Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn, mặn
Trung Chánh
Các địa phương trong vùng ĐBSCL tập trung cứu lúa, giải quyết nước sinh hoạt cho người dân. Trong ảnh là một thửa ruộng bỏ khô vì hạn của người dân vùng ĐBSCL - Ảnh: Trung Chánh |
(TBKTSG Online) – Tuy chưa phải là cao điểm của mùa khô năm 2016, nhưng hạn, mặn đã làm thiệt hại hàng chục ngàn héc ta lúa và gây thiếu nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước tình hình đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương vùng này đã triển khai nhiều giải pháp cứu lúa và cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, cho biết hạn, mặn đã gây thiệt hại nặng đến hoạt động sản xuất lúa đông xuân và gây thiếu nước sinh hoạt ở các huyện phía Đông của tỉnh.
Cụ thể, tính đến thời điểm này, đã có khoảng 660 héc ta lúa đông xuân tại các huyện Gò Công Đông và một phần diện tích ở huyện Gò Công Tây bị thiệt hại. “Riêng ở huyện Tân Phú Đông, hạn, mặn cũng làm thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân nơi đây”, ông Hóa cho biết.
Trước đó, báo cáo của ngành NN&PTNT tỉnh Kiên Giang với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Bộ trưởng Cao Đức Phát làm trưởng đoàn cho thấy tính đến đầu tháng 2-2016, tại các huyện An Biên, An Minh của tỉnh Kiên Giang có khoảng 34.000 héc ta lúa bị chết, ảnh hướng đến đời sống của khoảng 14.250 hộ nông dân.
Theo nhận định của ngành NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, với tình hình thời tiết bất lợi như nắng nóng xuất hiện nhiều và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, thì diện tích lúa bị thiệt hại ở các huyện An Biên và An Minh sẽ còn gia tăng, thậm chí huyện Gò Quao cũng có thể có đến cả chục ngàn héc ta lúa bị thiệt hại do hạn, mặn.
Trong khi đó, dù Hậu Giang chưa có thiệt hại nào đáng kể đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhưng ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết hai đợt triều cường vào ngày 17-12 âm lịch và 29 đến 1-1 âm lịch vừa qua đã đẩy nước mặn xâm nhập rất xâu vào khu vực nội đồng của địa phương.
Cụ thể, theo ông Đồng, nước mặn từ biển Đông đã lấn qua khỏi tỉnh Sóc Trăng và xâm nhập đến huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy của tỉnh Hậu Giang. “Đây là lần đầu tiên nước mặn xâm nhập vào tới hai địa phương này, tuy nồng độ mặn chưa cao lắm”, ông cho biết.
Theo dự báo của ông Đồng, từ tháng 3-2016, tình hình hạn, mặn sẽ còn diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với hiện nay.
Trước diễn biến như vậy, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Theo ông Đồng, đối với nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân, tỉnh Hậu Giang sẽ cho khai thác thêm một số giếng khoan để bổ sung nước ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Còn về sản xuất nông nghiệp, thời vụ sản xuất lúa hè thu sẽ được chuyển qua tháng 5-2016, thay vì là tập trung xuống giống vào tháng 3 và 4-2016 để tránh đợt hạn, mặn cao điểm.
“Còn giải pháp về công trình, chúng tôi lấy nước nội đồng là chính, tức là chỗ nào cạn thì vét sâu, chỗ có cống thì sử dụng để trữ nước ngọt và chỗ không có cống, thì chúng tôi thực hiện mô hình là làm đập cao su bằng cách lấy tấm bạt để ngăn nước mặn khi triều cường lên và xả mặn khi triều cường xuống”, ông Đồng cho biết.
Trong khi đó, ông Hóa của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết đối với khu vực thiếu nước ngọt sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông sẽ cho triển khai mở các vòi nước công cộng để người dân sử dụng và chuyển nước bằng xà lan từ nơi khác đến. “Còn đối với lúa đông xuân của dự án ngọt hóa Gò Công, là khu vực có nguy cơ thiệt hại nặng bởi hạn, thì địa phương đang tập trung bơm chuyền nước ngọt để nông dân bơm đưa nước lên ruộng cứu lúa”, ông Hóa cho biết.
Dự kiến ngày 17-2 tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL tổ chức một hội nghị để bàn giải pháp ứng phó với tình hình diễn biến phức tạp của hạn, mặn đang diễn ra ở khu vực này.