Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đông Nam Á hối hả xây metro, giải quyết vấn nạn kẹt xe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đông Nam Á hối hả xây metro, giải quyết vấn nạn kẹt xe

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Thủ đô Manila (Philippines), thủ đô Jakarta (Indonesia) cùng TPHCM, đầu tàu kinh tế của Việt Nam đang hối hả triển khai xây dựng các tuyến metro để giải quyết vấn nạn kẹt xe ngày càng trầm trọng, gây thiệt hại hàng tỉ đô la cho nền kinh tế mỗi năm, theo Nikkei Asian Review.

Đông Nam Á hối hả xây metro, giải quyết vấn nạn kẹt xe
Cảnh kẹt xe thường thấy ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: Nikkei Asian Review

Kinh tế phát triển, kẹt xe tăng theo

Khoảng cách từ nhà của chị Maye Cristobal đến văn phòng làm việc ở thành phố Makati, thủ đô Manila (Philippines) dài chỉ 5 km nhưng nữ luật sư 26 tuổi này thường phải mất tới 90 phút di chuyển bằng taxi do tình trạng kẹt xe khủng khiếp.

Theo Numbeo, cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về các xu hướng xã hội trên toàn cầu, thủ đô Manila của Philippines là một trong 10 thành phố kẹt xe nghiêm trọng nhất thế giới trong năm 2016. Vấn nạn kẹt xe tồn tại dai dẳng ở khu vực thủ đô là hệ quả tất yếu từ đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Philippines trong những năm gần đây. Thu nhập đầu người tăng lên, nhưng đồng thời, số lượng ô tô cá nhân cũng tăng lên mức kỷ lục, hơn 400.000 xe trong năm 2016, trong bối cảnh người dân không có nhiều sự lựa chọn phương tiện giao thông công cộng. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết Philippines thiệt hại 18 tỉ đô la mỗi năm do nạn kẹt xe, kìm hãm năng suất tổng thể của nền kinh tế.

Vấn nạn kẹt xe tương tự cũng xảy ra tại nhiều thành phố lớn ở Đông Nam Á, nơi có một số nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ đứng hàng đầu thế giới. Hồi đầu năm, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính từ nay đến năm 2020, bảy quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore, Brunei và Lào, cần phải đầu tư 147 tỉ đô la mỗi năm cho hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông để duy trì động lực tăng trưởng.

Tuy nhiên hiện nay, họ chỉ mới chi khoảng 55 tỉ đô la mỗi năm cho nỗ lực này. Bảy nước trên cần phải đầu tư 6,1% GDP mỗi năm để phát triển hạ tầng nhưng thực tế, họ mới chỉ chi 2,3% GDP.

Jakarta, thành phố kẹt xe xếp thứ hai Đông Nam Á (chỉ sau Manila), là nơi hạ tầng giao thông rất kém. Người đi làm ở thủ đô Indonesia thường phải mất hơn một tiếng để di chuyển bằng ô tô qua năm khu phố. Sau khi đáp xuống sân bay quốc tế Soekarno-Hatta, du khách có khi phải mất đến ba tiếng di chuyển trên đường mới đến được khu trung tâm của Jakarta.

Ráo riết lấp “lỗ hổng” hạ tầng giao thông

Giờ đây, các chính phủ khắp khu vực Đông Nam Á đang ráo riết lấp các “lỗ hổng” hạ tầng giao thông của họ. Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đang đặt vận mệnh chính trị của mình vào nỗ lực mở rộng hạ tầng giao thông. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh triển khai dự án metro ở TPHCM và thủ đô Hà Nội.

Malaysia, nước dẫn đầu ở Đông Nam Á trong phát triển hạ tầng giao thông công cộng, đang mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị và lên kế hoạch cho các dự án đường sắt cao tốc trị giá gần 8,7 tỉ đô la. Trong khi đó, Bangkok (Thái Lan) đang mở rộng các tuyến đường sắt đô thị đang vận hành hiệu quả ở khu trung tâm. Kết quả của các nỗ lực trên là đến năm 2025, tất cả sáu nền kinh tế lớn nhất ASEAN đều có dịch vụ đường sắt đô thị.

Đằng sau cơn bùng nổ xây dựng hạ tầng giao thông này là cuộc cạnh tranh tài trợ vốn vay ưu đãi của Trung Quốc và Nhật Bản. Các khoản tài trợ vốn vay cho hạ tầng như vậy thường có các điều kiện kèm theo, chẳng hạn phải thuê các công ty thiết kế kỹ thuật, xây dựng và tư vấn từ nước cung cấp vốn vay.

Tất cả các tuyến metro đang được xây dựng hoặc sắp thi công ở TPHCM, Manila và Jakarta đều được Nhật Bản cấp vốn vay và được JICA giám sát và tư vấn. Tuy nhiên, một quan chức JICA làm việc trong khu vực thừa nhận rằng JICA đang cảm nhận áp lực lớn từ Trung Quốc, nước đang nuôi tham vọng lật đổ vị trí nhà hoạch định hạ tầng giao thông dẫn đầu của Nhật Bản ở Đông Nam Á.

Tháng trước, tại cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Philippines Duterte ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết cung cấp cho Philippines khoản vốn vay ODA trị giá 7 tỉ đô la để xây dựng hệ thống metro ở Manila. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch chi tiêu khổng lồ 165 tỉ đô la, để mở ra “kỷ nguyên vàng của cơ sở hạ tầng” ở Philippines trong nhiệm kỳ sáu năm của ông Duterte.

Chính quyền Manila hy vọng sẽ giải quyết được phần nào tình trạng tắc nghẽn với dự án tàu điện ngầm dài 25,3 km với 13 nhà ga trải dài từ các vùng ngoại ô ở phía bắc Manila đến ga cuối nằm ở gần sân bay quốc tế Ninoy Aquino, phía nam thủ đô.

Sau khi dự án hoàn thành vào năm 2025, thời gian di chuyển từ bắc Manila đến sân bay quốc tế Ninoy Aquino sẽ được rút ngắn còn 30 phút so với hai đến ba tiếng hiện nay.

Sau 25 năm chứng kiến nhiều dự án giao thông công cộng bị ngưng trệ và chịu cảnh kẹt xe như cơm bữa, người dân Jakarta giờ đây có thể thở phào nhẹ nhõm khi một phần của hệ thống tàu điện đầu tiên của Indonesia sắp hoàn tất.

Dự án tàu điện Jakarta (hay còn gọi là Jakarta MRT) dài hơn 108 km, được chia thành hai tuyến, bao gồm tuyến hàng lang Nam-Bắc dài 21,7 km và tuyến hành lang Đông-Tây dài 87 km. Tuyến hành lang Nam-Bắc, dự kiến phục vụ nhu cầu đi lại cho 430.000 người mỗi ngày, được xây dựng trong hai giai đoạn, trong đó, tiến độ thi công giai đoạn một (dài 15,5 km) đã hoàn thành 83% tính đến cuối tháng 10. Tuyến tàu điện của giai đoạn một này dự kiến sẽ vận hành vào tháng 3-2019. Trong khi đó, tuyến hành lang Đông-Tây đang trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến sẽ sớm được thi công với mục tiêu đưa vào vận hành vào năm 2025.

Indonesia bắt đầu nghiên cứu ý tưởng xây dựng Jakarta MRT ở Jakarta vào thập niên 1980. Tuy nhiên, các dự án này bị hủy bỏ nhiều lần vì các vấn đề chính trị trong nước hoặc do thiếu vốn.

Khi ông Joko Widodo được bầu làm thống đốc Jakarta vào năm 2012, dự án Jakarta MRT trị giá 1,5 tỉ đô la mới bắt đầu chuyển động. Sau khi lên nắm quyền tổng thống Indonesia vào năm 2014, ông Widodo thường xuyên đến thị sát các công trường xây dựng ở tuyến hành lang Bắc-Nam của dự án Jakarta MRT.

Chính phủ Indonesia ước tính nạn kẹt xe ở thủ đô Jakarta gây thiệt hại kinh tế năm tỉ đô la Mỹ mỗi năm, vì vậy, Tổng thống Widodo liên tục đốc thúc tiến độ xây dựng dự án Jakarta MRT.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới