Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đòn giáng của Covid vào ngành du lịch ‘níu chân’ kinh tế toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đòn giáng của Covid vào ngành du lịch ‘níu chân’ kinh tế toàn cầu

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Ngành du lịch đóng góp 10% GDP toàn cầu và trong 5 năm qua, trung bình cứ 4 việc làm mới được tạo ra trên thế giới, du lịch đóng góp 1 việc làm. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, đòn giáng nặng nề của đại dịch Covid-19 vào ngành du lịch sẽ kìm hãm đà hồi phục của kinh tế toàn cầu.

Đòn giáng của Covid vào ngành du lịch ‘níu chân’ kinh tế toàn cầu
Bãi biển ở TP Terracina, Ý vắng khách trong mùa dịch. Ảnh: Bloomberg

Suy thoái du lịch gây tổn thương nền kinh tế toàn cầu

Đóng góp của ngành du lịch đối với nền kinh tế toàn cầu tăng nhanh trong thập kỷ qua nhờ sức chi tiêu tăng lên trong các hoạt động giải trí, bao gồm du lịch, khi tầng lớp trung lưu ở các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, mở rộng nhanh chóng.

Bên cạnh đó, đà tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch giá rẻ cũng đóng góp lớn cho lượng du khách hàng năm.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế (WTTC), ngành du lịch toàn cầu chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu và trong 5 năm qua, ngành này tạo ra 25% số việc làm mới trên thế giới, tức cứ bốn việc mới, có một việc làm đến từ ngành du lịch.

Lamia Kamal-Chaoui, Giám đốc Trung tâm Doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thành phố và khu vực ở Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nói: “Đại dịch Covid-19 đã kích hoạt cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trong nền kinh tế du lịch và điều này gây ra những hệ lụy lớn đối với tăng trưởng kinh tế, việc làm và thương mại dịch vụ quốc tế vốn hỗ trợ cho nhiều cộng đồng địa phương và sự phát triển của các khu vực”.

Ngành du lịch từ lâu là “con bò sữa” đối với một số nền kinh tế phát triển như Hy Lạp, Ý và Tây Ban Nha và trong những năm gần đây, ngành này cũng là nguồn tăng trưởng đặc biệt quan trọng ở các nền kinh tế đang phát triển.

Ở một số nơi trên thế giới, bao gồm Nam Á, Nam Âu và Trung Mỹ, du lịch đóng góp đến 30% GDP.

Nhưng khi du lịch quốc tế được dự báo rơi vào cơn suy thoái tồi tệ nhất kể từ 1950 xét về số lượt du khách lẫn doanh thu, nguồn tăng trưởng đó biến thành nguồn gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu.

Trong tháng 3, tính chung trên toàn cầu, số lượt du khách quốc tế giảm sâu 57% (67 triệu du khách) so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO). Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong tháng 4, nhu cầu đi lại hàng không giảm 94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các dự báo tăng trưởng kinh tế đối với những nước phụ thuộc vào du lịch được điều chỉnh giảm sâu trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo các khu vực phụ thuộc vào du lịch như vùng Caribê đang đối mặt với cơn suy thoái kinh tế sâu nhất trong hơn nửa thế kỷ.

Du lịch nội địa hồi phục trước

Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch và lữ hành đối với GDP của một số nền kinh tế trên thế giới vào năm 2019. Ảnh: Financial Times

Giữa lúc các nước đang sốt sắng khôi phục ngành du lịch, một số nơi bắt đầu phát triển các giải pháp tiềm năng, bắt đầu với du lịch nội địa.

Thành phố bãi biển Tam Á trên đảo Hải Nam (Trung Quốc) là minh chứng cho xu hướng đó. Tỷ lệ lấp đầy phòng ở Tam Á tăng nhanh hơn các điểm du lịch khác ở Trung Quốc, theo dữ liệu Công ty dữ liệu thị trường khách sạn STR.

“Tình trạng gián đoạn các chuyến bay quốc tế biến Tam Á trở thành một trong những sự lựa chọn tốt nhất đối với các du khách yêu thích bãi biển ở Trung Quốc”, Susan Zhang, một lãnh đạo của khu resort Ritz-Carlton Sanya ở Tam Á, nhận định.

Susan Zhang cho biết dù lượng đơn đặt phòng ở Tam Á vẫn thấp hơn mức bình thường nhưng nhờ các chương trình giảm giá để thu hút khách, tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn ở thành phố này đã tăng ít nhất gấp đôi kể từ khi chạm đáy vào hồi tháng 2 khi các lệnh phong tỏa kiểm soát dịch Covid-19 được áp đặt khắp Trung Quốc.

“Ngành du lịch Trung Quốc đã bắt đầu hồi phục khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và các khách sạn tái mở cửa khắp toàn quốc. Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi nhu cầu du lịch nội địa, chủ yếu là từ những người đi du lịch giải trí”, Thomas Emanuel, Giám đốc STR, nói.

Các nước khác bao gồm Mexico cũng đang thúc đẩy du lịch nội địa nhằm bù đắp cho lượng khách quốc tế bị mất mát. Theo Công ty SimilarWeb, trong tuần cuối cùng của tháng 5, lượng truy cập vào trang web của các khách sạn và các nơi lưu trú khác trên toàn cầu tăng 11% so với tuần trước đó, nhưng lượng truy cập vào trang web của các hãng hàng không chỉ tăng 1%.

Trong tháng 5, số chuyến bay nội địa trên toàn cầu cũng tăng mạnh hơn số chuyến bay quốc tế, theo IATA. Đó là các dấu hiệu cho thấy du lịch nội địa đang phục hồi nhanh.

“Do các hạn chế về đi lại quốc tế vẫn còn duy trì nên đối với nhiều người, du lịch trong nước là sự lựa chọn thuận tiện. Rất nhiều điểm du lịch ở vùng nông thôn và vùng sâu có thể được hưởng lợi, ít nhất là trong giai đoạn phục hồi đầu tiên này”, David Goodger, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Oxford Economics, dự báo.

Giới phân tích cảnh báo điều này có nghĩa là các khu vực phụ thuộc vào du khách quốc tế có thể phục hồi khó khăn hơn.

“Cả Mỹ lẫn các nước châu Á đều đón lượng du khách nội địa nhiều hơn du khách quốc tế, do vậy, họ có vị thế thuận lợi hơn để phục hồi so với những điểm đến ở châu Âu, nơi du khách quốc tế chiếm phần lớn”, Goodger nói.

Marina Lalli, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch và lữ hành quốc gia Ý, dự báo lượng du khách quốc tế đến Ý sẽ chưa quay trở về mức 2019 cho đến năm 2023.

Giai đoạn hồi phục tiếp theo sẽ là du lịch khu vực và một lần nữa, châu Á sẽ dẫn dắt xu hướng hồi phục này. Nhiều nước ở Đông Á và Thái Bình Dương đang đàm phán thiết lập các hành lang an toàn để cho phép du khách của họ đi lại trong khu vực đi lại mà không cần trải qua thời gian cách ly bắt buộc.

Giới phân tích nhận định cho dù các nước thành công trong nỗ lực thúc đẩy du lịch nội địa và khu vực thì ngành du lịch sẽ không lấy lại sức mạnh trước đây trong ngắn hạn.

Sự phục hồi du lịch nội địa giúp tỷ lệ lấp đầy phòng trong tháng 5 có sự cải thiện lớn so với tháng 4 nhưng các khách sạn vẫn chỉ hoat động dưới 50% công suất ở Trung Quốc, 1/3 công suất ở Mỹ và chỉ 1/10 công suất ở châu Âu, theo dữ liệu cua STR.

Những nơi như Hải Nam, nơi du lịch bắt đầu phục hồi, cần phải điều chỉnh để phù hợp với một lượng du khách nhỏ hơn.

Tang Xiaoyun, Phó Giám đốc Học viện Du lịch Trung Quốc thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, nói: “TP Tam Á cần phải đổi lối suy nghĩ rằng mục đích của ngành du lịch là phải đón càng nhiều du khách càng tốt”.

Ông cho rằng sự cần thiết tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai sẽ gây ra tác động kéo dài đối với ngành du lịch.

Xiaoyun đề xuất: “Trước các mối ngại về làn sóng Covid-19 thứ hai, giới chức trách địa phương cần phải kiểm soát lượng du khách và tập trung cải thiện chất lượng du lịch”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới