(KTSG) - Đồng bằng có gì vui mà bạn cứ đòi về chơi hoài vậy? Câu hỏi này được người đồng bằng tự vấn mình rồi cũng như bao nhiêu người khác, vì quá quen thuộc với quê mình nên không biết có điều gì mới lạ và hấp dẫn bạn bè không. Bạn bè ở xa, mang nhiều tâm thế của một người khách du lịch thì nghĩ khác. Mọi thứ ở đồng bằng đều mới mẻ và xa lạ với những người ở đô thị hoặc ở miền núi cao.
- Quy hoạch đô thị Đồng bằng sông Hồng theo mô hình TOD
- Lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt đỉnh từ ngày 30-9 đến 2-10
Diện tích mặt nước ở đồng bằng sông Cửu Long không ít hơn diện tích mặt đất, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Nên thủy sản ở đồng bằng vừa đa dạng về chủng loại vừa dồi dào về sản lượng. Các loại cây trên bờ dưới nước cũng phong phú tốt tươi. Riêng mấy món rau dưới nước đủ làm cái lẩu mắm ăn “hết sẩy”. Rau dưới nước gồm bông súng, bông điên điển, bồn bồn, ngó sen, kèo nèo, rau đắng, rau nhút… Khi trời sa mưa, hạt giống nảy mầm và từ các cánh đồng, các con sông, các ao đầm, cây thủy sinh mọc lên và đơm hoa thật đẹp.
Đâu chỉ có thế, đồng bằng là nơi thiên nhiên trong lành, con người thân thiện, cuộc sống bình yên, nhẹ nhàng như cơn gió mà cũng bay bổng như cánh chim, có thể chữa lành những thương tổn mà đời người chẳng may gặp phải. Nhớ hồi đại dịch Covid-19, tôi về quê ở Cà Mau nghỉ ngơi một thời gian, thấy yên bình quá đỗi. Vật giá vốn còn rẻ nên chi phí sinh hoạt hàng ngày không đáng kể. Đi du lịch ở đồng bằng, chọn chỗ cây nhà lá vườn để dùng thì tiêu chí ngon - bổ - rẻ được đáp ứng ngay.
Tiếng vọng đồng bằng là tiếng vọng từ lịch sử. Đó là những chiến khu và làng rừng mang dấu ấn quá khứ và nhắc nhớ những chiến công oanh liệt của tiền nhân. Đó cũng là nơi đã được khẩn hoang mà nay được lưu dân định cư và làm nên môi trường sống mới. Nhưng thấp thoáng trong giọng nói và thẳm sâu trong suy nghĩ, tính cách của người lưu dân đi khẩn hoang vùng đất mới vẫn còn. Đó là sự hào sảng đặc trưng Nam bộ trong sinh hoạt, giao tiếp, trong việc chi tiêu và trong quan niệm sống.
Có thể khi đi đến một vùng đất mới, những ràng buộc của nơi cũ không còn nữa mà gánh tâm tư đã rất nhẹ nhàng. Từ đây, người ta sống nhiều cho hiện tại và chỉ nghĩ tới tương lai, nên việc vun đắp, xây dựng cho cái mới mới là quan trọng. Dân đồng bằng thích giao du và học hỏi nên hiếu khách lắm. Đây là nét tính cách sẽ còn thu hút khách du lịch dài lâu vì sự hiếu khách đó là sợi dây vô hình đầy sức mạnh để kết nối với khách du lịch khi có dịp.
Văn hóa đồng bằng cũng rất đặc trưng. Đặc biệt là âm nhạc. Người đồng bằng yêu vọng cổ và hát vọng cổ rất hay. Tiếng hát từ trái tim nên dễ đến với trái tim. Người phương xa khi biết dân miền Tây đều muốn nghe anh/chị ấy hát vài câu vọng cổ. Vì vậy mà những nơi tổ chức du lịch ở miền Tây thường có dàn nhạc cổ hoặc một vài cây đờn, hay loa kẹo kéo để phục vụ khách phương xa món giải trí bên cạnh những món ẩm thực đặc trưng của xứ sở mình. Vọng cổ vừa ngọt vừa mùi, ôi thôi, nghe mãi chẳng muốn rời. Vì tấm chân tình lắng đọng từ biết bao vui buồn cuộc sống, mà lại được hành văn trau chuốt, được cất lên từ làn hơi thở yêu thương nên cung bậc cứ thế mà quyện lấy người trên tiệc. Thêm một chút men rượu nồng, không trở lực nào ngăn cản nỗi cảm giác thăng hoa trong một buổi du ngoạn nơi đất lạ.
Khách rời miền đồng bằng bao giờ cũng đầy bịn rịn, như con nước dùng dằng chẳng muốn trôi nhanh. Nay đường đã hoàn thành, cầu đã xây xong, cá dưới sông quẫy đuôi thao thức đợi. Bông điên điển vàng, cánh sen hồng và bồn bồn trắng hẹn mùa mưa để đón khách về và sau buổi hẹn hò lại ngóng chờ ngày khách quay trở lại!