VPBank tiếp tục gặt hái trái ngọt từ phân khúc khách hàng cá nhân trong quí đầu năm, với động lực chính tới từ mảng thẻ tín dụng – đây được xác định sẽ là phân khúc mũi nhọn giúp ngân hàng hoàn thành các mục tiêu kinh doanh trong năm 2023.
Trái ngọt bán lẻ
Ngân hàng bán lẻ liên tiếp dẫn dắt thành công của VPBank trong nhiều quý, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng huy động và tín dụng, cũng như cơ cấu doanh thu trên toàn hàng.
Cập nhật với các nhà đầu tư về kết quả kinh doanh của khối khách hàng cá nhân (KHCN) – 1 trong những cỗ máy tăng trưởng chính của VPBank bên cạnh khối khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại cuộc họp nhà đầu tư trực tuyến mới đây, ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối KHCN của VPBank cho biết tính tới cuối quí 1 huy động của khối tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, đạt hơn 200 nghìn tỉ đồng, đóng góp đáng kể vào huy động 383 nghìn tỉ đồng của ngân hàng riêng lẻ.
Trong khi đó, quy mô tín dụng của khối cũng ghi nhận mức tăng trưởng gần 5% so với năm 2022, đạt hơn 200 nghìn tỉ đồng. Dẫn dắt tăng trưởng tín dụng của phân khúc KHCN là chi tiêu thẻ tín dụng, tăng 70% so với cùng kỳ, bên cạnh lợi thế thị phần số 1 về cho vay mua ô tô được giữ vững trong 3 quí gần đây. Dư nợ tín dụng riêng lẻ của ngân hàng đạt hơn 428 nghìn tỉ đồng trong quí 1, tăng hơn 7% so với cuối năm 2022.
Ngân hàng kết thúc quí đầu năm với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt hơn 4.100 tỉ đồng. Thu nhập từ phí tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong cơ cấu doanh thu toàn hàng khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng tới 44% so với cùng kỳ nhờ thu từ thẻ tăng tới 31%.
Theo ông Khương, nhờ kiên định với chiến lược thẻ thiết kế chuyên biệt cho từng phân khúc khách hàng kết hợp với việc đẩy mạnh số hóa giao dịch thẻ, VPBank đã từng bước ghi nhận những kết quả khả quan từ phân khúc thẻ. Sản phẩm Z Card hợp tác với đối tác JCB thiết kế riêng cho phân khúc khách hàng genZ hay dịch vụ Google Pay và Samsung Pay kết nối với thẻ VPBank qua ứng dụng VPBank NEO là một vài ví dụ thành công trong việc thu hút khách hàng và củng cố vị thế số 1 của ngân hàng trong mảng thẻ tín dụng.
Tính tới cuối quí 1 vừa qua, số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành của VPBank đã đạt gần 1,3 triệu thẻ, doanh số chi tiêu thẻ tín dụng tăng trưởng 71% so với cùng kỳ, đóng góp lớn vào thu nhập phí của ngân hàng trong thời gian vừa qua.
Trong quí đầu năm, khối KHCN của VPBank đã có thêm 1 triệu khách hàng mới, tập trung vào phân khúc khách hàng ưu tiên (VPBank Diamond), khách hàng trung lưu (MAF) và tiểu thương (CommCredit).
Kênh ngân hàng số VPBank ghi nhận xấp xỉ 900.000 khách hàng kích hoạt tài khoản online trong quí 1, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, số lượng giao dịch trên nền tảng này cũng đạt gần 80 triệu giao dịch, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Đóng góp bền vững
VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp nhất cao trong năm 2023, lên tới 33%, tương đương gần 636 nghìn tỉ đồng. Ngân hàng theo đó đặt niềm tin lớn vào tăng trưởng của mảng ngân hàng bán lẻ khi nền kinh tế tăng tốc trở lại.
Ngân hàng đồng thời đặt ra mức tăng trưởng kép trong 5 năm (2022-2026) là 35%, tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng đa năng với trụ cột chính là bán lẻ, trong đó tỷ trọng bán lẻ trên tổng danh mục tín dụng đạt trên 70%.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo của ngân hàng, động lực tăng trưởng chính cho mục tiêu tham vọng nói trên sẽ đến từ việc đẩy mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng thông qua khai thác sâu phân khúc trung lưu, cao cấp và tiếp tục tối ưu cơ hội trong các phân khúc tiềm năng đối với khách hàng cá nhân. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ gia tăng các sáng kiến và giải pháp tài chính toàn diện, mở rộng hệ sinh thái đối tác, nhằm thúc đẩy quy mô và chiếm lĩnh thị phần cho phân khúc SME.
Nhờ độ phủ phân khúc cao từ cá nhân tới doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn cùng chuỗi sản phẩm, dịch vụ chuyên biệt “may đo” theo nhu cầu khách hàng, VPBank đã thành công xây dựng một tệp khách hàng lên tới 26 triệu người. Riêng trong quí 1 vừa qua, ngân hàng chào đón thêm hơn 2 triệu khách hàng mới vào hệ sinh thái trải rộng từ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm tới nền tảng công nghệ đa dịch vụ. Đây sẽ là một lợi thế lớn cho ngân hàng trong hoạt động khai thác bán chéo và tối ưu hóa nguồn thu trong thời gian tới đây.
Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng phát hành cuối năm 2022, CTCK Guotai Junan cho rằng triển vọng thu nhập từ hoạt động bán lẻ của các ngân hàng vẫn còn phong phú và có tác động cộng hưởng đến lợi nhuận kể cả ở khía cạnh thu nhập từ lãi lẫn ngoài lãi.
“Ở phía thu nhập từ lãi, bán lẻ giúp cải thiện biên lợi nhuận nhờ lãi suất cho vay đầu ra hấp dẫn hơn trong khi xu hướng tăng mạnh CASA trong dài hạn giúp cải thiện biên lãi ròng (NIM). Từ phía nguồn thu ngoài lãi, nguồn thu phí dịch vụ (thẻ tín dụng, bancas) vẫn là những động lực chính với kỳ vọng tăng trưởng trung bình 30%/ năm.”