Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đòn trừng phạt Nga của phương Tây nắn lại dòng chảy dầu thô toàn cầu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Dầu giá rẻ của Nga đang chảy mạnh đến Trung Quốc và Ấn Độ, khiến các nhà sản xuất ở Trung Đông bao gồm Saudi Arabia phải tìm cách bán nhiều dầu hơn sang châu Âu. Dòng chảy năng lượng toàn cầu đang được vẽ lại sau khi phương Tây liên tiếp tung các đòn trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ của Nga, mà gần đây nhất là việc châu Âu cấm vận dầu nhập khẩu bằng đường biển của Nga cũng như cơ chế áp giá trần với dầu Nga của nhóm cường quốc G7 và các đồng minh.

Một tàu chở dầu thô neo đậu tại cảng Kozmino ở Vịnh Nakhodka gần thành phố Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters

Nga đang bán dầu Urals với giá chiết khấu sâu cho những người mua dầu lớn nhất châu Á trong bối cảnh nước này nỗ lực duy trì thị phần sau khi ban hành sắc lệnh cấm bán dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ cho các nước ủng hộ cơ chế áp giá trần của phương Tây.

Mức giới hạn giá dầu này nhằm ngăn cấm các công ty ở châu Âu cung cấp dịch vụ vận chuyển, tài chính hoặc bảo hiểm cho dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga trừ khi được bán với giá 60 đô la Mỹ/thùng trở xuống. Đây là biện pháp trừng phạt được thiết kế để làm giảm nguồn thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga những vẫn đảm đảo duy trì dòng chảy năng lượng của Nga ra thị trường quốc tế.

Trong khi đó, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các nhà xuất khẩu năng lượng lớn khác ở Trung Đông đang chuyển trọng tâm xuất khẩu từ các thị trường truyền thống của họ ở châu Á sang các nước châu Âu.

Các mối quan hệ thương mại năng lượng lâu đời đang đối mặt với sự gián đoạn khi các nước trên thế giới tìm cách mua đủ nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm nhà cửa, cung cấp năng lượng cho các nhà máy và duy trì sự ổn định kinh tế trong vài năm tới. Việc vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu cũng có khả năng tác động đến các liên minh địa chính trị khi các chính phủ cố gắng thắt chặt các mối quan hệ giúp củng cố an ninh năng lượng của họ.

Moscow đang tìm cách giảm nhẹ tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách giảm giá bán dầu, giành thêm thị phần ở Trung Quốc và Ấn Độ, những nước không tham gia cơ chế áp trần giá dầu của phương Tây. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), kể từ cuối tháng 11, Nga đã bán dầu thô Urals với giá thấp hơn tới 17 đô la Mỹ mỗi thùng so với mức giá trần đặt ra của phương Tây.

Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của Công  ty tư vấn thị trường dầu Energy Aspects, có trụ sở tại London, nhận định ngay cả khi giá dầu tăng lên 100 đô la Mỹ/thùng, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có thể tiếp tục mua dầu của Nga nếu họ có thể tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm khác từ các công ty của chính họ.

Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã vượt mặt Saudi Arabia vào tháng 11. Nga đã xuất khẩu 1,9 triệu thùng/ngày sang Trung Quốc trong tháng 11, tăng 16,5% so với một năm trước, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Saudi Arabia đạt 1,61 triệu thùng/ngày trong cùng tháng, giảm 11% so với một năm trước đó.

Theo nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler, các chuyến hàng dầu thô của Moscow đến Ấn Độ tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 11, so với chỉ 36.000 thùng/ngày của một năm trước đó. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang tăng xuất khẩu sản phẩm nhiên liệu được chế biến từ dầu của Nga sang Liên minh châu Âu (EU).

Không phải tất cả người mua ở châu Á đều đang xếp hàng để mua dầu giảm giá của Nga. Các đồng minh của Mỹ ở khu vực này gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan hầu như đã ngừng nhập khẩu dầu từ Nga.

Hôm 23-12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã cho biết một số sản phẩm dầu của Moscow cũng đã được chuyển hướng đến châu Phi và Mỹ Latin. Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời ông nói: “Các nguồn năng lượng của chúng ta đang được chuyển hướng sang thị trường của các nước thân thiện”.

Oman, UAE, Morocco, Nigeria, Senegal và Brazil đã mua dầu diesel và xăng giá rẻ của Nga trong những tháng gần đây, dù trong một số trường hợp, chính họ cũng là nhà sản xuất dầu thô.

Khi xuất khẩu của Nga ép giá năng lượng giảm xuống tại các thị trường lớn nhất châu Á, Saudi Arabia và các nhà sản xuất dầu thô lớn khác ở Trung Đông chuyển một phần dầu xuất khẩu của họ từ Trung Quốc và Ấn Độ sang châu Âu.

Động thái này đánh dấu sự đảo ngược mạnh mẽ của Saudi Arabia sau nhiều năm tập trung vào việc mở rộng thị phần xuất khẩu ở Trung Quốc và Ấn Độ, từng được coi là thị trường tăng trưởng duy nhất. Saudi Arabia là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho EU trong quí 3, chiếm 9,1% thị phần nhập khẩu mặt hàng này của khu vực, so với mức trung bình 5,1% vào năm ngoái, theo Văn phòng Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat).

Kpler cho biết hầu hết các chuyến hàng dầu thô của Saudi Arabia đến Ai Cập được tái xuất sang châu Âu qua kênh đào Suez, đạt gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11, tăng từ 600.000 thùng/ngày trong tháng 10 và 866.000 thùng/ngày vào một năm trước đó.

Tại Ba Lan, Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí nhà nước của Saudi Arabia, đã đồng ý tăng nguồn cung cho PKN Orlen, công ty năng lượng hàng đầu của Ba Lan, lên 337.000 thùng/ngày vào năm tới. Con số đó cao hơn nhiều so với 220.000 thùng/ngày mà Nga đã xuất khẩu bằng đường ống sang Ba Lan vào năm 2021.

Saudi Aramco cũng cam kết cung cấp hơn 100.000 thùng dầu mỗi ngày cho Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp, nước sẽ sử dụng chúng để thay thế các thùng dầu đã bị cấm nhập khẩu của Nga. Theo các quan chức của Pháp và UAE, hồi tháng 7, TotalEnergies đã ký một thỏa thuận với Công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi (Adnoc) của UAE để mua 300.000 tấn dầu diesel mỗi tháng, tương đương 75.000 thùng dầu mỗi ngày, trong trường hợp xảy ra tình trạng thiếu hụt dầu diesel ở Pháp.

Trong những tháng gần đây, Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, đã báo hiệu rằng nước của ông sẽ cung cấp nhiều dầu hơn cho châu Âu. “Chúng tôi đang hợp tác với rất nhiều chính phủ, ví dụ như Đức, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Croatia, Romania và những nước khác”, Abdulaziz cho biết tại một sự kiện hồi tháng 10.

Đức tuyên bố sẽ không mua dầu từ Nga được vận chuyển bằng bất cứ phương tiện nào bắt đầu từ tháng 1, đồng thời cho biết sẽ mua dầu thô từ Kazakhstan để thay thế nguồn cung sẽ mất từ Nga.

Với việc thị trường dầu mỏ dường như vẫn đang được điều chỉnh theo mức giá trần và mối đe dọa trả đũa của Nga, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), do Saudi Arabia dẫn đầu, cho biết họ thấy không cần thiết phải đảo ngược quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày đang áp dụng hiện nay.

Theo Kpler, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga giảm 22% trong tháng 12 so với mức trung bình trong 11 tháng đầu năm 2022. “Nga sẽ không thể thay thế hoàn toàn những khách hàng mua dầu thô ở châu Âu”, Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của Energy Aspects, nhận định.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới