Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đón Tết trong âu lo, phải chăng Corona đang “thử” chúng ta?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đón Tết trong âu lo, phải chăng Corona đang "thử" chúng ta?

Khánh Lam

(TBKTSG Online) - Thế là dòng tin không mong đợi nhất cũng đã đến vào ngày gần cuối của năm Kỷ Hợi. 29 tháng Chạp, Corona, loại virus gây dịch bệnh viêm phổi cấp đang làm cả thế giới lo sợ đã vào TPHCM, Việt Nam. Thay vì dành trọn vẹn khoảng thời gian Tết để xum vầy với gia đình, nhiều người đã phải hủy ngày nghỉ để lao vào cuộc chống dịch và rất nhiều người khác đang đón Tết cùng với nỗi lo âu về dịch bệnh.

Nếu Corona (khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc) tiếp tục lây lan, liệu chúng ta sẽ chủ động đối phó với dịch đến mức nào và cộng đồng có tiếp tục giữ được bình tĩnh để sát cánh cùng những người có trách nhiệm chống dịch được hay không? Đó là hai trong nhiều câu hỏi được nhắc đến trong những ngày cận Tết.

Đón Tết trong âu lo, phải chăng Corona đang
Chở hoa về nhà đón Tết. Có lẽ, bình an là lời chúc mà nhiều người mong muốn nhất ở cái Tết này. Bình an để sắm sửa Tết, bình an để bước sang năm mới Canh Tý với nhiều vận hội mới và cả những thách thức đang chờ đợi. Ảnh: Khánh Lam

Những gì diễn ra tại Trung Quốc và một số nơi trên thế giới trong những ngày gần đây y như nội dung của một bộ phim về thảm họa. Một dịch bệnh bí ẩn xảy ra ở khu chợ. Số người chết, số người bị nhiễm bệnh tăng lên từng ngày, nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh. Tiếp sau đó là cơ quan y tế công bố dịch, cho biết virus Corona có thể lây từ người sang người và chưa có thuốc đặc trị. Tiếp tục là hàng loạt động thái khác như kích hoạt hệ thống kiểm soát y tế, hủy các chuyến bay, hủy các sự kiện đông người và cả phong tỏa thành phố như Trung Quốc đang làm.

Tết, thay vì chỉ bàn đến chuyện vui chơi, tụ họp thì người ta lại phải nói nhiều đến dịch bệnh; thay vì đăng ảnh hoa, ảnh chợ búa, chùa chiền ngày cuối năm thì mạng xã hội tràn ngập những thông tin về Corona cũng như cách phòng tránh để tự bảo vệ mình.

Mấy ngày nay, cánh phóng viên chắc cũng "bạc mặt" để chạy theo thông tin về dịch bệnh vì Corona không chỉ đe dọa sức khỏe của cộng đồng mà còn tác động xấu đến nền kinh tế. Hôm 23-1 (29 tháng Chạp), thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu đồng loạt giảm điểm khi các thông tin mới nhất cho thấy virus Corona chủng mới gây viêm phổi cấp ở Vũ Hán (Trung Quốc) đang lan nhanh khiến nhà chức trách địa phương phải đóng cửa sân bay, ga tàu, bến phà, trạm xe buýt ở thành phố 11 triệu dân này đã cho thấy nguy cơ đó.

Với những người trực tiếp đối mặt với dịch bệnh như các nhân viên y tế, kiểm dịch, hải quan... thì khỏi nói. Corona khiến cho những ngày Tết của họ hết sức tất bật và căng thẳng. Thậm chí, nhân viên y tế TPHCM còn được yêu cầu không rời thành phố vào dịp Tết để tập trung ứng phó với dịch.

Có lẽ, nhờ kinh nghiệm ứng phó với SARS năm 2003 và các dịch bệnh khác nên lần này, nhà chức trách ứng phó với Corona nhanh hơn. Chính phủ đưa ra thông điệp về tăng cường phòng chống dịch bệnh, không để người dân hoảng sợ và nhanh chóng kiểm tra thuốc men, cơ sở y tế đối phó với dịch; cơ quan y tế cập nhật thông tin về Corona thường xuyên trên trang web chính thức; khuyến cáo phòng bệnh và phác đồ điều trị cũng nhanh chóng được công bố...

Thế nhưng, vẫn còn những kênh thông tin cần thiết cho cộng đồng còn bỏ ngỏ. Đâu đó trên mạng xã hội vẫn lan truyền vô số tin tức mà sau đó các cơ quan chức năng cho rằng thất thiệt. Chẳng hạn, lâu lâu lại thấy có dòng status chia sẻ Corona đã đến tỉnh nào đó hay đại loại như thông tin từ giới thạo tin cho biết ở địa phương kia đã có ca nhiễm (có kèm hình xe bệnh viện chở bệnh nhân đi) nhưng đang bị giấu....

Những thông tin này lập tức được chia sẻ "nhanh như gió" làm nhiều người lo sợ, thậm chí còn đặt câu hỏi về sự minh bạch thông tin và cũng như mức độ sẵn sàng ứng phó của nhà chức trách có đúng như báo chí đưa tin hay không... Nếu cơ quan chức năng xem đây là những thông tin thất thiệt thì việc đưa tin chính xác, những phản ứng tức thì trên mạng xã hội và các kênh thu hút nhiều người dân theo dõi nhất cũng cần thiết như đưa thông tin trên báo chí.

Không phải người dân nào cũng đọc báo nhưng gần như ai cũng có điện thoại, trong đó rất nhiều điện thoại thông minh để có thể đọc tin nhắn hay xem những status (trạng thái) mới trên mạng xã hội. Vì thế, nếu cơ quan chức năng dùng kênh này để truyền tin thì sẽ lan truyền thông tin thẳng đến đích.

Thêm nữa, để người dân an lòng, những khuyến cáo chung chung là chưa đủ mà cần có những thông tin "nặng đô" hơn về độ sẵn sàng của hệ thống y tế, kỹ thuật xét nghiệm chuẩn xác cỡ nào, thuốc men đến đâu, bao nhiêu bệnh viện đã sẵn sàng để đón bệnh nhân, trang thiết bị tốt đến đâu... Trong trường hợp dịch lan rộng thì từng bước mà người dân phải làm theo là gì... Người dân sẽ bình tĩnh khi thấy những biện pháp cụ thể, chi tiết và hữu hiệu để đối phó với dịch của cơ quan chức trách.

Virus Corona vẫn tiếp tục hoành hành. Nó là thực, tác động xấu đến cộng đồng là thực nên chúng ta đang kích hoạt hàng loạt hệ thống để đối phó với dịch bệnh nhưng trong thời đại 4.0, có lẽ việc dùng không gian mạng để "giảm độc lực" của nó cũng là điều nên làm, để người dân có thêm thông tin mà bĩnh tình, chủ động ứng phó. Cứ xem như Corona đang “thử” độ sẵn sàng của chúng ta để có tâm thế vững vàng mà đối phó.

Mong Tết Canh Tý bình yên! 

Mời đọc thêm:

Tết vui vậy mà tụi nhỏ than "có tới 10 điều chán", là sao?

Mất hàng ngàn khách do virus corona, nhiều doanh nghiệp "lên dây cót" ứng phó

Nhiều công ty hủy toàn bộ tour đi Trung Quốc do virus Corona

Sinh viên Việt đón Tết trong bão tuyết ở Canada

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới