Thứ tư, 20/11/2024
26.7 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp hợp tác cùng PAN Group nâng cao thu nhập cho người trồng lúa

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group) thí điểm xây dựng mô hình nông nghiệp giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Đây là kết quả từ lời mời doanh nghiệp tham gia xây đề án nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ trong vùng bảo tồn sếu đầu đỏ của UBND tỉnh Đồng Tháp.

PAN Group đồng ý cùng tỉnh Đồng Tháp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

PAN Group giao cho hai đơn vi thành viên tham gia phối hợp thực hiện là Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFC) và Công ty cổ phần giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed).

Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đơn vị này cùng hai doanh nghiệp nêu trên đã thống nhất thực hiện đề án tăng thu nhập cho người trồng lúa thông qua thí điểm triển khai một mô hình có quy mô từ 100-200 héc ta ngay trong vụ thu đông 2023.

Theo đó, mô hình này sẽ sử dụng giống lúa ĐS1 do Vinaseed cung cấp, với lượng giống gieo sạ khoảng 80-100 kg/héc ta; quy trình quản lý dịch hại sẽ áp dụng theo quy trình của VFC.

Về việc tiêu thụ, theo ông Điền, Vinaseed cam kết thu mua lúa cho người nông dân tham gia mô hình với giá cao hơn giá thị trường từ 200-300 đồng/kg, nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xét nghiệm.

Trong khi đó, về tham gia mô hình liên kết và tiêu thụ lúa hữu cơ trong vùng bảo tồn sếu đầu đỏ, PAN Group sẽ có phản hồi lại cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, như KTSG Online đã thông tin, việc mời PAN Group tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hữu cơ và đề án tăng thu nhập cho người nông dân nhằm thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thêm vào đó, việc mời PAN Group tham gia mô hình liên kết cũng nhằm giúp giảm chi phí, nâng cao thu nhập người trồng lúa. Trong đó, có mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở vùng bảo tồn sếu đầu đỏ ở Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Để thu hút doanh nghiệp tham gia, ông Điền cho biết, ngay trong vụ hè thu 2023, địa phương cũng đã chủ động đầu tư mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 100 héc ta. Định hướng đến năm 2025, địa phương sẽ có trên 20.000 héc ta diện tích sản xuất lúa hữu cơ, chiếm khoảng 1% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh.

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương có diện tích canh tác lúa khoảng 195.279 héc ta, chiếm 70,6% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, lúa là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực, có vị trí quan trọng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn ở địa phương này.

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến như “1 phải- 5 giảm”, “3 giảm- 3 tăng”, ứng dụng cơ giới hóa toàn diện, nông nghiệp thông minh và các mô hình xen canh, hợp canh như: lúa- cá, lúa- sen… đã được triển khai. Điều này giúp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng thêm thu nhập cho người nông dân từ 5,3- 7,7 triệu đồng/héc ta…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới