Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Đồng NDT suy yếu, ‘cơn đau đầu’ của Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang chật vật tìm cách chặn đứng đà giảm giá của nhân dân tệ (NDT) đang hướng đến mức thấp nhất trong 15 năm so với đô la Mỹ. Đợt cắt giảm lãi suất gần đây của PBoC dường như không thể xoay chuyển nền kinh tế, mà còn gây áp lực giảm hơn nữa cho NDT.

Đồng nhân dân tệ giao dịch ở Trung Quốc giảm gần 5% trong năm nay so với đô la Mỹ và đang tiến gần mức thấp nhất trong 15 năm so với đô la. Ảnh: Zuma Press

Đối với PBoC, đà giảm giá của NDT trong năm nay đã đi quá xa và quá nhanh. NDT giao dịch ở trong nước đã mất khoảng 4,8% giá trị kể từ đầu năm, theo FactSet. Hôm 5-7, tại Trung Quốc đại lục, 1 đô la Mỹ mua được 7,2432 NDT. Tỷ giá giữa NDT và đô la Mỹ đang hướng tới mức thấp nhất trong 15 năm được thiết lập vào tháng 11 năm ngoái. Tỷ giá NDT ở nước ngoài, vốn được giao dịch tự do hơn, thậm chí còn ở mức thấp hơn, 7,2542 NDT ăn 1 đô la, theo FactSet.

PBoC đã bắt đầu phản ứng, liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày của NDT ở mức cao hơn kỳ vọng của thị trường. Trung Quốc chỉ cho phép tỷ giá hối đoái biến động tăng giảm 2% so với tỷ giá tham chiếu. Các nhà kinh tế xem mức ấn định tỷ giá tham chiếu này như là một thước đo để theo dõi PBoC tác động đến đồng NDT ở mức độ nào.

Hôm 4-7, PBoC ấn định tỷ giá tham chiếu của NDT ở mức 7,2046 ăn 1 đô la Mỹ, tạo ra mức chênh lệch hàng ngày cao nhất trong năm nay so với dự báo của thị trường.

“PBoC nhận thấy đà giảm giá NDT đã quá mức, do đó, cơ quan này bắt đầu can thiệp mạnh mẽ để gửi một tín hiệu rõ ràng rằng họ đang kiểm soát sự mất giá”, Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ngân hàng ANZ, nhận định.

Đồng NDT trong nước đã suy yếu qua mức 7,3 NDT đổi 1  đô la Mỹ hồi  tháng 11-2022, thời điểm mà đồng NDT ở nước ngoài giao dịch ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Lúc đó, PBoC đã thực hiện một loạt hành động để hỗ trợ giá trị của đồng nội tệ, bao gồm cả việc đẩy tăng chi phí vay ngoại tệ của các công ty ở Trung Quốc. Giờ đây, PBoC đối mặt với sự lựa chọn về việc sẽ can thiệp mạnh mẽ ở mức nào để vực dậy NDT.

PBoC cam kết “kiên quyết đề phòng rủi ro tỷ giá hối đoái biến động mạnh”, theo biên bản cuộc họp chính sách quí 2 được công bố cuối tuần trước. Cụm từ đó chưa bao giờ xuất hiện trong những biên bản cuộc họp hàng quí trước đó của PBoC.

Tuần trước, khi đồng NDT ở nước ngoài suy yếu trong thời gian ngắn qua mức 7,28 đổi một đô la, một bài xã luận trên một tờ báo trực thuộc PBoC nhấn mạnh tỷ giá hối đoái của NDT “có sự hỗ trợ cơ bản vững chắc” và sẽ duy trì ở mức ổn định trong nửa cuối năm.

Bài xã luận cũng cảnh báo các hành động đầu cơ tiền tệ. “Đừng đặt cược vào sự tăng giá hay giảm giá của NDT. Nếu bạn đánh bạc trong thời gian dài, bạn sẽ thua”, bài xã luận cho hay.

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang mất động lực, với dữ liệu gần đây về sản xuất, doanh số bán nhà mới và việc làm đều ảm đạm. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 7,5% so với một năm trước đó, dù vào tháng 5-2022,  Bắc Kinh vẫn đang thực hiện các chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt, khiến xuất khẩu trì trệ.

PBocC đã gây bất ngờ cho thị trường vào tháng trước khi cắt giảm lãi suất. Các nhà kinh tế của ngân hàng Standard Chartered nhận định quyết định này là “một tín hiệu rõ ràng về việc nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn chặn tâm lý tiêu cực tự sinh sôi”.

Tuy nhiên, động thái đó càng làm tăng chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến NDT suy yếu trong năm qua.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tạm dừng tăng lãi suất vào tháng trước sau 10 lần tăng liên tiếp. Dù các quan chức Fed báo hiệu họ sẽ tăng lãi suất cao hơn nữa, nhưng hầu hết các nhà kinh tế cho rằng Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Viễn cảnh đó sẽ giúp ổn định đồng NDT vào cuối năm nay.

Gần đây, tình trạng suy yếu của NDT trở nên trầm trọng hơn do nhà đầu tư nước ngoài rút tiền khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục. Nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng đang chọn giữ đô la Mỹ và các ngoại tệ khác thay vì chuyển đổi chúng thành NDT. Hành động của họ đã loại bỏ một nguồn lực hỗ trợ cho NDT.

Không giống như nhiều ngân hàng trung ương phương Tây, PBoC được giao một nhiệm vụ rộng hơn, gồm quản lý lạm phát, giữ tiền tệ ổn định và quản lý rủi ro trong hệ thống tài chính. Ưu tiên thứ hai của PBoC là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Nhưng các mục tiêu này không phải lúc nào cũng hòa hợp với nhau. Giải pháp rõ ràng để giúp chấm dứt tình trạng xuất khẩu yếu kém là cho phép NDT giảm giá, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường nước ngoài. Nhưng mong muốn giữ NDT ổn định của PBoC khiến giải pháp đó không dễ thực hiện.

Ligang Liu, nhà kinh tế tại ngân hàng CitiGroup, nhận định các quan chức PBoC không muốn đồng nội tệ giảm sâu hơn nữa, một phần là do họ lo ngại về hậu quả lớn hơn, bao gồm tác động tiêu cực đến giá bất động sản, thị trường chứng khoán.

PBoC giám sát diễn biến của NDT so với một rổ tiền tệ, bao gồm cả đồng tiền của một số đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Á.

Sim Moh Siong, nhà chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Singapore, cảnh báo một đợt giảm giá sâu đột ngột của NDT sẽ làm tổn hại đến quan hệ thương mại của Trung Quốc với các đối tác đó và sẽ khiến các đồng tiền trong khu vực giảm giá.

“Điều này sau đó có thể tác động ngược trở lại Trung Quốc và cảm nhận tổng thể về các thị trường của Trung Quốc”, ông nói.

Theo các nhà kinh tế, triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của PBoC.

“Nếu nhìn vào nguyên nhân gốc rễ của sự yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy đó không phải là tình trạng thiếu thanh khoản, không phải là khả năng trả nợ của người dân và doanh nghiệp, không phải là sự sẵn có của tín dụng, mà là tình trạng thiếu niềm tin, Shuang Ding, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered, nhận định.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới