Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đơn giản hóa thủ tục tiếp cận chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau bão số 3

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bão số 3 (Yagi) đã đi quan hơn một tháng, những thiệt hại liên quan cũng đã được thống kê, vấn đề tiếp theo là thực hiện các phương án hỗ trợ như thế nào đạt được hiệu quả.

Trò chuyện với KTSG Online, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chương trình phục hồi tổng thể hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được thiết kế theo hướng đơn giản hóa các thủ tục tiếp nhận để tăng khả năng tiếp cận chính sách, giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh sau bão.

- KTSG Online: Xin ông chia sẻ về quy mô và những ngành/nghề, địa phương được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ? 

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3 là rất lớn, ước tính sơ bộ đến nay là khoảng 81.500 tỉ đồng. Ngay sau bão, Chính phủ và Thủ tướng kịp thời ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, hướng tới hỗ trợ người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng ngay trong tháng 9 và 10-2024. Trong đó, một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với tình hình thực tế.

Tính tới nay, Thủ tướng đã ban hành bảy quyết định chi hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia với giá trị 350 tỉ đồng và 432,5 tấn gạo. Ngoài ra, hỗ trợ 19 tấn hóa chất khử khuẩn môi trường, 3 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs; hạt giống lúa, ngô, rau màu; hóa chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh nông nghiệp... để đảm bảo tuyệt đối không để ai bị đói, rét, không có nơi ở.

Tất cả với mục tiêu nhanh chóng hỗ trợ người dân kịp thời ổn định cuộc sống, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.

Với các gói hỗ trợ vốn, có 35/40 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng với lãi suất ưu đãi với tổng số tiền là 405.000 tỉ đồng, sau chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, khoảng 300.000 tỉ đồng cho vay mới, khôi phục sản xuất - kinh doanh. Hầu hết ngân hàng thương mại cũng chủ động giảm lãi suất cho những khách hàng chịu thiệt hại bởi bão, mà không cần khách hàng đề nghị. Còn Ngân hàng Chính sách xã hội đề xuất bổ sung 4.900 tỉ đồng tín dụng chính sách để hỗ trợ vay vốn, khôi phục sản xuất của người dân vùng bị thiệt hại.

Bên cạnh những hỗ trợ trên, các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ đã cam kết hỗ trợ trên 25 triệu đô la Mỹ cho Việt Nam để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó cam kết hỗ trợ kinh phí 16,7 triệu đô la qua Bộ  với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trực tiếp tiếp nhận hơn 220 tấn hàng cứu trợ, trị giá 2,3 triệu đô la, từ các chính phủ Úc, Thụy Sỹ, Ấn Độ, Nga, Singapore và các tổ chức AHA, JICA, Samaritan's Purse, UNICEF qua đường hàng không. Số hàng hoá này đã được được vận chuyển ngay đến các địa phương, gồm Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ.

Kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đã được phân bổ cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề như Yên Bái (5,1 triệu đô la), Lào Cai (6,7 triệu đô la), Hà Giang (1,4 triệu đô la) và Cao Bằng (1,28 triệu đô la), Thái Nguyên: 42.400 đô la, Bắc Kạn: 337.000 đô la.

Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, cơ quan soạn thảo đã có những chính sách hỗ trợ cụ thể nào?

Chính phủ và Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo các bộ ban, ngành tổ chức các đoàn công tác, huy động chuyên gia, cán bộ khuyến nông cơ sở đến từng hộ dân, cơ sở sản xuất bị thiệt hại, để trực tiếp hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và vật tư cần thiết, nhất là từ dự trữ quốc gia để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ.

Việc đẩy mạnh hợp tác, kết nối giữa các địa phương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tư nhân để huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ khi cần thiết cũng được triển khai, với hơn 100 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ gần 170 tỉ đồng tiền mặt, thức ăn, con giống, chất cải tạo môi trường, vật tư chuồng trại, lồng bè để phục hồi ngành chăn nuôi và thuỷ sản ở khu vực phía Bắc.

Còn quy mô gói tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản được nâng từ mức 30.000 tỉ đồng lên mức 60.000 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp thuỷ - hải sản chật vật duy trì hoạt động sau bão số 3 (Yagi). Ảnh: Đông Bắc.

Bên cạnh những nỗ lực trên, các cơ quan quản lý cũng ban hành các chính sách giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, xây dựng chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi... thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, nguồn cung vật tư đầu vào cho sản xuất và hàng hóa nông sản trên địa bàn, triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng, lợi dụng thiên tai để trục lợi.

Vậy với ngành du lịch, chính sách hỗ trợ được thiết kế ra sao?

Chúng tôi đã xây dựng chính sách hỗ trợ giảm 80% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành; gia hạn nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung, mở rộng đối tượng được hỗ trợ kinh phí trục vớt tàu đắm, khắc phục thiệt hại phương tiện tàu thủy bị chìm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa, sớm đưa vận hành.

Ngoài ra, ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước để hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất.

Với các cơ sở lưu trú, sẽ được áp dụng giá điện ngang bằng với giá điện sản xuất, giúp giảm gánh nặng chi phí, nhanh chóng phục hồi kinh doanh.

Một điểm được cơ quan soạn thảo đề cập là “địa phương không bị ảnh hưởng, có tiềm năng tăng trưởng cao, cần chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp các thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng”, xin ông chia sẻ về điều này?

Trong 9 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với riêng quí 3-2024, mức tăng trưởng GDP 7,4% thuộc nhóm cao nhất trong khu vực ASEAN và thế giới. Tuy nhiên, bão số 3 khiến nhiều địa phương, dù giữ được đà tăng trưởng cao trong quí 3-2024 như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)... nhưng vẫn giảm so với kịch bản đề ra. Từ đó, ảnh hưởng đến tăng trưởng cả năm 2024.

Với xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chủ động, hiệu quả hơn nữa, phát huy tinh thần đột phá, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Đặc biệt, các địa phương lớn như Hà Nội và TPHCM, cần phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quí 4-2024 để giúp tăng trưởng cả nước vượt 7%.

Quy mô và đối tượng thụ hưởng chính sách là không nhỏ, giải pháp gì để các gói hỗ trợ được giải ngân đúng, trúng và kịp thời?

Một số giải pháp đã được cơ quan soạn thảo xây dựng. Thứ nhất, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời giữa các ngành, các cấp, các địa phươn và doanh nghiệp, người dân để nắm bắt đúng nhu cầu cần hỗ trợ, đưa nguồn lực hỗ trợ đến đúng đối tượng trong thời gian ngắn nhất.

Thứ hai, chủ động triển khai các chính sách thuộc thẩm quyền, nhất là các quy định thực hiện trong tình trạng khẩn cấp.

Thứ ba, đơn giản hóa các thủ tục tiếp nhận, chính sách hỗ trợ, để tăng khả năng tiếp cận chính sách của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò đầu mối của đơn vị tổ chức triển khai các chính sách tại địa phương.

Thứ tư, tăng cường công tác đối thoại giữa người dân, doanh nghiệp, làm tốt công tác truyền thông về chính sách để người dân, doanh nghiệp nắm bắt thông tin và chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới