Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đón cơ hội dịch chuyển đầu tư, Long An ồ ạt phát triển khu công nghiệp mới

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chỉ trong 1 tuần, tỉnh Long An được chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp mới với tổng diện tích đất lên đến hơn 1.100 héc ta nhằm đón đầu dịch chuyển của nhà đầu tư.

Ngoài ra, tại địa phương này mới đây cũng vừa cho khởi công phát triển một khu công nghiệp rộng hơn 300 héc ta với vốn đầu tư hơn 5.300 tỉ đồng.

Long An mở thêm và phát triển nhiều khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư. Trong ảnh là một góc phía trước Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An. Ảnh minh họa: Lê Hoàng

Mới đây nhất, ngày 23-4, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 506/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Prodezi.

Dự án sẽ do Công ty cổ phần Prodezi Long An đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Prodezi có quy mô 400 héc ta được thực hiện tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Vốn đầu tư của dự án là hơn 4.600 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 800 tỉ đồng, vốn huy động hơn 3.804 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày 23-4-2022. Tiến độ thực hiện dự án không quá 60 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Cũng tại địa phương này, trước đó, vào ngày 19-4, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Tandoland; nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tandoland.

Dự án được thực hiện tại xã Lương Hòa và xã Tân Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An với quy mô 250 héc ta. Vốn đầu tư dự án hơn 3.144 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 550 tỉ đồng, vốn huy động hơn 2.594 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Cùng ngày Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Lộc Giang; nhà đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn - Tây Bắc.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Lộc Giang có quy mô 466 héc ta tại xã Tân Mỹ, xã An Ninh Đông và xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Vốn đầu tư của dự án hơn 5.198 tỉ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 779,7tỉ đồng, vốn huy động là 4.418,5 tỉ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm.

UBND tỉnh Long An chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện 3 dự án nêu trên, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Cũng liên quan đến việc phát triển hạ tầng khu công nghiệp, vào ngày 21-4 vừa qua, Công ty cổ phần Đại Lộc Long An đã tổ chức lễ khởi công khu công nghiệp Nam Thuận (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) với diện tích 308ha, kinh phí đầu tư khoảng 5.300 tỉ đồng.

Với những điều kiện thuận lợi về vị trí, hạ tầng… đây là một trong những dự án được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư của Long An. Nơi đây sẽ tiếp nhận các loại hình sản xuất như: nhóm các dự án về điện tử, viễn thông; nhóm các dự án về cơ khí, luyện kim; nhóm dự án về dệt, nhuộm và may mặc; nhóm các dự án về chế biến gỗ, thủy tinh, gốm sứ; nhóm các dự án chế biến thực phẩm, nước giải khát…

Hiện tại, Khu công nghiệp Nam Thuận đã thu hút được 18 doanh nghiệp ký hợp đồng nguyên tắc thuê lại đất vào đầu tư, tổng diện tích gần 30 héc ta, tổng giá trị đầu tư gần 5.000 tỉ đồng.

Toàn tỉnh Long An hiện có 37 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích gần 13.000 héc ta; trong đó, có 16 khu công nghiệp hiện đã đi vào hoạt động, thu hút trên 1.700 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 91,7%.

Long An được đánh giá là có nhiều cơ hội thu hút đầu tư bởi nằm liền kề TPHCM, địa phương hiện nay không còn nhiều đất công nghiệp để sẵn sàng cho thuê và giá đất cho thuê sản xuất tại TPHCM cũng rất cao khiến nhiều nhà đầu tư di chuyển nhà máy sản xuất sang các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, hay Long An...

Long An có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ từ TPHCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh/thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có biên giới, cửa khẩu quốc tế, cảng biển,... Đây là những yếu tố thuận lợi để thu hút nhà đầu tư. Những năm qua, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, đô thị làm động lực cho sự phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới