(KTSG Online) - Đồng đô xanh đã tăng mạnh nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ. Nhưng đây lại là xu hướng đe dọa các nền kinh tế mới nổi đang chật vật kiểm soát các đợt bùng do chủng Delta gây ra. Giá trị của đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh cho đến khi Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) thực sự bắt đầu giảm quy mô mua tài sản, dự kiến từ tháng 11 tới. Tức là, các nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục chịu thiệt hại trong ít nhất 8-10 tuần nữa.
Lãi suất dài hạn của Mỹ gặp áp lực tăng
Giá trị lý thuyết của đồng đô la đã giảm rõ rệt khi chính phủ Mỹ bắt đầu các chiến dịch tháo khoán dòng tiền, khiến khối nợ của nước này gia tăng. Nhưng thị trường đã đảo chiều ngay từ đầu năm 2021 – theo Bloomberg.
Mỹ đạt được tăng trưởng GDP quí 2 là 6,5% so với quí 1 trước đó. Tỷ lệ cao này đạt được nhờ vào mức chi tiêu cá nhân và mức chi tài chính khu vực tư gia tăng, giúp nền kinh tế quay về các cột mốc trước dịch. Dù nguy cơ của một làn sóng Covid-19 mới vẫn tồn tại, các thước đo kinh tế về tổng quát vẫn rất vững chắc. Tỷ giá đô la so với đồng yen Nhật vẫn tăng đều, từ 103 yen đổi 1 đô vào đầu năm lên 109,83 yen vào hôm nay.
Tuy Chủ tịch Powell không đề cập thời điểm tăng lãi suất tại Jackson Hole, nhưng cuộc họp Hội đồng thị trường mở liên bang (FOMC) của Fed hồi tháng 7 đã đề cập là lãi suất sẽ tăng trong năm 2023, thay vì trong năm 2024 hay sau đó. “Lãi suất dài hạn của Mỹ hiện đang gặp áp lực mạnh là phải tăng”, Mari Iwashita của hãng chứng khoán Daiwa Securites dự báo.
Các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đang đi xuống. Sau cuộc họp của FOMC vào tháng 6, tiền của Brazil và Nam Phi đã giảm giá so với đồng đô la. Giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ - trong đó doanh nghiệp và quốc gia vay mượn đồng đô la có lãi suất thấp để mua các loại tiền tệ có lãi suất cao – đang bị mất đà. “Nhiều nhà đầu tư đang bán tháo tiền tệ của các nước mới nổi bởi các đồng tiền này có khuynh hướng bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất ở Mỹ”, Minoru Uchida thuộc Ngân hàng MUFG giải thích.
Tập đoàn Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã lập ra chỉ số tỷ giá cân bằng Nikkei (Nikkei equilibrium exchange rate – viết tắt Nikkei EER) dựa trên các thông số kinh tế nền tảng như nợ công và cán cân thanh toán vãng lãi.
Tổng quát thì một loại tiền tệ bị khối nợ công và thâm hụt thanh toán lớn đè nặng sẽ bị giảm giá trị so sánh.
Giá trị lý thuyết Nikkei EER của đồng đô la đứng ở mức 113 yen trong quí cuối 2019. Sau đó, giá trị này xuống còn 99 yen cùng kỳ năm 2020 sau khi chính phủ Mỹ "xả đập" dòng tiền để giữ vững vị trí lá cờ đầu của kinh tế Mỹ. Nhưng quí 1-2021, chỉ số Nikkei EER tăng lên cũng như giá trị thật của đồng tiền và đạt gần 101 yen, đến cuối quí 2 thì đạt 109 yên. Và hiện đạt suýt soát 110 yen. Giá trị đồng đô la xanh cũng tăng mạnh so với euro và các đồng tiền của Indonesia, Malaysia và các nền kinh tế mới nổi khác.
Cuộc lật đổ về giá trị lý thuyết của đồng đô la Mỹ phần lớn có được là nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, vượt qua tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ sản sinh ở Nhật Bản và các nền kinh tế khác. GDP Mỹ tăng trưởng với tỷ lệ 6,3% trong quí 1-2021 so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, Nhật Bản bị suy giảm -3,9%.
Giá trị lý thuyết của đồng đô la đang bình ổn bởi ít có khả năng các giao dịch thương mại bị suy giảm. Giá dầu thô tiếp tục tăng bởi hồi phục kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, nước Mỹ đã kiến thiết nền kinh tế có sức chống chịu cao với giá dầu thô leo thang, một phần bởi vì họ sử dụng dầu đá phiến (loại dầu hữu cơ hình thành trong ao hồ, đầm lầy, vùng biển cạn…) thay vì nhập nhiên liệu hóa thạch từ bên ngoài. Năm 2020, Mỹ xuất khẩu lượng dầu thô vượt quá lượng nhập khẩu – theo Cơ quan thông tin năng lượng mỹ (UEIA).
Các nền kinh tế mới nổi chịu thiệt hại kép
Các nền kinh tế mới hiện đang chịu hai áp lực: đồng tiền nội địa vẫn trên đà suy yếu so với đồng đô la Mỹ và khả năng có thể khống chế được dịch hay không trong thời gian ngắn.
Các khuynh hướng kinh tế trong thời gian tới sẽ là lời giải cho bài toán là đồng đô la có tiếp tục mạnh hay không. Bởi giá trị thực tế của đồng tiền này đang cao hơn giá trị lý thuyết, đồng tiền sẽ xuống giá nếu tốc độ hồi phục của kinh tế Mỹ kém đi. Nhưng các đồng tiền khác sẽ gặp các kịch bản xấu xí hơn.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo nền kinh tế của Brazil tăng trưởng 4,5% và Nga tăng 3,2% về giá trị thực trong năm 2021, thấp hơn tỷ lệ toàn cầu được dự báo là 5,6%. Ngân hàng trung ương của cả hai nước này đã quyết định tăng lãi suất trong bốn kỳ họp về chính sách liên tiếp. Cả Nga và Brazil đang chật vật ngăn chặn các đợt bán tháo của nhà đầu tư và lạm phát gia tăng.
Các đợt hoành hành của chủng Delta là nỗi lo khác của các nhà quản trị các nước. Kể từ đầu tháng 7-2021, số ca nhiễm mới mỗi ngày tiếp tục gia tăng và đạt các đỉnh cao mới ở Thái Lan, và chỉ xuống trong tuần này. Indonesia đang chịu cú đúp bởi đồng đô la tăng giá so với đồng rupiah và các đợt bùng phát mới.
Tóm lại, các nền kinh tế mới nối với khối nợ bằng đô xanh sẽ chịu thêm các áp lực khi phải thanh toán các khoản nợ đáo hạn nếu họ thất bại trong việc khống chế nhanh dịch bệnh và nếu đồng đô la tiếp tục tăng giá.
Và thực tế hiển nhiên là đồng đô la tiếp tục tăng giá cho đến Fed bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản mà các nhà phân tích nói có thể là từ giữa tháng 11-2021. Tức là, các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu trận thêm ít nhất 8-10 tuần nữa.
Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh mới trong phiên giao dịch cuối tuần hôm 27-8 sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị thường niên Jackson Hole của Fed. Ngược lại, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng đô la sụt giảm đôi chút. Do chênh lệch múi giời, các phản ứng của thị trường châu Á và châu Âu chỉ được ghi nhận từ sáng mai 30-8. Tuy vậy, các nhà phân tích nói sẽ không có phản ứng thái quá.Bài phát biểu của Chủ tịch Powell là phần được công khai duy nhất của hội nghị Jackson Hole. Trong đó, ông Powell nói ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản trong năm nay khi nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi phục sau đại dịch. Nhưng Chủ tịch Powell cũng nhấn mạnh Fed sẽ không vội vã tăng lãi suất.