Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đông Nam bộ cần ‘áo mới’ về cơ chế để phát triển hạ tầng giao thông

Đồng Nai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Để hoàn thiện và phát triển mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ một cách hiệu quả, theo các chuyên gia, cần có cơ sở pháp lý về đất và chính sách thu hút nguồn xã hội hóa đặc thù.

Giao thông kết nối trực tiếp giữa các tỉnh chưa tốt 

Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm 6 tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Đây là khu vực trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất của cả nước.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông vùng hiện đang quá tải, phát triển kém; các dự án được quy hoạch mang tính kết nối liên vùng như cao tốc và vành đai đều đang chậm triển khai.

Ngoài ra, hệ thống giao thông kết nối trực tiếp giữa các tỉnh với nhau chưa được quan tâm đúng mức. Trục giao thông được các tỉnh tập trung đầu tư thường kết nối với TPHCM dẫn đến kéo dài hành trình, tăng lượng xe quá cảnh qua khu vực và chưa thuận tiện cho sự tương trợ phát triển chung của toàn vùng.

Trong hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam bộ diễn ra ngày 23-10 vừa qua, các ý kiến cũng đã thống nhất việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng là nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết.

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt xe và đang có kế hoạch mở rộng lên 8 làn xe. Ảnh: MH

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), cho rằng để tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, dự kiến cần 738.500 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, hàng loạt dự án trọng điểm sẽ tập trung đầu tư tại vùng Đông Nam bộ gồm đường bộ (các tuyến cao tốc, vành đai), đường sắt (nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam, đầu tư đường sắt đô thị, đường sắt chở hàng), đường thuỷ nội địa (cải tạo và hoàn thành các luồng tuyến vận tải thủy nội địa); hàng hải (đầu tư các cảng biển, hình thành các trung tâm logistic lớn), hàng không (đầu tư vào các sân bay).

Người đứng đầu ngành giao thông cũng đưa ra 5 giải pháp để gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông Đông Nam bộ, trong đó có việc nên trao quyền mạnh hơn cho các địa phương trong việc thu hút vốn đầu tư của các công trình giao thông.

Hạ tầng quyết định việc tiếp tục phát triển của Đông Nam bộ

Trao đổi với KTSG Online, PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải – Đại học Việt Đức, cho rằng tính yếu kém về kết nối giao thông đang làm cản trở sự phát triển của Đông Nam bộ. Việc phát triển mạng lưới giao thông kết nối là vấn đề hết sức quan trọng và có tính chất quyết định cho việc tiếp tục phát triển của vùng.

Ông Tuấn cho rằng, sản xuất công nghiệp đã lan toả ra các vùng xung quanh TPHCM và TPHCM đang chuyển mình từ sản xuất công nghiệp sang thương mại và dịch vụ. Như vậy, Đông Nam bộ cần phải được thắt chặt hơn nữa trong mối giao thương về hàng hóa, con người, quản trị, để phối hợp về phát triển hạ tầng.

Theo vị chuyên gia này, việc giao cho các địa phương chủ động tìm kiếm nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng đã được quy hoạch là chủ trương đúng nhưng để thực hiện cần có một cơ chế, chính sách rõ ràng. “Việc này giống như là may một cái áo mới về cơ chế cho các tỉnh vùng Đông Nam bộ”, ông nhấn mạnh.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dần lộ diện hình hài và dự kiến được đưa vào khai thác vào cuối năm 2022. Ảnh: MH

Khi đó, hai hoặc nhiều địa phương phối hợp với nhau để vừa phát triển đô thị vừa phát triển giao thông, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng được thực hiện bằng cách phát triển đô thị, công nghiệp dọc hành lang. Ngoài ra cũng cần cho phép tư nhân tham gia đầu tư với hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) hay BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).

Ông Tuấn cho rằng nhiều địa phương chỉ ưu tiên phát triển hạ tầng của địa phương mình và sau đó mới tính chuyện phát triển hạ tầng liên vùng do chưa thấy được lợi nhiều nên cũng cần có một quy hoạch lâu dài và trong quá trình phối hợp triển khai cần có cơ chế đối thoại đoàn kết.

“Địa phương này phát triển đô thị theo hướng này thì các địa phương còn lại phải phát triển đô thị theo hướng khác để không làm giảm đi hiệu quả đầu tư vì có quy hoạch giống nhau”, ông Tuấn nói.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương, cùng doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự thảo nghị định về chế độ thưởng hợp đồng với các gói thầu giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông. Việc ra cơ chế trên để khuyến khích nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm trễ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới