Thứ ba, 14/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đồng Tháp kiến nghị không đầu tư BOT cao tốc An Hữu- Cao Lãnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đồng Tháp kiến nghị không đầu tư BOT cao tốc An Hữu- Cao Lãnh

Trung Chánh

(TBKTSG Online) - Thay vì đầu tư BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương thống nhất đầu tư dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh bằng hình thức đầu tư công.

Đồng Tháp kiến nghị không đầu tư BOT cao tốc An Hữu- Cao Lãnh
Đồng Tháp kiến nghị Trung ương không đầu tư BOT dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh. Trong ảnh là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu tại buổi làm việc của đoàn công tác Quốc hội với tỉnh Đồng Tháp diễn ra ở địa phương này vào chiều hôm nay, 4-9, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sau khi cầu Cao Lãnh, Vàm Cống và tuyến kết nối hai cầu được đưa vào hoạt động, khiến lưu lượng phương tiện lưu thông trên quốc lộ 30 (đoạn Cao Lãnh- An Hữu) tăng đột biến.

Trong khi đó, theo ông Dương, quốc lộ 30 hiện hữu có mặt đường nhỏ hẹp, không đáp ứng lưu thông và đảm bảo an toàn giao thông. “Do đo, việc sớm đầu tư tuyến mới An Hữu- Cao Lãnh là vô cùng cấp thiết”, ông cho biết.

Theo ông Dương, dự án tuyến đường mới An hữu- Cao Lãnh (song song tuyến quốc lộ 30 hiện hữu) dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 5.380 tỉ đồng, nếu đầu tư bằng hình thức đầu tư công.

Tuy nhiên, nếu đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao), thì tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 5.643 tỉ đồng, tức tăng 263 tỉ đồng so với đầu tư công do phải chịu lãi suất vay ngân hàng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Ban quản lý dự án 7 đang nghiên cứu, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải hai phương án đầu tư dự án nêu trên, gồm đầu tư công hoặc đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Tuy nhiên, theo ông Dương, do tính cấp thiết và quan trọng của tuyến mới An Hữu- Cao Lãnh, trong khi nếu triển khai đầu tư theo hình thức PPP thời gian sẽ kéo dài do thủ tục phức tạp và tổng mức đầu tư cao hơn 263 tỉ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư không cao so với tổng mức đầu tư (1.663/5.643 tỉ đồng, chiếm 29,47%) do khống chế thời gian khai thác của nhà đầu tư không quá 18 năm, cho nên, hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP không cao.

Chính những lý do nêu trên, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương thống nhất đầu tư dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh bằng hình thức đầu tư công. Trong đó, ngân sách tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang góp khoảng 40% (dự án đi qua hai địa phương này, trong đó, chủ yếu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp- PV) (2.152 tỉ đồng) và ngân sách Trung ương hỗ trợ 60% (3.228 tỉ đồng) tổng mức đầu tư của dự án.

Liên quan đến đề xuất nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ với đề xuất của Đồng Tháp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự án nêu trên đã nằm trong quy hoạch phát triển giao thông, tức đã được phê duyệt chủ trương. "Vấn đề là đưa vào kế hoạch đầu tư công lúc nào để bố trí vốn thôi", bà nói và tái nhấn mạnh: "Tôi và các vị ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề nghị của tỉnh".

Bà Ngân cũng đề nghị, sau chuyến thăm tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có thông báo kết quả làm việc và đề nghị Chính phủ xem xét kiến nghị của địa phương. "Cái gì trong thẩm quyền của Chính phủ, thì giải quyết; còn vượt thẩm quyền, thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết", bà nói và cho rằng, nếu vượt qua thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì báo cáo ra Quốc hội giải quyết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nếu không thể triển khai đầu tư dự án ngay với quy mô đường cao tốc, thì có thể phân kỳ đầu tư để phù hợp với bối cảnh ngân sách còn khó khăn.

Trong khi đó, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh có một vị trí rất quan trọng. Bởi, không chỉ giúp kết nối các địa phương như Kiên Giang, An Giang và một phần Thành phố Cần Thơ với đường cao tốc TPHCM- Cần Thơ, mà còn giúp kết nối giữa Campuchia với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long..., trong vận chuyển hàng hóa. "Thành ra, tôi muốn nói rõ hơn tầm quan trọng của đoạn chỉ hơn 30 km này, nhưng nó là nỗi buồn của người dân Đồng Tháp", ông Hoan cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới