Thứ Tư, 7/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đơn vị thụ hưởng phải có quyền lựa chọn công nghệ

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong vài tuần qua, người dân nhiều tỉnh phải mệt mỏi chờ đợi vì hồ sơ đất đai ùn tắc do hệ thống dữ liệu đất đai VBDLIS bị gián đoạn. Điều này lẽ ra đã không xảy ra nếu các tỉnh có thể đấu thầu lựa chọn giải pháp theo nhu cầu của mình thay vì gần như phụ thuộc hoàn toàn vào VBDLIS.

Hệ thống thông tin đất đai VBDLIS do Tập đoàn Viettel triển khai, vận hành trong khuôn khổ dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (viết tắt VILG) do Ngân hàng Thế giới tài trợ, triển khai năm 2017 và kết thúc năm 2022. VBDLIS được dùng tại 36 tỉnh thành trên toàn quốc từ tháng 1-2021 gồm 28 tỉnh thành thuộc dự án VILG và 8 tỉnh ngoài dự án này.

Hệ thống này kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin cơ quan thuế, hệ thống hành chính công, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đất đai.

Trong giai đoạn 2017-2022 thì tiền thuê hệ thống VBDLIS của 28 tỉnh thành do Ngân hàng Thế giới thông qua dự án VILG và 8 địa phương khác ngoài dự án được dùng miễn phí. Từ năm 2023 thì 36 tỉnh thành tiếp tục sử dụng miễn phí và đến giữa năm 2023 phía Viettel gửi văn bản đề nghị các địa phương ký hợp đồng thuê hệ thống VBDLIS. Đến tháng 6-2024, đơn vị này thông báo chỉ cung cấp miễn phí VBDLIS ba ngày/tuần và sẽ chấm dứt cung cấp từ đầu tháng 10 tới(1).

Do lượng hồ sơ làm thủ tục hành chính về đất đai của người dân khá nhiều nên khi chỉ vận hành hệ thống VBDLIS ba ngày/tuần, tình trạng chậm trễ trong giải quyết hồ sơ đã xảy ra. Không chỉ người dân vất vả chờ đợi mà công chức giải quyết hồ sơ cũng bị áp lực thời gian và khối lượng công việc dồn lại đè nặng.

Là doanh nghiệp, việc thu phí sử dụng hệ thống VBDLIS của Viettel là chuyện không phải bàn cãi vì họ không thể miễn phí thêm sau khi nguồn thu từ dự án thông qua tài trợ của Ngân hàng Thế giới không còn nữa.

Tuy nhiên, việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đã làm hết trách nhiệm khi sớm phát hành văn bản nhắc các địa phương chủ động liên hệ thuê hệ thống VBDLIS hay tìm giải pháp khác thì cũng chưa thuyết phục. Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Đất đai 2024 và các nghị quyết trước đó, trách nhiệm lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ thuộc về các địa phương. Các địa phương phải tự chủ động, không liên quan gì đến trung ương trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin hay nâng cấp phần mềm(2).

Lập luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường không sai nhưng có hai vấn đề cần tranh luận. Một là Luật Đất đai 2024 chỉ mới được Quốc hội thông qua và phải đến tháng 8 này mới có hiệu lực. Vì vậy, không thể lấy quy định của một luật chưa có hiệu lực để làm cơ sở pháp lý cho một việc đã diễn ra hàng năm trước đó.

Vấn đề thứ hai, quan trọng hơn, thủ tục hành chính về đất đai là một dịch vụ công hết sức thiết yếu và bắt buộc phải có sự tham dự chặt chẽ của Nhà nước cấp trung ương. Đó khômg phải là một phần mềm kế toán mà cho rằng đã có quy định “địa phương tự chủ động, không liên quan gì đến trung ương trong việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin hay nâng cấp phần mềm” là xem như xong trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra cũng cần nhắc lại, khi triển khai dự án VILG năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng về cơ chế đầu tư xây dựng VBDLIS theo hình thức xây dựng – sở hữu – kinh doanh (dự án BOO). Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt thì các địa phương được sử dụng VBDLIS miễn phí.

Tuy nhiên, đến tháng 6-2023, bộ lại có công văn thông báo dừng triển khai cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo hình thức BOO và yêu cầu các địa phương lựa chọn tìm giải pháp, chẳng hạn như thuê VBDLIS để tiếp tục sử dụng(3). Chính sự thay đổi này cũng góp phần khiến các địa phương rơi vào tình thế bị động trong việc tìm giải pháp thay thế VBDLIS.

Với trách nhiệm được Chính phủ giao phó, lẽ ra ngay từ khi dự án VILG bắt đầu, các đơn vị có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thiết kế ra một bộ quy chuẩn kỹ thuật đầy đủ về kết nối dữ liệu đất đai quốc gia.

Các doanh nghiệp phần mềm lớn trên toàn quốc muốn phát triển phần mềm có thể đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nhận bộ quy chuẩn này, dựa theo đó để thiết kế ra những hệ thống quản lý thông tin đất đai. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là kiểm tra về mặt nghiệp vụ và cấp chứng nhận hợp chuẩn cho loại phần mềm rất đặc thù này.

Nếu có tầm nhìn dài hạn như vậy, cả nước sẽ có vài hệ thống tương tự VBDLIS để các địa phương có thể tổ chức đấu thầu, lựa chọ theo nhu cầu sử dụng của mình thay vì bị rơi vào thế kẹt về thủ tục và bị động như hiện nay do phải phụ thuộc vào VBDLIS.

Suy cho cùng, là đơn vị thụ hưởng thì các địa phương phải được quyền lựa chọn công nghệ phù hợp, có thể tổ chức đấu thầu cạnh tranh để tìm giải pháp phục vụ tốt nhất cho người dân.

Để có thể làm điều này thì vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường là then chốt chứ không phải chỉ ra văn bản nhắc nhở các tỉnh là xong trách nhiệm. Nếu có thể lựa chọn công nghệ, các tỉnh đã không phải nơm nớp lo sợ bị ngắt kết nối hệ thống dữ liệu đất đai như hiện tại.

————————————

(1) https://tuoitre.vn/vu-nhieu-tinh-lo-bi-ngat-du-lieu-dat-dai-cac-bo-huong-dan-gi-cho-dia-phuong-20240711163815913.htm

(2) https://tuoitre.vn/nguy-co-dong-bang-ho-so-nha-dat-vi-quen-dung-phan-mem-mien-phi-20240710081931725.htm

(3) https://tuoitre.vn/vu-nhieu-tinh-lo-bi-ngat-du-lieu-dat-dai-cac-bo-huong-dan-gi-cho-dia-phuong-20240711163815913.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới