khiến chúng ta mất cả hai.

Khi chất vấn về độ che phủ của rừng ở Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển nói rằng ông dùng Google Map thì thấy rõ diện tích rừng của Việt Nam thấp hơn các nước xung quanh. Tôi xin phép gợi ý ông Hiển một công cụ mang tính trực quan hơn, là Google Earth Timelapse(4).

Đây là dự án của Google giúp theo dõi biến đổi bề mặt Trái đất từ năm1984 đến nay. Khi chúng ta zoom cận cảnh vào Tây Nguyên, có thể thấy rõ rừng bị hủy diệt với tốc độ và quy mô kinh khủng như thế nào sau bốn thập kỷ. Tôi chỉ mong những nhà làm chính sách nhìn qua bức tranh toàn cảnh đó, dù chỉ một lần, khi phê duyệt các dự án đầu tư.

(1) https://vnexpress.net/do-che-phu-rung-o-viet-nam-thap-hon-cac-nuoc-xung-quanh-4187868.html

(2) https://tuoitre.vn/hon-100-cay-co-thu-o-ha-noi-bi-bung-len-roi-bo-roi-20200605222025932.htm

(3) https://tuoitre.vn/co-nen-doi-rung-lay-san-golf-chu-tich-tinh-gia-lai-noi-khong-co-chuyen-mat-rung-20201219083608967.htm

(4) https://earthengine.google.com/timelapse/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới