Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Dồn lực xử lý các ổ dịch, tập trung giải pháp phục hồi kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dồn lực xử lý các ổ dịch, tập trung giải pháp phục hồi kinh tế

T.H

(TBKTSG Online) – Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không; cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch. Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu cho các cơ quan, ban ngành về xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Dồn lực xử lý các ổ dịch, tập trung giải pháp phục hồi kinh tế
Yêu cầu mà Chính phủ đặt ra hiện này là dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch và đưa ra các giải pháp trọng tâm nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay sau khi dịch lần 2 xảy ra, Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp chỉ đạo công tác chống dịch trên tinh thần “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”. Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương có dịch đã có các biện pháp cương quyết để ngăn ngừa dịch. Thủ tướng đánh giá cao ngành y tế, quân đội, công an đã có các biện pháp mạnh mẽ, biểu dương các chiến sĩ áo trắng, nhiều địa phương có các biện pháp sáng tạo.

Bên cạnh đó, với chủ trương lớn là không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7. Ông cho biết, đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến cũng như làm việc với một số tỉnh, thành phố lớn (như TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông động lực tăng trưởng.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo kết quả về vấn đề nêu trên khi mà lần đầu tiên sau hàng chục năm chúng ta có khối lượng giải ngân vốn đầu tư tăng kỷ lục như thế trong tháng 7 này. Bên cạnh giải ngân đầu tư công, tháng 7 là tháng mà hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư tư nhân khá tích cực; trong đó, đăng ký vốn FDI mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỉ đô la Mỹ.

Giữ cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động

Với tinh thần thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, tại phiên họp sẽ phân tích thêm sau khi nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp do Covid-19 gây ra, đơn cử kinh tế Mỹ trong quí 2 đã giảm sâu 33%, EU giảm 12,1%. Những đối tác chiến lược lớn của Việt Nam đều suy giảm rất nghiêm trọng. Cùng với việc đó, các nước đều tung ra các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho trường học, cho bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy vậy, các tổ chức quốc tế, những định chế tài chính lớn đều đánh giá khá lạc quan về Việt Nam. Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam dù ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19 nhưng vẫn chịu đựng tốt và sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020 với mức tăng 2,8% và lên 6,8% trong năm 2021; tạp chí The Economist nhận định Việt Nam đang trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh lần 2 ảnh hưởng lớn về kinh tế-xã hội, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành một số chính sách phù hợp với tình hình trong 5 tháng còn lại của năm 2020, nhất là về an sinh xã hội, lao động.

Từ những khó khăn thực tế của nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thêm các biện pháp như làm sao giữ được số doanh nghiệp đăng ký mới, không đổ gãy các loại hình doanh nghiệp.

Một khó khăn mà Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm là trong quí 2 và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%; khu vực thành thị tăng 4,46%; có khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch Covid-19.

Vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại, chúng ta không được chủ quan, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, Thủ tướng nêu rõ, dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.

Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo thêm về những vấn đề đặt ra trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

Ngoài ra, có một vấn đề lớn mà xã hội rất quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Hiện có nhiều ý kiến về vấn đề này. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo thêm với Chính phủ về phương án tổ chức để có một kỳ thi tốt đẹp, an toàn, để người dân yên tâm.

Chính sách điều hành hợp lý, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô

Từ phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế và trong nước, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng hơn đối với kinh tế thế giới, đây là cú sốc lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay. Nhiều nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều, phức tạp. Xu hướng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 không rõ ràng, ẩn chứa nhiều rủi ro, phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh và mức độ thành công trong kiểm soát dịch của từng quốc gia và toàn thế giới.

Xe cấp cứu chở bệnh nhân vào bệnh viện dã chiến. Ảnh: TTXVN

Trong 7 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, toàn diện hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành hợp lý, đã duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn để lại dư địa chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Các chính sách về huy động vốn đầu tư toàn xã hội gồm giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư tư nhân, vốn FDI, chính sách thúc đẩy nhu cầu trong nước, xuất nhập khẩu… được triển khai hiệu quả, góp phần duy trì tăng trưởng dương của nền kinh tế và là động lực tăng trưởng cho giai đoạn tới.

An sinh xã hội được bảo đảm, ổn định an ninh trật tự, đời sống của nhân dân. Đặc biệt, các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được triển khai quyết liệt, đồng bộ giúp tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, dịch Covid -19 tái phát trở lại trong cộng đồng, diễn biến nhanh, phức tạp trong thời gian ngắn, với nguy cơ lây nhiễm cao trên diện rộng đang tác động mạnh đến nền kinh tế và toàn xã hội.

Từ sự phân tích, nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2020.

Theo đó, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư… để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.

Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài, xử lý triệt để bên trong cho đến khi trở lại trạng thái “bình thường mới”. Nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh; không được chủ quan, nâng cao cảnh giác, trách nhiệm và đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch; nâng cao năng lực xét nghiệm, quyết liệt truy vết và cách ly nhanh; bảo đảm cung cấp đủ các hàng hóa thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng tích trữ hàng hoá lương thực, thực phẩm.

Cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng. Tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm…

Các cơ quan chức năng phối hợp kiểm soát chặt các đường mòn trên các tuyến biên giới, người nước ngoài nhập cảnh, tiến hành xử lý nghiêm các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép, kết hợp với việc kiểm soát di chuyển, cách ly trong trường hợp cần thiết đối với cá nhân di chuyển từ vùng đang có dịch đến những vùng khác.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm. Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đề nghị các cơ quan hữu quan quan tâm xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Bên cạnh đó, căn cứ theo tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội.

Trong đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng. Tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm… Trường hợp cần thiết, nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cần thực hiện trong những tháng cuối năm 2020 và cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch để duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội người dân.

Tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới