Đông Nam Á giữa làn sóng thanh toán di động
Hoàng Việt
(SGTT) - Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực công nghệ thanh toán điện tử, gồm cả những ví điện tử phát hành từ hệ thống ngân hàng và những ứng dụng thanh toán di động từ các công ty công nghệ.
Thị trường thanh toán di động tăng nhiệt
Nỗ lực thúc đẩy thanh toán di động
Trả phí cầu đường bằng mã QR trên điện thoại. Ảnh: THEASIANPOST |
Chỉ trong thời gian ngắn, thị trường Đông Nam Á xuất hiện một “rừng” những công cụ thanh toán sử dụng điện thoại di động khác nhau, tạo thành cuộc đua chiếm lĩnh thị trường tài chính không tiền mặt, và thậm chí tạo nên bối rối cho người sử dụng. Giữa làn sóng công nghệ đó, Singapore trở thành nước đầu tiên trên thế giới thiết lập mã QR quốc gia, thống nhất môi trường thanh toán trực tuyến, gián tiếp đưa nền tài chính mạng vào diện quản lý quốc gia.
Nhộn nhịp thanh toán điện tử
Thị trường thanh toán điện tử và đặc biệt thanh toán di động rất sôi nổi trong mấy năm gần đây tại Đông Nam Á. Nguyên nhân trước hết là do các công ty công nghệ trong vùng đang chuyển từ kinh doanh ứng dụng đơn độc sang kinh doanh hệ sinh thái, điển hình như Go-Jek với Go Pay hay Grab với Grab Pay. Quan trọng nhất là chiến lược bành trướng xuyên biên giới của các ứng dụng thanh toán Trung Quốc như AliPay và WeChat Pay nhằm chiếm lĩnh thị trường tài chính non trẻ này. Nghiên cứu thực hiện bởi Allied Market Research (Anh) cho biết thị trường thanh toán di động có thể đạt đến 3.388 tỉ đô la Mỹ (79.000 tỉ đồng) vào năm 2022, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh nhất.
eWallet hay ví điện tử nằm trong chiếc điện thoại di động đã trở thành mặt trận tiên phong vì rất quen thuộc như ví tiền truyền thống. Không chỉ các ngân hàng phát hành mà cả các công ty công nghệ tức những ông chủ của các ứng dụng thanh toán trực tuyến (ePay) cũng cung cấp cho khách hàng những ví điện tử. Trang theaseanpost.com cho biết AliPay và WeChat Pay đang cung cấp ví điện tử cho khách hàng của họ tại các nước Đông Nam Á, mà trước hết là khách du lịch Trung Quốc. Tờ Bangkok Post (Thái Lan) cho biết, chỉ trong tháng 6-2016, trong số 8,2 triệu người Trung Quốc đến Thái Lan đã có 5 triệu người sử dụng ví tiền AliPay.
Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh) cho biết, các ứng dụng di động này cũng đang chia sẻ thị phần với ví điện tử và cả hai đều là một phần của hệ thống ngân hàng trực tuyến (e-banking). Cuộc tấn công của AliPay và WeChat Pay vào Đông Nam Á là một trong các động lực làm cho ứng dụng thanh toán địa phương nổi lên. Người ta bắt đầu nghe nhiều đến TaPay ở Malaysia, PromptPay ở Thái Lan và PayNow ở Singapore. Đó là những hạt nhân được chính phủ ủng hộ để tiến tới quy hoạch hệ thống thanh toán mạng hợp nhất cho mỗi nước thông qua mã QR quốc gia. Cùng lúc này, các công ty có tầm hoạt động rộng như ứng dụng gọi xe Grab và Go-Jek cũng phát triển ứng dụng thanh toán của mình.
Trào lưu hình thành mã QR quốc gia
Xuất phát từ mã vạch (Bar Code), mã QR ngày nay đã vượt ra khỏi vai trò xác định nhãn mác và phương tiện thâu ngân tại quầy để trở thành một phương tiện thanh toán phổ thông khi kết hợp với một ứng dụng thanh toán di động nào đó. Indonesia và Việt Nam đang đi đầu trong việc áp dụng mã thanh toán QR trong khi Singapore và Thái Lan nhắm đến thiết lập mã QR quốc gia.
Mã QR quốc gia là một loại mã được sử dụng chung cho các mã QR của công ty bán hàng cũng như cho các ví điện tử và thanh toán di động của công ty tài chính. Mã QR quốc gia này sẽ chấp nhận các hình thức thanh toán điện tử cả trong và ngoài nước, từ các ví tiền điện tử cho đến các sản phẩm công nghệ khác nhau của ngân hàng.
Cuối tháng 11-2017, Hội đồng thanh toán thuộc Ủy ban tiền tệ Singapore (MAS), gồm 20 thành viên bao gồm những nhà lãnh đạo ngân hàng, các tổ chức thanh toán và các nhà kinh doanh đã ủng hộ bản tiêu chuẩn về một mã thanh toán QR chung cho Singapore, gọi là SGQR. Mã SGQR được phát triển với sự đồng chủ trì của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) và cơ quan chính phủ phụ trách các hoạt động về công nghệ thông tin và truyền thông. Đây là lần đầu tiên một mã QR quốc gia được thiết lập bao gồm những giao thức cho thị trường địa phương dựa trên các tiêu chuẩn QR của những hệ thống thanh toán quốc tế. Sopnendu Mohanty, Giám đốc kỹ thuật tài chính tại MAS nói “SGQR là một sáng kiến quốc gia chưa từng có nhằm cung cấp cho người tiêu dùng và các nhà buôn trải nghiệm thanh toán điện tử vừa liền lạc vừa liên tục”.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, mã thanh toán quốc gia SGQR của Singapore đã sẵn sàng để mỗi người tiêu dùng tại nước này tải về điện thoại và chính thức đưa vào sử dụng vào đầu năm 2019. Từ đây họ có thể thanh toán, thu, chi, hay chuyển khoản, đầu tư, cho dù nguồn tiền của họ đến từ đâu, nằm trong wallet hay pay nào và cho dù họ thanh toán cho ai những món hàng hay dịch vụ nào. Trong khi đó tại Thái Lan, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho biết họ đã bước đầu cho ra đời mã thanh toán Thai QR tiêu chuẩn cho các hình thức thanh toán điện tử chung với tên gọi là Thailand PromptPay.
Việc hình thành mã quốc gia, dựa trên công nghệ mã vạch QR là một bảo đảm cho nền tài chính quốc gia, giúp chặn đứng sự thao túng tài chính của những ứng dụng ngoại lai như Ali Pay vốn đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát của từng nước. Mặt khác, sự thống nhất trong mã QR giúp cho các công ty công nghệ dễ dàng phát triển hệ sinh thái của mình một cách bình đẳng.