Thứ ba, 15/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Động đất siêu trượt Myanmar nhắc nhở việc ứng phó

Hoàng Xuân Phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trận động đất có cường độ 7,7 độ Richter ở Myanmar vào trưa 28-3 là một loại hiếm gặp, được gọi là động đất siêu trượt hay siêu cắt (supershear earthquake). Sự xuất hiện của loại động đất này nơi đứt gãy Sagaing là điều đáng sợ, bởi nó sẽ kích hoạt siêu cắt ở những nơi đứt gãy lớn khác trong vùng. Việt Nam mặc dù rất xa tâm chấn, nhưng những ảnh hưởng đã khá rõ rệt. Điều này buộc chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng phó.

Động đất siêu trượt Myanmar làm ảnh hưởng đến cả những thành phố ở Việt Nam.

Trận động đất siêu trượt hôm 28-3 vừa qua xảy ra dọc theo đứt gãy Sagaing - một đứt gãy lớn ngăn cách mảng Ấn Độ và mảng Sunda - trượt ngang băng qua Myanmar, gồm hai mảng lục địa di chuyển ngược chiều nhau - một theo hướng Bắc, một theo hướng Nam - với tổng chiều dài vào khoảng 1.400 ki lô mét với độ trượt 18-49 mi li mét mỗi năm. Đứt gãy Sagaing chạy qua hoặc gần các thành phố lớn bao gồm Yangon, Naypyidaw và Mandalay. Trước đó, nhiều trận động đất lớn đã diễn ra dọc theo đứt gãy này vào tháng 5-1930 (7,3 độ Richter), tháng 10-1930 (7,5 độ Richter), năm 1931 (7,5 độ Richter), năm 1946 (7,3 và 7,7 độ Richter), năm 1956 (7 độ Richter), năm 1991 (6,9 độ Richter), và năm 2012 (6,9 độ Richter).

Phạm vi dịch chuyển của trận động đất hôm 28-3 vào khoảng 400 ki lô mét, và lần đầu tiên các nhà khoa học nhận thấy hiện tượng siêu trượt diễn ra, hướng về phía Nam kể từ tâm chấn nằm sâu 10 ki lô mét bên dưới vùng đất Sagaing thuộc miền Trung Myanmar. Siêu trượt là hình thức động đất khủng khiếp, tàn phá tức thì và để lại dấu ấn lâu dài. Nhưng hiện tượng siêu trượt hay siêu cắt chủ yếu diễn ra nơi các đứt gãy nằm dưới biển sâu, chỉ một ít ở trên mặt đất. Vì vậy, sự xuất hiện của loại động đất này nơi đứt gãy Sagaing là điều đáng sợ, bởi nó sẽ kích hoạt siêu cắt ở những đứt gãy lớn khác trong vùng.

Thực tế đã cho thấy năng lượng lan truyền từ siêu cắt Sagaing bị nén trong vỏ đất cứng được giải phóng vào các bồn trầm tích mềm yếu của châu thổ, nơi hầu hết những thành phố lớn như Bangkok hay Hà Nội tọa lạc. TPHCM hay Cần Thơ không có hệ thống đứt gãy kết nối trực tiếp với Sagaing, nhưng vùng châu thổ Nam bộ là nơi năng lượng của trận động đất này giải phóng khuếch đại, và mặc dù rất xa tâm chấn, những ảnh hưởng đã khá rõ rệt. Điều này buộc chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng phó.

Sự tàn phá khủng khiếp ở Bangkok, nơi cách xa tâm chấn đến 1.000 ki lô mét về phía Nam, cho chúng ta hình dung những gì có thể xảy ra với các thành phố bên trên hoặc nằm gần đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, nơi có vẻ bình an với các loại động đất thông thường nhưng sẽ không an toàn với cuộc động đất siêu trượt. Đất mềm có xu hướng khuếch đại sóng địa chấn, khiến chúng có sức tàn phá lớn hơn. Và ở đây là sự nén ép và giải phóng năng lượng siêu cắt khiến sự rung chuyển trở nên dữ dội hơn, đặc biệt ảnh hưởng đến những cao ốc và công trình công cộng, bao gồm đường sá, kênh mương, đê đập và sự ổn định các bờ sông, bờ rạch cũng như bờ biển.

Hiểu về các mối nguy hiểm động đất khu vực, chúng ta nhận ra rằng các vùng châu thổ và thành phố dễ bị ảnh hưởng khuếch đại từ các nguồn xa, và điều này bắt buộc phải hình thành và áp dụng những quy chuẩn xây dựng các loại công trình. Với động đất siêu trượt, việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm rất khó, nhưng một chiến dịch giáo dục ứng phó động đất - bao gồm cả sơ tán và trú ẩn cùng với kế hoạch cứu hộ khẩn cấp - sẽ rất hữu ích. Các biện pháp phải nhắm đến khả năng chịu đựng của mỗi loại công trình. Với đứt gãy Sagaing, chúng ta đang phải đối diện với nguồn năng lượng động đất tích trữ rất lớn nằm suốt chiều dài hàng ngàn cây số xuất phát từ độ sâu hàng chục ki lô mét.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới