Thứ bảy, 17/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dòng nước bạc 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dòng nước bạc 

Người dân miền Trung sống chung với lũ lụt- Nguồn: www.quangngai.gov.vn

(SGTO) - Bản tin thời sự Đài Truyền hình Việt Nam cho biết đợt lũ tuần đầu tháng 11, Phú Yên có tới 20 người chết và nhiều người khác mất tích. Nhà đài khẳng định đa phần những người bị chết vì thiếu hiểu biết.  

Lạ thật, dân miền Trung vốn quen bão lũ hàng năm sao lại thiếu hiểu biết.  Nhưng khi xem kỹ bản tin phỏng vấn các quan chức địa phương, mới thấy người dân bị nước lũ cuốn trôi do chủ quan của con người.

Nước lũ dâng lên nhanh trên sông, theo dòng nước là gỗ, củi từ thượng nguồn cuốn về xuôi. Gà vịt, trâu bò lác đác trôi lập lờ trên mặt sông cuộn sóng. Vậy là nhiều người dân sống quen sông, dùng sõng (loại ghe nhỏ, đan bằng tre, trét dầu rái ở Phú Yên) bơi ra sông vớt củi, gỗ, gà vịt và một số người đã bị nước lũ cuốn theo chính vì chủ quan.

Hồi còn nhỏ sống ở quê Phú Yên, nhà tôi chỉ cách sông chưa đầy 500 mét và trong làng gần như nhà nào cũng có cái sõng để qua lại sông, vì bên kia sông là đồng đất trồng hoa màu. Mỗi khi có mưa to dầm dề cả ngày hôm trước thì hôm sau nước lụt (ở quên tôi gọi lũ là lụt) bắt đầu lên nhưng lên chậm, vì khi đó rừng đầu nguồn còn nhiều. Lũ trẻ chúng tôi thi nhau lấy sõng ra sông vớt gỗ, củi, gà vịt.

Hồi đó, quê tôi chỉ bị lụt khi mưa dầm dề ba bốn ngày, thậm chí mưa trên đầu nguồn cả tuần thì nước lụt, vốn có màu bạc, mà tụi tôi gọi là nước bạc, kèm theo bọt trắng xóa mới đổ dồn về hạ nguồn. Khi thấy nước bạc đổ về xuôi ầm ầm, lũ nhóc chúng tôi bị người lớn răn đe, không cho bơi sõng ra sông sâu vớt củi, do lo sợ dòng nước bạc hung dữ cuốn trôi.

Bốn năm trước, ba tôi mất. Trời hôm đó mưa dầm cả ngày, tới chiều tối, người làng đưa quan tài ba tôi qua bên kia sông để chôn cất thì nước sông đã dâng nhanh, nước bạc cuồn cuộn chảy về. Dòng sông nhỏ khi yên bình thì mặt sông rộng chưa tới 100 mét, nhưng khi nước bạc đổ về, nó phình ra hàng trăm mét. Tôi bơi sõng đưa ba tôi sang sông thật khó khăn giữa lúc nước lụt cuồn cuộn, bọt trắng xoá dòng sông.

Nghĩa địa của làng nằm dưới chân một ngọn núi mà lúc nhỏ, vào kỳ nghỉ hè, chúng tôi hay lên chặt củi gánh về. Ngọn núi đó có nhiều con suối nước chảy ra sông, ngày xưa màu cây lá rừng xanh rì, cây cối rậm rạp, có nhiều thú rừng ban đêm thường xuống ủi phá khoai sắn mà nhà tôi trồng. Giờ đây ngọn núi ngày xưa ấy như đã biến mất, thay vào rừng cây rậm rạp ngày nào là những rẫy trồng chuối, mít, đào lộn hột (cây điều), lộ ra nguyên hình là ngọn núi đá lởm chởm, như đầu một con người bị ông thợ hớt tóc cạo loang lỗ.

Và cũng từ hôm đó, tôi mới hiểu hết câu nói của chú tôi, ông nói khi cùng tôi bơi sõng đưa ba tôi sang sông: “Ngày trước mưa ba ngày thì làng mình mới có nước lụt, nước bạc, bây giờ chỉ còn một ngày”. Núi không còn cây cối, mưa rừng đổ nước ầm ầm ra sông và nước bạc lên nhanh, bất ngờ. Những người chết trong đợt lũ đầu tháng này ở Phú Yên có lẽ không hiều hết điều này, họ cứ ngỡ nước lụt lên chậm như ngày trước chăng?

Đợt lũ lần thứ tư tính từ đầu tháng 10, bắt đầu từ ngày 10-11 nhưng chỉ trong ba ngày qua, nó đã làm chết hơn 20 người ở miền Trung. Nhưng điều làm tôi không hiểu là tại sao, các cơ quan khí tượng đã cảnh báo bão Peipah từ hôm 7-11, rằng bão Peipah có khả năng “chết” trên biển chứ không vào tới đất liền. Và các cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, dù dự đoán bão không vào đất liền nhưng ảnh hưởng của Peipah có thể gây mưa dữ dội ở miền Trung.

Thực tế ba ngày qua đã chứng minh dự báo đó đúng.

Nhưng người chết trong ba ngày qua vẫn diễn ra, nhiều vùng vẫn ngập sâu, mất liên lạc. Phải chăng chính quyền địa phương chủ quan, xem thường Peipah khi thấy nó không còn vào đất liền.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới