Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng euro về ngang giá với đô la Mỹ, giá vàng tiếp tục rớt mạnh

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đồng đô la Mỹ tiếp tục mạnh lên khiến cho nhiều kỷ lục mới được thiết lập trên thị trường tài chính trong tuần qua, trong đó có đồng euro giảm về mức ngang giá với đô la.

Hiện tượng đáng chú ý nhất trên thị trường tài chính quốc tế trong tuần qua là việc đồng euro giảm mạnh. Hôm thứ Năm, đồng euro được giao dịch với tỷ lệ 0,9952 đổi lấy một đồng đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2002. Khi đó, chỉ số Dollar-Index, đo lường sức mạnh đồng đô la với rổ các loại tiền tệ lớn, cũng tăng lên mức 109,29, mức cao nhất kể từ tháng 9-2002.

Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, đồng euro đã hồi phục, tăng 0,57% trở lại, lên mức 1,008 đô la, nhưng cũng đã giảm khoảng 11,8% so với hồi đầu năm. Giới phân tích còn đưa ra dự đoán rằng euro có thể tiến về mốc 0,9-0,95 đô la Mỹ để phản ánh thị trường trong bối cảnh căng thẳng còn leo thang.

Diễn biến đồng euro so với đô la Mỹ kể từ đầu năm. Nguồn: CNBC.

Đô la Mỹ mạnh hơn cũng khiến cho thị trường vàng tiếp tục trải qua một tuần biến động đầy khó khăn. Kim loại quý này có tuần giảm thứ 5 liên tiếp, với mức giảm 2% trong tuần.

Theo số liệu của Bloomberg, vàng giao ngay giao dịch ở mức 1.709,94 đô la/ounce, trong khi vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn CME đóng cửa cuối tuần ở mức 1.706,5 đô la/ounce, phục hồi nhẹ so với trước đó.

Trang Kitco News dẫn lại Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cao cấp của ANZ, vàng hiện giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua do các nhà đầu tư “ủng hộ” đồng đô la Mỹ trong bối cảnh rủi ro hiện nay.

Tương tự vàng, diễn biến mạnh lên của đồng đô la cùng những lo lắng về tăng trưởng tiếp tục đè nặng lên thị trường hàng hóa. Tiếp nối đà giảm tuần trước đó, giá dầu thô cũng giảm gần như cả tuần trong bối cảnh lo ngại về khả năng suy thoái, xuất khẩu gần như giảm cả tuần, bất chấp thông tin về xuất khẩu dầu từ Nga trước sự trừng phạt của phương Tây, cũng như nguồn cung đứt gãy ở Libya.

Tuy nhiên, giá dầu cuối tuần lại tăng 2%, trước thông tin về khả năng tăng sản lượng từ Arab Saudi và dư địa từ OPEC. Dầu thô Brent tương lai giao tháng 9 (sàn ICE) giao dịch khoảng 101,16 đô la/thùng (tăng 2,06%), trong khi dầu WTI giao tháng 8 (sàn NYMEX) là 97,59 đô la/thùng (tăng 1,89%). Dù vậy, cả hai loại dầu thô trên đều giảm giá mạnh tính theo tuần, nếu như Brent mất 5,5% trong tuần giảm thứ ba thì WTI mất 6,9% trong tuần giảm thứ hai.

Bên cạnh diễn biến thị trường hàng hóa, thị trường cổ phiếu cũng biến động mạnh không kém với sự đảo chiều liên tục trước các thông tin về kết quả kinh doanh cũng như hoạt động nền kinh tế Mỹ.

Chắc hạn như tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng của nhóm ngân hàng, đặc biệt là Citigroup, cũng như doanh số bán lẻ tháng 7 mang đến cho nhà đầu tư cái nhìn lạc quan hơn, dù rằng lạm phát theo chỉ số CPI tiếp tục phá kỷ lục, lên mức 9,1%, mức cao nhất kể từ tháng 12-1981.

Tuy diễn biến tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng tính chung thì chỉ số Dow Jones giảm gần 0,2% trong tuần qua, S&P 500 và Nasdaq cũng mất lần lượt 0,9% và 1,6%.

Vấn đề mà các chuyên gia đặt ra vẫn là bối cảnh lạm phát cao, lo lắng về suy thoái nhưng số lượng việc làm không quá tệ và kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp đầu ngành vẫn duy trì mức cao.

Thị trường vẫn đang chờ kịch bản Fed tăng lãi suất vào cuối tháng này. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng trung ướng trên toàn cầu vẫn đang đồng loạt đẩy nhanh quá trình nâng lãi suất nhằm kiểm soát đà tăng lạm phát. Riêng tại Trung Quốc, một biến động lớn khác trên thị trường tài chính quốc tế trong tuần qua là sự lo ngại tình trạng ngày càng nhiều người vay mua nhà ngừng trả nợ ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới