Dồn dập quyên góp tu bổ nhà thờ Đức Bà Paris
Lê Linh
(TBKTSG Online) - Chỉ một ngày sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra ở nhà thờ Đức Bà Paris, một di sản thế giới có lịch sử 856 tuổi đời, các tỉ phú và doanh nghiệp Pháp cũng như chính quyền TP. Paris cam kết gần 500 triệu euro để tu bổ nhà thờ này.
Kiến trúc độc đáo của Nhà thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy vào chiều tối 15-4. Ảnh: Euronews |
Vụ hỏa hoạn ở nhà thờ Đức Bà Paris ở thủ đô Paris của Pháp, xảy ra vào chiều tối 15-4, theo giờ địa phương. Ngọn lửa cháy liên tục khoảng 8 tiếng đồng hộ trước khi được khống chế, khiến toàn bộ phần chóp cao 96 mét làm bằng gỗ sồi, phủ chì, nặng 750 tấn của nhà thờ sụp đổ hoàn toàn. May mắn, đội lính cứu hóa 400 người đã kịp thời cứu một trong những tháp chuông chính nhà thờ khỏi bị sụp đổ cũng như bảo vệ được các tác phẩm nghệ thuật vô giá và di vật tôn giáo khác bên trong nhà thờ.
Cảnh sát Paris cho biết nguyên nhân của vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn chưa được xác định nhưng có thể có liên quan đến các hoạt động tu sửa đang được tiến hành tại phần chóp của nhà thờ này.
Vụ hỏa hoạn khiến người dân Pháp và thế giới bàng hoàng, xót xa vì công trình đỉnh cao kiến trúc Gothic này khoác trên mình tầm vóc lớn về lịch sử, văn hóa không chỉ đối với nước Pháp mà cả thế giới.
Phát biểu với báo chí khi đến hiện trường của vụ hỏa hoạn vào lúc nửa đêm 15-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ tu bổ Nhà thờ Đức Bà Paris. Ông nói:”Chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng lại nhà thờ này...Bắt đầu từ ngày mai, một chương trình quyên góp quốc gia sẽ được phát động và sẽ mở rộng ra bên ngoài biên giới của chúng ta”.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cam kết sẽ trích ngân sách của thành phố 50 triệu euro để hỗ trợ công tác tu sửa cũng như mở một chiến dịch quyên góp.
Bà viết trên Twitter: “Trong vài tuần tới, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị các nhà tài tài trợ quốc tế và tôi sẵn sàng đón chào họ ở tòa thị sảnh Paris để huy động ngân quỹ cần thiết cho công tác phục hồi (Nhà thờ Đức Bà Paris)”
Valérie Pecresse, Chủ tịch Vùng Île de France (quản lý 8 tỉnh bao gồm Paris) cho biết sẽ cung cấp 10 triệu euro để hỗ trợ khẩn cấp cho Nhà thờ Đức Paris
Ngay trong đêm 15-4, tỉ phú người Pháp François-Henri Pinault, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn hàng xa xỉ Kering, sở hữu các thương hiệu như Gucci và Saint Laurent, cho biết ông và gia đình sẽ hiến tặng 100 triệu euro để giúp tu sửa Nhà thờ Đức Bà Paris.
Ông Pinault cũng là Chủ tịch tập đoàn Artémis, chủ sở hữu hãng đấu giá nghệ thuật lớn nhất thế giới Christie's
Pinault viết trên Twitter: “Cha tôi và tôi quyết định giải ngân từ 100 triệu euro từ các nguồn quỹ của Artémis để tham gia nỗ lực cần thiết cho việc hoàn tất tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris”.
Ông gọi vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris là “một thảm kịch gây rúng động tất cả người dân Pháp và rộng ra nữa là tất cả những người yêu quý các giá trị tinh thần”.
Phần chóp nhọn và mái của Nhà Thờ Đức Bà (vùng có khoanh trắng) bị sụp đổ trong vụ hỏa hoạn đêm 15-4. Ảnh: Washington Post |
Trả lời phỏng vấn hãng tin Euronews hôm 16-4, Pinault nói:”Tối qua, tôi cũng giống như nhiều người Pháp chứng kiến thảm kịch hỏa họan ở nhà thờ Đức Bà ngay trước mắt và tôi cảm thấy sốc. Tôi là một trong tẩt cả mọi người từ trẻ em cho đến người lớn khóc khi nhìn thấy cảnh tượng này và tôi tự nhủ rằng tôi phải làm điều gì đó”.
Hôm 16-4, tâp đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH (Pháp), chủ các thương hiệu như Louis Vuitton, Christian Dior thông báo tập đoàn này cùng với gia đình của tỉ phú Bernard Arnault, Chủ tịch LVMH, sẽ đóng góp 200 triệu euro cho nỗ lực tu bổ Nhà thờ Đức Bà Paris nhằm thể hiện “tinh thần đoàn kết giữa thảm kịch quốc gia”.
Thông báo cho biết LVMH và gia đình của tỉ phú Bernard Arnault sẵn sàng cử các nhóm chuyên gia sáng tạo và tài chính để hỗ trợ công tác tu bổ cũng như kêu gọi tài trợ thêm.
Cùng ngày, Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Total (Pháp) tuyên bố Total dành khoản hiến tặng đặc biệt 100 triệu euro để giúp tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris. Trong khi đó, công ty công ty công nghệ Capgemini, có trụ sở ở Paris, cho biết sẽ hiến tặng 1 triệu euro.
Hôm 16-4, Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cũng lên tiếng kêu gọi 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Pháp khôi phục nhà thờ Đức Bà Paris.
Người phát ngôn trang web gây quỹ GoFundMe cho biết sau vụ hỏa hoạn, có hàng trăm cuộc vận động quyên góp để tu sửa nhà thờ Đức Bà Paris được phát động trên trang web này. Người phát ngôn cam kết sẽ kiểm soát các nguồn quỹ quyên góp này để bảo đảm chuyển chúng đến đúng địa chỉ.
Hiệp hội Di sản Pháp (FHS), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở TP. New York (Mỹ), thông báo đã thành lập quỹ quyên góp tu bổ nhà thờ Đức Bà Paris
Elizabeth Stribling, Chủ tịch Hiệp hội Di sản Pháp, nói: “Nhà thờ Đức Bà không chỉ là một biểu tượng tôn giáo mà còn thể hiện thành tựu và nghệ thuật vĩ đại của con người”.
Trước đây, các chuyên gia ước tính Nhà thờ Đức Bà Paris cần khoảng 150 triệu euro để tu sửa các phần cơ bản trong vòng 30 năm. Tuy nhiên, ngân sách đóng góp của chính phủ Pháp cho hoạt động này chỉ khoảng 1/3 con số trên (2 triệu euro/năm).
Sau vụ hỏa hoạn hôm 15-4, số tiền cần thiết để tu bổ nhà thờ này có thể lên cao gấp nhiều lần so với dự toán trước đó. Cần phải mất nhiều tuần mới có thể thẩm định chính xác thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra.
Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa tự do cho du khách nhưng thu phí 8,5 euro thăm phần tháp và 6 euro thăm khu hầm mộ. Với khoảng 13 triệu du khách ghé thăm mỗi năm, nhà thờ này sẽ thất thu nhiều triệu euro vì phải đóng cửa trong thời gian dài sau vụ hỏa hoạn.
Nhà thờ Đức Bà Paris được khởi công xây dựng vào năm 1163 dưới thời Vua Louis VII của Pháp và hoàn thành phần lớn vào năm 1260 nhưng mãi đến năm 1345, mới chính thức xây dựng xong. Nhà thờ này được xem là đỉnh cao của phong cách kiến trúc trung cổ Gothic với đặc trưng là vòm nhọn, có nhiều cửa sổ với kích thước lớn. Vào thập niên 1790, nhà thờ này bị hư hại nặng do bị đốt phá trong Cách mạng Pháp. Thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris”, của đại văn hào người Pháp Victor Hugo phát hành vào năm 1831, đã thu hút trở lại sự quan tâm của công chúng đối với nhà thờ này. Cuốn tiểu thuyết còn có tên gọi “Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà” theo bản dịch tiếng Anh. Một cuộc trùng tu lớn kéo dài từ 1844 đến năm 1864, đã giúp phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris. Vua Henry VI của Anh làm lễ đăng quang ở nhà thờ Đức Bà Paris vào năm 1431, trong khi đó, Napoleon Bonaparte cũng làm lễ lên ngôi hoàng đế ở nhà thờ này vào năm 1804. Năm 1991, nhà thờ Đức Bà Paris cùng một số công trình kiến trúc lịch sử lân cận đã được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). |
Theo Reuters, CNN