Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đòi xét nghiệm liên miên, liệu du khách có chịu đến Việt Nam?

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hôm 2-3, giới kinh doanh du lịch lại nháo nhào trước thông tin Bộ Y tế đề nghị(*) Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ sung một số quy định để kiểm soát dịch bệnh khi mở cửa, theo hướng là du khách quốc tế sẽ phải xét nghiệm nhiều hơn đề xuất của phía du lịch.

Cụ thể, để đến Việt Nam, du khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Trong vòng 24 giờ đầu sau khi nhập cảnh, hành khách ở lại nơi lưu trú, xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu âm tính thì tự theo dõi sức khỏe, dương tính sẽ cách ly, xử lý y tế theo quy định.

Sau 24 giờ kể từ khi nhập cảnh, nếu cần rời khỏi nơi lưu trú, hành khách lại phải làm xét nghiệm SAR-CoV-2 hàng ngày cho đến khi kết thúc 72 giờ.

Trong trường hợp không rời chỗ ở, sau khi đến Việt Nam, khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần, gồm một lần trong ngày đầu nhập cảnh và lần thứ hai vào ngày thứ ba kể từ khi nhập cảnh.

Cơ quan quản lý y tế cũng đề nghị hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh. Trong trường hợp rời đi thì cùng với việc xét nghiệm hàng ngày, khách phải tự theo dõi sức khỏe cho đến khi đủ 10 ngày.

Nếu được áp dụng, quy định này sẽ tạo nên sự phân biệt giữa du khách trong nước và quốc tế. Tại sao cũng là khách du lịch nhưng khách trong nước thì lại không cần bất cứ xét nghiệm nào mà vẫn được thoải mái đi lại, vui chơi và lưu trú khắp mọi nơi còn khách quốc tế thì phải xét nghiệm?

Sự phân biệt này sẽ làm cho khách nước ngoài hoài nghi về tính nhất quán của điểm đến. Du khách đang được chào mời quay lại “Sống trọn vẹn tại Việt Nam” nhưng nếu phải gò bó, xét nghiệm nhiều lần như thế này thì còn gì là "sống trọn vẹn" như thông điệp của ngành du lịch?

Có thể, cơ quan y tế cho rằng, nếu muốn xét nghiệm ít (chỉ hai lần) du khách còn có một lựa chọn khác là ở yên một chỗ trong 72 giờ đầu. Thế nhưng, thực tế của việc thu hút khách quốc tế trong thời gian thí điểm vừa qua đã cho thấy mô hình du lịch khép kín một chỗ là không hiệu quả.

Chẳng có mấy người chịu bỏ hàng ngàn đô la Mỹ, chấp nhận đi một quãng đường dài với nhiều thủ tục phức tạp trong thời dịch để đến Việt Nam rồi ở yên tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong 3 ngày liền (72 giờ).

Đặc biệt, du khách từ các thị trường gần chỉ đi tour chừng 5 ngày, chẳng lẽ họ lại chấp nhận chịu bỏ phần lớn thời gian tour để chỉ ngồi yên một chỗ?

Ngay khi có đề nghị trên của Bộ Y tế, nhiều doanh nhân đã cho biết sẽ không thể bán tour với quy định xét nghiệm và quản lý y tế như thế này. Thế giới đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm dịch, người dân ở nhiều nước đã ung dung "sống chung với dịch" nên sẽ chẳng có ai chịu đến nơi mà họ lại phải đối mặt trở lại với những biện pháp quản lý ngặt nghèo.

Thêm nữa, nếu khách chấp nhận lên đường, chấp nhận xét nghiệm hàng ngày để không phải ở một chỗ thì ai sẽ là người kiểm tra việc xét nghiệm? Nếu doanh nghiệp phải cử thêm nhân sự để hàng ngày phát que thử, chờ xét nghiệm rồi báo cáo kết quả với y tế thì công ty nào cũng sẽ chịu thua. Du lịch rồi sẽ mãi bó tay.

------------

(*) https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-de-xuat-phong-chong-dich-the-nao-de-mo-cua-lai-hoat-dong-du-lich-trong-dieu-kien-binh-thuong-moi-169220301213013294.html

1 BÌNH LUẬN

  1. Đã xác định sống chung với Covid thì không nên lỏng trong nước, chặt nhập cảnh. Bộ Y tế còn bắt các F0 ra phường lấy xác nhận mới được hưởng bảo hiểm. Phát tán dịch ra cộng đồng nhiều hơn. Còn du khách họ đi du lịch đã tiêm đủ liều, TEST PCR trước khi bay, nếu chưa tin thì TEST thêm lần nữa khi nhập cảnh là đủ rồi. Nếu trong thời gian ở nước ta, họ có thành F0 thì đã có bảo hiểm của họ chi trả. Vì ai cũng mua bảo hiểm trước khi đi du lịch. Đơn giản vậy thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới