Đông Á nóng bỏng
Ngô Minh Trí
![]() |
Khói đen bốc lên từ đảo Yeonpyeong sau trận pháo kích của Bắc Triều Tiên. Ảnh: AFP. |
(TBKTSG) – Khi đang chăm chú theo dõi những căng thẳng trên biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc, thì cả thế giới bỗng bất ngờ trước hành động tấn công Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên. Tuy điều đó cho thấy Đông Á luôn nóng bỏng với những mối quan hệ chằng chịt, nhưng thực tế chính những điều bất ngờ này giúp hạ nhiệt những căng thẳng khác.
Sau khi Nhật Bản trao trả thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng của Trung Quốc, chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan bị giảm sút tín nhiệm trầm trọng. Nhiều người cho rằng ông Kan đã chùn tay trước áp lực từ Bắc Kinh, vài cuộc biểu tình mới đây vẫn còn diễn ra rải rác tại Nhật Bản. Sau đó, khi đoạn video ghi lại cảnh va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật Bản được tung ra thì nhiều người Nhật giận dữ hơn nữa vì họ cho rằng tàu cá Trung Quốc đã cố ý đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản.
Có thể, đó chính là nguyên nhân cốt yếu khiến cho chính quyền Tokyo bắt đầu tỏ ra cứng rắn. Mới đây, tờ Yomiuri Shimbun dẫn lời từ Cục Phòng vệ Nhật Bản rằng Tokyo đang xem xét điều 200 quân đến đảo Yonaguni, nằm ở cực Tây của Nhật Bản và cách Đài Loan 100 ki lô mét về hướng đông. Sau đó, tờ Nikkei cũng đăng tin rằng Tokyo đang có kế hoạch chuyển 100 quân đến đảo trên vào đầu tháng 4-2014. Các nguồn tin đều cho rằng việc điều quân của Nhật Bản là một trong những động thái rõ ràng nhất trong việc giám sát hoạt động của Hải quân Trung Quốc.
Mặc dù các thông tin về việc Nhật Bản điều quân chưa được xác nhận chính thức nhưng cũng đủ sức làm cho quan hệ Nhật – Trung thêm căng thẳng. Tờ Businessweek đã dẫn lời ông Jeff Kingston, Giám đốc Trung tâm châu Á học của Đại học Temple, rằng: “Nhật Bản có thể còn gây tổn hại thêm nữa mối quan hệ với Trung Quốc, vốn dĩ đã sờn rách, nếu họ chuyển lực lượng quân sự đến gần vùng đảo tranh chấp hơn”. Ông Kingston cũng có cùng nhận định với nhiều chuyên gia khác là: “Tại Yokohama cả hai bên đã không thể giảm bớt căng thẳng”.
Quả thực như vậy, Trung Quốc cũng tỏ ra không chịu thua kém khi điều tàu tuần tra có trang bị trực thăng đến gần vùng đảo tranh chấp để thực hiện nhiệm vụ mà họ gọi là tuần tra và bảo vệ chủ quyền biển. Động thái của cả hai bên khiến cho thế giới lo ngại xung đột Nhật – Trung sẽ vượt tầm kiểm soát, và nguy hiểm hơn có khả năng bùng nổ xung đột quân sự giữa hai bên.
* * *
Trong khi cả thế giới đang dõi mắt ngóng theo quan hệ Trung – Nhật thì Bắc Triều Tiên đã bất ngờ tấn công Hàn Quốc bằng đợt bắn hơn 200 quả đạn pháo vào đảo Yeonpyeong, cách đường biên giới trên biển 3 ki lô mét về hướng Hàn Quốc. Vụ tấn công bất ngờ chiều 23-11 đã khiến cho cả thế giới giật mình nhận ra rằng “núi lửa” Đông Á vẫn còn âm ỉ với những cơn chấn động từ bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến người ta có thể tin rằng sẽ không có một va chạm quân sự lớn hơn giữa hai bên, ngược lại đợt “phun trào” bất ngờ này có thể khiến cho Trung Quốc mềm dẻo hơn trong các vấn đề khác, nhất là với va chạm đang gia tăng lên với Nhật Bản.
Có nhiều lý do để giải thích cho hành động bất ngờ từ phía Bắc Triều Tiên. Lâu nay, Bắc Triều Tiên vẫn thường có các hành động mà Bình Nhưỡng cho là để “cảnh cáo” Seoul. Mới đây thôi, Bình Nhưỡng đã không ngần ngại công khai hàng ngàn máy ly tâm chuyên làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng đưa ra những lời đe dọa mạnh mẽ để ngăn cản quân đội Hàn Quốc thực hiện các cuộc tập trận ở gần khu vực biên giới. Hơn thế nữa, nhiều chuyên gia cho rằng hành động gây hấn vừa rồi có ý thúc ép các nước quay trở lại bàn đàm phán sáu bên đang bị bế tắc.
Quả thật, Bắc Triều Tiên chắc khó có thể tạo ra một cơn dấy động can qua, vì Trung Quốc không muốn Đông Á nóng hơn nữa trong thời điểm mà Bắc Kinh đang phải giải quyết những bất đồng với Tokyo cũng như Washington đang ra sức gầy dựng uy thế trở lại ở châu Á.
Sau va chạm trên biển Hoa Đông, nhiều chuyên gia cho rằng sự “mạnh tay” của Bắc Kinh mở ra cơ hội cho Washington quay trở lại châu Á. Mới đây, khi Bắc Triều Tiên công khai các máy chế tạo vũ khí hạt nhân thì Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young tuyên bố Seoul có thể nhờ Washington triển khai trở lại vũ khí hạt nhân để bảo vệ Hàn Quốc. Mặc dù ai cũng hiểu là Seoul không cần yêu cầu bảo vệ từ Hoa Kỳ vì hàng ngàn quân Mỹ vẫn đang đồn trú tại Hàn Quốc và cam kết bảo vệ Hàn Quốc trong tình huống bị tấn công. Nhưng nếu Hoa Kỳ, với sự đề nghị từ Hàn Quốc, triển khai vũ khí hạt nhân ngay sát nách Trung Quốc thì chắc chắn Bắc Kinh sẽ mất ăn mất ngủ. Chính vì thế, Bắc Kinh sẽ không để cho Bình Nhưỡng hành động quá trớn để tạo điều kiện cho Hoa Kỳ mở rộng hoạt động tại châu Á.
Ngoài ra, một ý kiến khác, cũng đáng quan tâm, đó là Bình Nhưỡng làm thế chỉ để phục vụ cho việc chuyển giao quyền lực từ ông Kim Yong-il sang Kim Yong-Un. Khi rộ lên tin đồn về việc ông Kim Yong-Il sẽ chọn Kim Yong-un làm kế vị, Bình Nhưỡng cũng đã bất ngờ thử nghiệm tên lửa đạn đạo, bất chấp phản đối từ thế giới lẫn đồng minh thân cận là Trung Quốc.