Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đồng nhân dân tệ rẻ không thể vực dậy kinh tế TQ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng nhân dân tệ rẻ không thể vực dậy kinh tế TQ

Chánh Tài

Đồng nhân dân tệ rẻ không thể vực dậy kinh tế TQ
Đồng nhân dân tệ giảm giá đã khiến các thị trường chứng khoán trên toàn cầu suy giảm. Ảnh minh họa: Reuters

(TBKTSG Online) – Ngày 21-1, Chủ tịch tập đoàn tài chính Goldman Sachs Gary Cohn cho biết Trung Quốc (TQ) có thể giảm giá đồng nhân dân tệ thêm nữa để giải quyết vấn đề tăng trưởng đang trì trệ. Tuy nhiên, trong một bài viết đăng trên Bloomberg, Phó giáo sư (PGS) Christopher Balding ở Trường Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến cho rằng đồng nhân nhân tệ rẻ hơn sẽ không giúp gì cho tăng trưởng của TQ.

Không tạo động lực tăng trưởng mới

Các mối lo về khả năng TQ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ bằng cách phá giá đồng nhân tệ hơn nữa đã thôi thúc làn sóng bán tháo cổ phiếu ở Trung Quốc và trên khắp thế giới trong những tuần đầu năm nay. PGS Balding cho rằng đó chỉ là một lý do khiến giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nên suy nghĩ kỹ trước khi giảm giá đồng nhân dân tệ xuống sâu thêm nữa. Lý do khác là động thái phá giá này có thể không mang lại hiệu quả.

Theo lẽ thường, đồng nội tệ của một nước rẻ hơn sẽ hỗ trợ xuất khẩu của nước đó. Giả như mọi điều kiện xung quanh không thay đổi, giảm giá đồng nhân tệ chắc chắn làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa TQ và tạo một cú huých cho nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 25 năm qua. Tuy nhiên, theo PGS Balding, có nhiều lý do để tin rằng phá giá đồng nhân tệ không mang động lực tăng trưởng mới cho TQ và có thể gây ra các vấn đề lớn hơn về sau này.

Thứ nhất, hiện nay xuất khẩu chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế TQ, chỉ khoảng 22,6% GDP vào cuối năm 2014 và tỷ trọng này còn giảm xuống trong năm 2015.

Xuất khẩu tăng đột biến cũng chỉ tạo ra tác động tương đối khiêm tốn đối với tăng trưởng GDP. Ước tính nếu tỷ giá của đồng nhân tệ giảm từ 6,58 xuống 7,7 nhân dân tệ ăn một đô la Mỹ, GDP của TQ sẽ tăng thêm khoảng 0,7%. Đồng nhân dân tệ rẻ hơn sẽ khiến giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng. Đó là một tín hiệu xấu nếu TQ thực sự muốn chuyển đối nền kinh tế sang mô hình tăng tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa.

Hơn nữa, vì TQ đã hội nhập sâu sắc vào chuỗi cung cấp toàn cầu, một phần lớn giá trị thương mại của TQ là thương mại gia công hoặc phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu. Giảm giá đồng nhân dân tệ sẽ khiến nhiều linh kiện bao gồm các linh kiện để lắp ráp điện thoại iPhone tại TQ đắt đỏ hơn và càng gây khó khăn cho nỗ lực thúc đẩy xuất khấu.

Đồng nhân tệ rẻ hơn cũng không tiếp thêm sức mạnh cho ngành thương mại gia công của TQ vì chỉ nước này chỉ hưởng được một phần nhỏ trong giá trị thương mại gia công. Một nghiên cứu đã cho thấy chỉ 3% giá trị của điện thoại iPhone ở lại TQ, một tỷ lệ chắc chắn sẽ không thay đổi khi giảm giá đồng nhân dân tệ.

Rủi ro khi giảm giá đồng nhân nhân tệ

PGS Balding cho rằng vì các tiền tệ ở các thị trường mới nổi khác cũng đang giảm đáng kể so với đồng đô la Mỹ, vậy nên, để kích thích tăng trưởng và thương mại, TQ sẽ phải giảm giá khá mạnh đồng nhân dân tệ. TQ đã trở thành nơi tốn kém để kinh doanh vì đã đánh mất lợi thế nhân công giá rẻ sang các nước Đông Nam Á chẳng hạn Việt Nam, do đó giảm giá đồng nhân dân tệ ở mức nhẹ sẽ không đủ để lôi kéo các nhà đầu tư quay trở lại TQ.

Chỉ bằng cách giảm giá đồng nhân tệ thật mạnh mới khôi phục được sức mạnh cạnh tranh về chi phí của TQ. Điều này lại đặt ra một câu hỏi khác: Liệu TQ có muốn quay trở lại mô hình tăng trưởng thặng dư lớn dựa trên đồng nội tệ rẻ?

PGS Balding nhận định chắc chắn, đối với chính phủ TQ,  giảm giá đồng nhân tệ, về mặt chính trị, dễ chịu hơn quyết định đóng cửa các nhà máy hay ngăn chặn việc gia hạn các khoản nợ. TQ sẽ áp đặt phí tổn cho các nước khác hơn là người dân trong nước. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng đó cũng có những giới hạn. Quay trở lại mô hình này chỉ là cái cớ để TQ tránh các cải cách cam go nhưng cần thiết để tăng tính cạnh tranh và sức mạnh của nền kinh tế TQ.

Thực tế, những gì đang gây áp lực cho việc giảm giá đồng nhân dân tệ chính là dòng vốn đang chạy khỏi TQ khi các nhà đầu tư TQ tìm cách rút tiền khỏi nước này để đưa đến những nơi an toàn hơn, chẳng hạn Mỹ. Theo ước tính, lượng vốn khoảng 1.000 tỉ đô la Mỹ đã tháo chạy khỏi TQ từ giữa năm 2014 đến nay. Không ai có thể trách họ. Dù chính phủ TQ đưa ra nhiều cam kết, tăng trưởng kinh tế vẫn yếu và năng suất dư thừa khiến các dự án mới không thể khởi động. Tiếp cận nguồn vốn ở TQ cũng rất khó khăn ngoại trừ các công ty nhà nước. Các công ty trong nước không dám đầu tư vào các sản phẩm mới vì việc thực thi pháp luật bảo vệ tài sản trí tuệ ở TQ rất yếu.

Các nhà đầu tư TQ  cũng sợ thu hút sự chú ý của bộ máy điều tra chống tham nhũng của chính phủ nếu họ phô trương sự giàu có. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy bị đối xử bất công bởi những cuộc điều tra bất nhất và các quy định pháp luật mù mờ.

PGS Balding kết luận giảm giá đồng nhân tệ chẳng những không tạo ra tác động có ý nghĩa đến tăng trưởng mà còn mang đến một rủi ro rất thực là dòng vốn càng tháo chạy khỏi TQ khi các nhà đầu tư chủ động né tránh các suy giảm trong tương lai. Hơn nữa, động thái này cũng hoàn toàn không giúp ích cho TQ trong nỗ lực xây dựng một nền kinh tế lành mạnh hơn và sáng tạo hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới