Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Động lực nào giúp rút ngắn lộ trình tái cơ cấu ở Sacombank?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiệu quả hoạt động kinh doanh năm 2022 ở mức tốt nhất trong vòng một thập kỷ qua đã giúp Sacombank đặt bước chân vững chắc trên chặng cuối của lộ trình tái cơ cấu theo đề án đến năm 2025. Đáng chú ý, không chỉ có chất lượng tài sản tăng lên đáng kể mà hành trình trở lại vị thế bán lẻ dẫn đầu cũng ghi nhận “của để dành” trong tương lai cho các cổ đông.

Đẩy mạnh xử lý nợ, chất lượng tài sản tăng lên đáng kể

“Chúng tôi xác định năm 2023 sẽ là thời gian cuối cùng để Sacombank tái cơ cấu”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022 diễn ra vào ngày 25-4 vừa qua, trong bối cảnh lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 6.339 tỉ đồng, tăng 44,1% so với năm trước đó và đạt 120% kế hoạch.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ năm 2023 sẽ là thời gian cuối cùng để Sacombank tái cơ cấu.

Cũng tại Đại hội đồng cổ đông của Sacombank, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết đề án tái cơ cấu Sacombank trong giai đoạn 2016-2025 đến nay đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đặt ra, xử lý xong nhiều vấn đề cơ bản như tài sản tồn đọng hay lãi dự thu, chỉ còn vấn đề đấu giá số cổ phần của ông Trầm Bê và những người có liên quan. “Khi hoàn thành đề án trước thời hạn đặt ra, ngân hàng có cơ sở nâng cao năng lực tài chính và chia cổ tức”, ông Dũng nói.

Khả năng tiếp tục xử lý nợ được lãnh đạo ngân hàng đánh giá kịch bản tích cực. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng sẽ kết thúc “gánh nợ” VAMC khi hoàn tất trích lập 100% giá trị trái phiếu trong năm nay.

Ngoài ra, ngân hàng hiện đang đấu giá khoản nợ là Khu công nghiệp Phong Phú, bao gồm toàn bộ nghĩa vụ và tài sản tồn đọng. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Sacombank xác định không bán dưới giá vốn. “Hiện có một số nhà đầu tư quan tâm và chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ xử lý được”, bà Diễm cập nhật thông tin.

Một cơ sở quan trọng khác để lãnh đạo Sacombank kỳ vọng về đích sớm đề án tái cấu cơ cấu là vì quá trình xử lý nợ xấu hiện vẫn đi đúng kế hoạch. Năm 2022, doanh số xử lý nợ đạt 15.886 tỉ đồng, nâng tổng số doanh số thu hồi luỹ kế kể từ khi triển khai đề án lên gần 92.000 tỉ đồng, trong đó thuộc đề án tái cơ cấu là hơn 74.000 tỉ đồng.

Nhờ đó, nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 72,8%, tỷ trọng trong tổng tài sản giảm từ 28,1% vào năm 2016 xuống còn 4,3% vào năm 2022. Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỉ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.

Không chỉ có việc xử lý tài sản tồn đọng tiến đến gần mục tiêu đặt ra, lãnh đạo nhà băng cũng cho biết đã cơ bản hoàn tất xử lý các vấn đề tồn tại theo các kết luận thanh tra, kiểm tra; xử lý dứt điểm các vi phạm về sở hữu chéo và các khoản đầu tư góp vốn, hoàn tất thanh lý cổ phiếu quỹ.

Những kết quả tái cấu trúc cũng được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận. Hồi tháng 4, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng triển vọng của Sacombank từ “ổn định” thành “tích cực”, phản ánh năng lực tín dụng tiếp tục được cải thiện nhờ khả năng xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Moody’s cũng đưa ra dự đoán khả năng tăng hạng của Sacombank trong 12-18 tháng tới, đồng thời ghi nhận chất lượng tài sản của ngân hàng được nâng 1 bậc từ caa1 lên b3, bộ đệm vốn an toàn hoạt động cũng cải thiện đáng kể, khả năng huy động vốn duy trì sự ổn định.

Sacombank được Moody’s nâng triển vọng từ “ổn định” thành “tích cực”, phản ánh năng lực tín dụng tiếp tục được cải thiện.

Lợi nhuận lõi tăng mạnh, tăng tốc trở lại vị thế bán lẻ đầu ngành

Bên cạnh những nỗ lực thu hồi nợ, một trong những lý do giúp Sacombank giữ vững tốc độ tái cơ cấu là vì ngân hàng đẩy mạnh phát triển mọi mặt hoạt động kinh doanh cả về quy mô và hiệu quả.

Năm ngoái, lợi nhuận trước trích lập đề án đạt 19.940 tỉ đồng, tạo điều kiện trích lập dự phòng và phân bổ chi phí theo đề án đến 13.601 tỉ đồng. Nếu không tính phần chi phí dự phòng thì con số lợi nhuận ngân hàng làm ra cũng thuộc nhóm dẫn đầu ngành.

“Hoạt động chính, lợi nhuận lõi của chúng ta không thua bất kỳ ngân hàng nào với quy mô tương đương, đặc biệt sau khi trích lập hết phần trái phiếu VAMC”, Chủ tịch Sacombank nói với các cổ đông.

Nếu so sánh với con số từ khi bắt đầu thực hiện đề án tái cấu trúc, có thể thấy được khả năng sinh lời của ngân hàng đã phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, lợi nhuận lõi bình quân hàng tháng đã tăng từ mức 50 tỉ đồng vào năm 2016, lên mức 1.100 tỉ đồng/tháng vào năm 2022.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý trong năm ngoái hiệu suất hoạt động của Sacombank đạt mức tối ưu nhất trong vòng một thập kỷ qua, theo báo cáo của ban điều hành.

Theo đó, chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) giảm 13,3% về mức 41,8%. Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) bình quân đạt 0,91% (tăng 0,23%) còn tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 13,83% (tăng 3,04%). Với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tăng 63,8% (lên mức 2.674 đồng/cổ phiếu), cổ phiếu STB trên thị trường chứng khoán cũng ghi nhận mức hồi phục ấn tượng so với thị trường chung.

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu, Sacombank còn cho biết ngân hàng đã hoàn tất tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy hoạt động, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, điểm quan trọng cần kể đến là hiện đại hóa hệ thống quản trị điều hành và quản trị rủi ro hướng đến các thông lệ quốc tế trên nền tảng công nghệ, tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng của hệ thống kiểm soát nội bộ.

“Đây cũng là năm có nhiều đột phá quan trọng và thành quả rõ rệt nhất là Sacombank đặt bước chân vững chắc cho chặng cuối của lộ trình tái cơ cấu”, bà Diễm đánh giá.

Cũng theo lãnh đạo nhà băng, hướng đi trong thời gian tới của ngân hàng sẽ là tiếp tục hoạt động chuyển đổi số, tập trung 4 mũi nhọn là hạ tầng công nghệ, giải pháp số, sản phẩm số, con người và tư duy số. Quy mô kinh doanh tiếp tục được mở rộng, tăng trưởng tín dụng tập trung phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và 5 lĩnh vực ưu tiên, hạn chế và kiểm soát cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đồng thời đẩy mạnh số hóa dịch vụ để giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Hướng đi trong thời gian tới của Sacombank sẽ là tiếp tục hoạt động chuyển đổi số.

Trong tương lai gần, sau khi hoàn thành đề án tái cấu trúc, tập trung xử lý giảm tỷ lệ nợ xấu tổng thể về dưới 3%, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ thực hiện các thủ tục để chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm tăng năng lực tài chính, trong mục tiêu chung là đưa Sacombank trở lại là một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Kết thúc năm, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế của ngân hàng lên đến 12.672 tỉ đồng trong khi đó, vốn điều lệ của ngân hàng là 18.852 tỉ đồng. Con số được xem như “của để dành” này dư sức đáp ứng các khoản trích lập dự phòng cần thiết, cũng như là cơ sở để ngân hàng tăng cao năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn và chia cổ tức.

Từ vị thế vững chắc trong năm ngoái, Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên đến 50% trong năm 2023, đạt con số 9.500 tỉ đồng. Những tín hiệu tích cực đầu tiên cũng đã xuất hiện, khi lợi nhuận quí 1 hợp nhất đạt 2.383 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và đạt 25% so với kế hoạch. “Nội lực trong tương lai của Sacombank còn rất mạnh”, bà Diễm nhấn mạnh với cổ đông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới